Nhân lực hậu Covid-19

Khi đại dịch do Corona virus hay còn gọi Covid-19 gây ra và cướp đi hơn 6 triệu sinh mạng con người trên toàn thế giới, thì cũng xuất hiện nhiều mối quan tâm về cuộc sống nhân loại thời kỳ hậu Covid-19 sẽ như thế nào. Đặc biệt là vấn đề dân số và nguồn nhân lực phục vụ phát triển sau một thời gian dài bị đại dịch tàn phá.

Phân tích sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến dân số và nguồn nhân lực đang trở thành một đề tài gây nhiều tranh luận trên thế giới. Các nhà dân số học thực chứng lập luận rằng, đại dịch do Covid-19 gây ra với nhân loại như một tác nhân tác động trực tiếp đến nền dân số thế giới và qua đó cũng ảnh hưởng đến nguồn nhân lực phục vụ phát triển trong những năm tới. Những người theo quan điểm này cho rằng, Covid-19 là một tác nhân sàng lọc dân số theo một quy luật nghiệt ngã mà nhân loại không ai muốn chứng kiến đó là quy luật “mạnh được yếu thua”. Covid-19 giống như một cuộc thanh trừng dã man vào xã hội loài người và thải loại những người ốm yếu, có bệnh nền trong cơ thể hay có sức đề kháng kém. Sự nhận định của một số người còn duy lý đến lạnh lùng khi cho rằng, cuộc thanh trừng này đã gây nên sự bàng hoàng, lo sợ trên bình diện quốc tế, nhưng nó cũng là một tác nhân làm giảm thiểu sức ép của dân số lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như giảm sức ép tiêu thụ của các nền kinh tế cho Trái Đất. Số nhân khẩu bị giảm phần lớn là người già yếu, người ốm đau, sức khỏe kém. Không những vậy, các nền kinh tế cũng phải cắt giảm chi phí, nhất là về năng lượng và các nguồn tài nguyên khác hay tìm kiếm các nguồn lực mềm mới để phát triển nhằm thích ứng với thời đoạn hậu Covid-19.

Những lập luận của các nhà thực chứng cũng gặp ngay sự phản đối của các nhà kinh tế đạo đức. Họ cho rằng, xem đại dịch như là một tác nhân thanh lọc dân số và giảm sức ép của dân số đến các nguồn tài nguyên là một sự vô cảm. Dịch bệnh là điều không ai muốn và càng không thể xem nó là nhân tố tích cực đối với con người được, khi mà nó đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu sinh linh. Dân số tăng nhanh gây sức ép đến các nguồn tài nguyên cũng như các điều kiện chung trên Trái Đất và hạn chế sự gia tăng dân số là chiến lược của các quốc gia cũng như chiến lược chung của toàn thế giới. Nhưng nó cần được thực hiện theo các chương trình phù hợp và đề cao giá trị nhân văn. Các nhà kinh tế đạo đức cũng phê phán các quan điểm dân số học duy lý khi xem nó có thể trở thành một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ nhiều nơi, nhất là các nước nghèo sẽ bỏ mặc hoặc thiếu nhiệt tình trong việc cứu chữa cho những người nhiễm Covid-19.

Hai quan điểm này thu hút được nhiều người tham gia thảo luận và thậm chí có những tranh luận gay gắt xảy ra. Thực tế, các nhà dân số học duy lý không tạo ra dịch bệnh, mà họ chỉ phân tích tình hình dựa vào các số liệu thống kê về dịch bệnh được các quốc gia, các tổ chức liên quan đã công bố. Dù cái nhìn của họ có phần lạnh lùng những cũng có những giá trị tham chiếu nhất định. Còn các nhà đạo đức học cũng thể hiện được tư tưởng nhân văn khi nhìn dịch bệnh với con mắt thương cảm hơn, và đặc biệt là sự lo lắng về những hệ lụy có thể diễn ra khi tính mạng con người có thể bị bỏ mặc do ứng xử của con người với Covid-19 ngày càng chủ quan hơn và quá lý tính. Và gần đây, những quan điểm về dân số học và nghiên cứu phát triển lại đi sâu vào phân tích các mối lo lắng về chất lượng nguồn nhân lực cho việc phục hồi kinh tế nhằm thảo luận một cách toàn diện hơn về vấn đề này.

