Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, nắm bắt xu thế, sớm phục hồi du lịch

(Baonghean.vn) - Tại hội thảo “Du lịch Việt Nam 2021 - phục hồi và phát triển”, đồng chí Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã có bài phát biểu quan trọng… Báo Nghệ An trích đăng bài phát biểu này.

…Lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2. Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”.

Chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” của Hội thảo có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” được tổ chức ở Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”  được tổ chức ở Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Hội thảo càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Nghệ An, vùng đất "địa linh nhân kiệt", quê hương của Bác Hồ kính yêu; là nơi có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc, gắn với đời sống văn hóa, tâm linh phong phú; cùng với những nét tính cách đặc sắc của người xứ Nghệ với lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung; khí chất cương trực, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; đức tính cần cù, luôn tìm cái mới mà không quên cội nguồn, đó là những tài sản, tiềm năng, lợi thế vô cùng quý giá giúp cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực Du lịch của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, ngành du lịch có vị trí, vai trò rất quan trọng. Du lịch là ngành công nghiệp không khói, du lịch góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm được nhiều chi phí, hứa hẹn lợi ích lâu dài và góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, đất nước; luôn được xem là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, có hệ số lan tỏa lớn, góp phần đa dạng xuất khẩu dịch vụ, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, việc làm cho người dân và thịnh vượng chung của quốc gia.

Năm 2019, du lịch đã đóng góp khoảng 10,4% GDP và 10,6% việc làm toàn cầu. Ở nước ta, ngành du lịch có nhiều lợi thế và tiềm năng nhờ sự đa dạng về truyền thống lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Phát triển ngành Du lịch là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, từ khi có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, ngành Du lịch liên tục có bước phát triển đột phá: năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm.

Từ đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội duy trì và phát triển: thu ngân sách 11 tháng ước đạt hơn 1,39 triệu tỷ đồng, vượt mục tiêu 3,7%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa tăng 6%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 599 tỷ USD, tăng 22,3%. Xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được đảm bảo, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có ngành du lịch. Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng; các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; nhiều người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển sang việc khác. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này. 

Thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Quốc hội, Chính phủ đang tích cực thảo luận, sớm có Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, vận tải, đầu tư, tiêu dùng…

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều lãnh đạo, chuyên gia, hiệp  hội đã đề xuất các chính sách, giải pháp tổng thể về tài khóa, tiền tệ và các chính sách phi tài chính khác; tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành và lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu: Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, có các giải pháp hữu hiệu vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Liên quan tới chủ đề này, đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, cuộc Hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn khi hội tụ rất nhiều các ý kiến, sáng kiến, giải pháp tâm huyết, có lý luận khoa học và thực tiễn từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu, nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan.

…Hội thảo được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng; các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, phát huy trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực du lịch, kinh tế, tài chính, văn hóa, môi trường. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực du lịch đã rất quan tâm, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm qua các bài tham luận rất có chất lượng, thể hiện quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đối với ngành du lịch: “Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”; du lịch đóng góp khoảng 14 đến 15% tổng sản phẩm quốc nội”.

Các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia góp ý, hiến kế để Du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển. Ảnh: Thành Cường
Các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia góp ý, hiến kế để Du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển. Ảnh: Thành Cường

Để Hội thảo đạt được kết quả cao nhất, trong chương trình thảo luận chiều nay và sau cuộc Hội thảo, tôi đề nghị:

Thứ nhất: Tác động của dịch COVID-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Do đó, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Thứ hai: Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết dành ngân sách cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nghị quyết cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả, toàn diện hơn nữa.

Tôi mong Hội thảo sẽ tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Thứ ba: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.

Mỗi địa phương phải xây dựng cho được môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 1129 ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, từ đó thúc đẩy mua sắm, thăm quan, thưởng thức văn hóa văn nghệ, ẩm thực, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Phát triển các hình thức du lịch tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch xanh, du lịch kết hợp với hội nghị, du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, tận dụng tối đa tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.

Thứ tư: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.

Thứ năm: Tôi đề nghị Ban tổ chức Hội thảo không chỉ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo hôm nay, mà cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Đồng thời, tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

(*) Tiêu đề bài viết do Báo Nghệ An đặt.

Tin mới