"Nhất thể" cán bộ xóm - Tại sao không?

(Baonghean) - Ông Nguyễn Xuân Đình - Xóm trưởng xóm Tân Thắng, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) tủm tỉm cười khi thấy tôi ngỏ ý muốn gặp đồng chí bí thư chi bộ. Ông bảo: "Bí thư chi bộ cũng là tôi, nếu cần tôi gọi thêm một đồng chí trong cấp ủy để nhà báo gặp nhé!". Thì ra ở xóm này đã thực hiện chế độ "nhất thể" mà ở một số địa phương đang thí điểm ở cấp xã.
Hỏi, một mình "gánh" hai chức thì thường gặp khó khăn hay thuận lợi? Đáp: Cả hai, nhưng thuận lợi vẫn cơ bản! Rồi ông Bí thư xóm Tân Thắng cho biết thêm, trước hết là khi gặp trường hợp đột xuất thì "quyết" được nhanh. Trong trường hợp cần xin ý kiến tập thể, lãnh đạo xóm vẫn chủ động xử lý phù hợp với ý kiến đa số. Trước đây, có khi cùng một vấn đề, một tình huống, nhưng giữa ông bí thư chi bộ và ông xóm trưởng hoặc đưa ra ý kiến xử lý trái nhau, hoặc sẽ cả nể, né tránh vì sợ mất "đoàn kết nội bộ". Giờ là “2 trong 1” nên công tác chỉ đạo, điều hành quyết đoán, nhanh chóng hơn… Nhưng như vậy liệu có xảy ra tình trạng "độc đoán, chuyên quyền"? Theo ông Nguyễn Sỹ Quế - Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm Đồng Ban (xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp) thì ở cấp xóm khó xảy ra!. Bởi người được giao vai trò "nhất thể" trước hết phải ý thức được mình; thứ nữa, xung quanh còn có tập thể cấp ủy, cán bộ các đoàn thể. Đó là chưa kể đến tình láng giếng, họ hàng. Còn về khó khăn? Cả 2 ông bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng nói trên ở xã Đồng Hợp đều khẳng định, một người mà "gánh" cả hai vai thì tất nhiên vất vả hơn, khó khăn hơn. Nhưng nếu có tinh thần trách nhiệm, có nhiệt tình thì sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Hợp, thì xã này có 15 xóm, nhưng mới chỉ 2 xóm là Tân Thắng và Đồng Ban thực hiện chế độ "nhất thể". Có thể thấy rõ một người đảm nhiệm cả 2 chức danh bí thư chi bộ và xóm trưởng có nhiều thuận lợi trong lãnh đạo, điều hành. Đó là chưa nói, khi một người được hưởng phụ cấp cả 2 chức danh (hơn 2,2 triệu đồng/tháng), thì có điều kiện tập trung công tác hơn. Tuy nhiên, với những cán bộ xóm năng lực yếu thì khó mà hoàn thành công việc, nên đòi hỏi người đảm nhận phải có năng lực, sức khỏe và nhất thiết phải có một "ê-kíp" nhiệt tình với việc công.
Được biết, theo Quyết định 14/2014 ngày 27/1/2014 của UBND tỉnh ban hành cấp xóm (bản) gồm 5 chức danh: bí thư chi bộ, trưởng xóm (bản), thôn đội trưởng, công an viên (kiêm xóm phó), y tế xóm (bản), ngoài ra, các đoàn thể như ban Mặt trận, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi... nếu như không thực hiện chế độ kiêm nhiệm, thì bộ máy cán bộ xóm (bản) quả là "hùng hậu"! Nên chăng, tinh giản được theo chế độ “nhất thể” như ở 2 xóm nói trên của xã Đồng Hợp cũng là một việc cần xem xét, sớm đánh giá hiệu quả để có thể nhân rộng? 
Việt Long