Nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã khó khăn, ven biển

(Baonghean.vn) - Sáng 30/11, tại thành phố Vinh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Khoa học chuyên đề “Giảm nghèo bền vững thông qua hoạt động đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo”.

Giai đoạn 2016-2020, cả nước có 291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 23 tỉnh được ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.  Ảnh: Mỹ Hà
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Tham dự hội thảo có ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Mỹ Hà

Riêng trong ba năm 2016-2018, Ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện từ chương trình cho các xã là 1.225,327 tỷ đồng, trong đó có 830,675 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 394,652 tỷ đồng vốn sự nghiệp để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và xuất khẩu lao động trên địa bàn các xã này.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Hội thảo chuyên đề Giảm nghèo vùng bãi ngang ven biển và hải đảo nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy các hoạt động đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo để các xã này vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lao động đi biển ở phường Nghi Thủy - thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Lao động đi biển ở phường Nghi Thủy - Thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Các tham luận được trình bày tại hội thảo sẽ là cơ sở giúp cho cơ quan quản lý có thêm những gợi ý trong việc tổ chức và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2020. Đồng thời có thêm giải pháp hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt hiệu quả cao; có những kiến nghị dài hạn trong quá trình định hướng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Nghệ An hiện có 3 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a, 99 xã đặc biệt khó khăn và 184 thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Bên cạnh đó, có 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển trong danh sách phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Từ hai năm trở lại đây, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm gần 3%. Tuy vậy, toàn tỉnh đang có khoảng 9.500 hộ nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo.

Tin mới