Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với quốc gia, Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng một xã hội số trong tương lai.

Áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng số để hỗ trợ một xã hội số trong tương lai, thu hẹp khoảng cách số (digital divide) giữa thành thị và nông thôn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, vào tháng 1/2016, Chính phủ Nhật Bản đã công bố “Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5 giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó đề xuất xây dựng một xã hội siêu thông minh hay còn gọi là “Xã hội 5.0”. Mục tiêu chính của “Xã hội 5.0” là giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian số. Đây là xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu của từng cá nhân.

Bên cạnh đó, sáng kiến ​​“Xã hội 5.0” của Nhật Bản cũng nhằm mục đích tạo ra một mô hình kinh tế khai thác các đổi mới công nghệ để thúc đẩy số hóa trong các cơ quan chính phủ cũng như trong các ngành dịch vụ.

Theo dự báo của Công ty tư vấn và phân tích dữ liệu GlobalData của Anh, với sáng kiến ​​“Xã hội 5.0” sẽ thúc đẩy thị trường giải pháp CNTT dựa trên kết nối Internet vạn vật (IoT) của Nhật Bản tăng từ 42,1 tỷ USD vào năm 2021 lên 60 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,4% trong giai đoạn dự báo. Trong đó, lĩnh vực sản xuất, liên quan đến việc sử dụng rô-bốt và tự động hóa sẽ chiếm 13,1% doanh thu của thị trường công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại Nhật Bản.

Thành lập Cơ quan Kỹ thuật số để thúc đẩy tham vọng kỹ thuật của đất nước

Nhật Bản vốn bị xem là quốc gia chậm trễ trong việc số hóa các dịch vụ công của chính phủ, cả ở cấp quốc gia và địa phương. Quốc gia này vẫn đang tìm cách nâng cấp công nghệ cho các dịch vụ của chính phủ và lưu trữ hồ sơ, chính vì thế, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan Kỹ thuật số hồi tháng 9/2021, nhằm tập trung cải cách các hệ thống quản trị đã cũ kỹ của các cơ quan chính phủ, hệ thống đã thể hiện rõ nhiều thiếu sót, bất cập trong đại dịch COVID-19.

Kể từ khi thành lập, cơ quan này đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia để thúc đẩy tham vọng kỹ thuật số của mình. Theo đó, vào tháng 6 năm 2022, cơ quan này đã ký một thỏa thuận 3 năm với Cơ quan công nghệ chính phủ (GovTech) của Singapore để tập trung vào việc trao đổi kiến ​​thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực danh tính số (Digital Identity), trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và dịch vụ điện toán đám mây. Tiếp theo, vào tháng 10 năm 2022, Nhật Bản cũng đã hợp tác với Vương quốc Anh nhằm tăng cường chuyển đổi số trong các cơ quan chính phủ. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã tiếp tục hợp tác với Chính phủ Philippines trong việc thúc đẩy các nỗ lực chuyển đổi số.

Cơ quan Kỹ thuật số Nhật Bản hiện đang khuyến khích các chính quyền địa phương chuyển hoàn toàn sang dịch vụ điện toán đám mây của chính phủ vào năm tài chính 2025. Một quan chức cho biết, việc chuyển hoàn toàn sang điện toán đám mây có thể giúp giảm khoảng 30% ngân sách chi cho CNTT hàng năm, hiện đang ở mức khoảng 800 tỷ yên (7 tỷ USD).

Từng là một quốc gia tự hào về những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ, Nhật Bản hiện có rất nhiều việc phải làm. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh kỹ thuật số năm 2022 của Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) Thụy Sỹ công bố, Nhật Bản xếp thứ 29 trong số 63 quốc gia, tụt 1 bậc so với năm 2021.

Năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản, ông Fumio Kishida đã thông báo rằng, chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ dựa trên công nghệ mới nhất của Internet (còn gọi là Internet thế hệ thứ 3 hay Web 3.0), bao gồm các dịch vụ mới như tài sản số ứng dụng công nghệ chuỗi khối (NFT) và vũ trụ ảo (metaverse).

Là một trong những quốc gia đầu tiên ra mắt các dịch vụ 5G thương mại, Nhật Bản đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 98% dân số vào cuối quý 1/2024. 5G được xác định là công cụ hỗ trợ chính cho quá trình chuyển đổi số, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy phát triển 5G trong các thị trường công nghiệp và các trường hợp sử dụng khác để tác động tích cực đến nền kinh tế của nước này.