Dịch bệnh có làm thay đổi dân số thế giới nhiều hay không? Đây là câu hỏi được quan tâm bởi nhiều người. Các nhà dân số học đã phân tích các số liệu để làm dẫn chứng. Tính đến hết tháng 3/2022, đại dịch do Covid-19 đã cướp đi tính mạng của 6,14 triệu người trên toàn thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của khoảng 463 triệu người nhiễm bệnh. Đó là những con số kinh hoàng bởi một dịch bệnh. Nhưng xét trên bình diện biến động dân số thế giới thì cho thấy sự biến động khá lớn nhưng không quá nghiêm trọng. Trong trạng thái bình thường, mỗi năm toàn thế giới có 141 triệu người được sinh ra và khoảng 60 triệu người mất đi. Số người chết do dịch Covid-19 sau hơn 3 năm chiếm 10,2% số người chết trong 1 năm và chiếm gần 4,4% số người được sinh ra trong 1 năm. Hay như ở Việt Nam, đến nay chúng ta đã mất đi hơn 41 vạn người do Covid-19, một mất mát lớn nhất từ sau 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thế kỷ trước. Nhưng liệu nó có làm thay đổi bức tranh dân số Việt Nam nhiều không khi mà hiện nay tổng số dân của ta 98.564.407 người; mỗi năm có 1.545.374 trẻ được sinh ra 632.573 người chết đi, gia tăng dân số tự nhiên là 912.801 người? Chắc chắn là có nhưng không nhiều. Như vậy, đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng đến dân số thế giới nhưng chưa đến mức làm thay đổi căn bản bức tranh dân số thế giới hay của một quốc gia được. Có điều, dịch bệnh lại tác động mạnh đến nguồn nhân lực của hầu hết các quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Sự tác động của đại dịch đến nguồn nhân lực nếu nhìn vào số liệu người đã chết hay số lượng người nhiễm bệnh thì chỉ là một góc nhỏ. Bởi những người bị nhiễm thì một phần lớn thuộc diện ngoài độ tuổi lao động, và số người chết vì dịch bệnh cũng chủ yếu là người già cả, ốm yếu, có bệnh nền. Tuy nhiên, sự tác động mạnh mẽ đến nguồn nhân lực do sự bao trùm rộng lớn của dịch bệnh và sự tác động đa chiều từ nó. Dịch bệnh đã làm cho hàng tỷ người phải cách ly, huy động hàng trăm triệu người khác phải tham gia điều trị cho bệnh nhân hay tham gia phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh cũng làm cho hàng trăm triệu trẻ em không được đến trường, hàng ngàn ngôi trường từ mầm non đến đại học phải thay đổi cách thức, phương pháp giảng dạy. Có thể nói rằng, chính dịch Covid-19 đã bào mòn sức lực của hàng tỷ con người trên Trái Đất. Và một khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động đều trở lại bình thường thì hệ quả của nó vẫn còn rất lớn. Sau một thời gian dài căng mình chống dịch thì sức lực của con người bị cạn kiệt và phải cần một khoảng thời gian dài để hồi phục. Nó ảnh hưởng đến tần suất và hiệu quả hoạt động của nhiều lĩnh vực. Không những vậy, những chấn thương tâm lý hậu dịch bệnh cũng là vấn đề nan giải, tiêu biểu là các bệnh chứng như trầm cảm, mệt mỏi, lo sợ, rối loạn thần kinh, ngại tiếp xúc với người khác, nghiện các chất kích thích… Điều này cũng được các nhà kinh tế học đề cập và cảnh báo về thiếu hụt lực lượng lao động hay giảm thiểu chất lượng lao động hậu Covid-19. Không những vậy, với việc hàng trăm triệu trẻ em không được đến trường, ảnh hưởng đến nền giáo dục cũng làm cho nguồn nhân lực trong tương lai gần bị tác động.

Nói tóm lại, đại dịch Covid-19 đã tác động đến nền dân số thế giới một cách trực tiếp nhưng sự tác động đó chưa làm thay đổi bức tranh dân số thế giới được. Cuộc tranh luận giữa các nhà dân số học thực chứng với các nhà kinh tế đạo đức cũng làm rõ hơn về điều đó. Tuy nhiên, trên mọi phương diện, Covid-19 lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn nhân lực của các quốc gia cũng như toàn cầu. Một mặt dịch bệnh tác động trực tiếp đến sức khỏe của hàng trăm triệu người bị nhiễm bệnh và hàng tỷ người liên quan. Mặt khác, dịch bệnh cũng gây ra nhiều tổn thương tâm lý cho hàng trăm triệu người trên thế giới hay ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhiều quốc gia. Điều đó làm cho nguồn nhân lực phục vụ phát triển hậu Covid-19 trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Vì lẽ đó, ngay trong quá trình chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới, chúng ta cần phải đưa ra những biện pháp để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho sự phát triển trong giai đoạn tới, bởi đây là nhân tố quan trọng quyết định sự phục hồi nền kinh tế đất nước.

Bài: Thiên Trang
Ảnh minh họa: Mai Hoa – Thành Cường – Trân Châu