Bên cạnh tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ 5G, Chính phủ Nhật Bản đang tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ di động thế hệ tiếp theo (6G) trong tương lai. Theo đó, từ đầu năm 2020, Nhật Bản đã bắt đầu có các cuộc thảo luận về công nghệ 6G. Để thực hiện mục tiêu phát triển và thương mại hóa công nghệ 6G, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đầu tư 50 tỷ Yên (khoảng 482 triệu USD) để thúc đẩy việc R&D công nghệ mới này. Mục tiêu mà Chính phủ Nhật Bản đề ra là sẽ phát triển các công nghệ mạng lõi cho hệ thống 6G vào năm 2025 và triển khai thương mại công nghệ này vào năm 2030.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Nhật Bản không phải là không có những khó khăn. Các cơ quan chính phủ vẫn chủ yếu dựa vào các thủ tục giấy tờ kiểu cũ khi người dân muốn đăng ký các dịch vụ công, trong khi các văn phòng chính quyền trung ương và địa phương lại sử dụng các hệ thống khác nhau để lưu trữ và quản lý dữ liệu, do các hệ thống không đồng nhất và được mỗi cơ quan tự xây dựng, nên thiếu khả năng tương thích. Bên cạnh đó, người dân Nhật Bản vẫn đang trung thành với các công nghệ truyền thống tồn tại từ nhiều thập kỷ qua, việc từ bỏ các công nghệ truyền thống này sẽ phải mất nhiều thời gian.

Số liệu nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ) cho thấy, hơn 25% doanh nghiệp Nhật Bản đang trì hoãn quá trình chuyển đổi số, trong khi gần 10% doanh nghiệp hoàn toàn không áp dụng chuyển đổi số. Con số này cao hơn so với các quốc gia khác, như Malaysia chỉ có 2% số doanh nghiệp không áp dụng chuyển đổi số và Indonesia chỉ có 1% số doanh nghiệp không áp dụng chuyển đổi số.

Năm ngoái, tân Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số Taro Kono đã chính thức lên tiếng và tuyên chiến với việc sử dụng đĩa mềm, CD và thậm chí cả băng cassette tại Nhật Bản. Điều này xuất phát từ việc một ủy ban chính phủ đã phát hiện ra khoảng gần 2.000 thủ tục hành chính vẫn đang yêu cầu nộp đơn hoặc biểu mẫu trên các loại đĩa mềm, CD, MD, thậm chí cả băng cassette. Ông đã công khai cam kết các biện pháp nhằm xóa bỏ việc sử dụng đĩa mềm để lưu trữ dữ liệu, một thực tế từ lâu đã bị coi là lỗi thời trong nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản thiếu những tài năng kỹ thuật số phù hợp để đáp ứng nhu cầu kỹ thuật số của đất nước. Quốc gia này cũng cần bắt kịp về việc áp dụng công nghệ điện toán đám mây để giải phóng hoàn toàn tiềm năng của công nghệ ngày nay. Với các khoản đầu tư vào điện toán đám mây chỉ chiếm 4% tổng chi tiêu CNTT của Nhật Bản vào năm 2021, Nhật Bản đang đứng sau nhiều quốc gia.

Thúc đẩy hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản

Từng là nhà sản xuất chíp bán dẫn lớn nhất thế giới, sản xuất hơn một nửa nguồn cung chất bán dẫn của thế giới trong những năm 1980, Nhật Bản hiện chỉ chiếm khoảng 9% sản lượng chất bán dẫn toàn cầu. Để tăng khả năng cạnh tranh, quốc gia này đang cố gắng hồi sinh ngành công nghiệp này để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc thông qua một loạt sáng kiến mới.

Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu những con chíp bán dẫn tiên tiến từ Đài Loan và Hàn Quốc đồng thời tăng cường sản xuất chất bán dẫn, Nhật Bản đã phê duyệt khoản tài trợ 7,7 tỷ USD để phát triển sản xuất chất bán dẫn vào năm 2021.

Ngoài ra, chính phủ cũng đã tài trợ cho các liên doanh với các nhà cung cấp chất bán dẫn của Đài Loan và Mỹ để thúc đẩy việc sản xuất chất bán dẫn trong nước. Theo đó, vào tháng 6 năm 2022, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã tài trợ 3,5 tỷ USD để xây dựng một xưởng đúc chất bán dẫn trị giá 8,6 tỷ USD ở bờ biển phía Tây Nhật Bản.

Đây là xưởng đúc bán dẫn đầu tiên do Công ty đúc bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan cùng đầu tư nhận được tài trợ của chính phủ và sẽ trở thành xưởng đúc bán dẫn tiên tiến nhất khi quá trình sản xuất bắt đầu vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch khác cũng đang được Nhật Bản thực hiện để nâng cao năng lực của quốc gia trong lĩnh vực sản xuất chíp bán dẫn tiên tiến.

Mặc dù Nhật Bản không giữ vị trí dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục là một người chơi công nghệ lớn trong khu vực nhờ vào lịch sử đổi mới sáng tạo công nghệ lâu đời và luôn quan tâm đến việc phát triển các công nghệ mới như IoT, AI và 5G để thúc đẩy các ứng dụng mới trong nền kinh tế số.

Thông qua việc sử dụng công nghệ số, Nhật Bản đang nhanh chóng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, lấy con người làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau, góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân bằng cách cho phép các công dân đa dạng lựa chọn các dịch vụ kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu của họ.

Tin mới