Nhiều bất cập từ chính sách giảm nghèo khu vực miền núi

(Baonghean.vn) - Liên quan đến thực hiện chủ trương, chính sách và tạo sinh kế từ rừng cho đồng bào khu vực dân tộc miền núi, tại cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An, nhiều đại biểu cho rằng vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Tham gia thảo luận vào sáng 21/7 tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều đại biểu dành thời gian phản ánh những bất cập liên quan đến lao động việc làm gắn với sinh kế từ rừng của vùng đồng bào miền núi. 

Những gốc sa mu cổ thụ trên rừng phòng hộ xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Đào Tuấn
Những gốc sa mu cổ thụ trên rừng phòng hộ xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Đào Tuấn

3 cái "nhất" của khu vực miền núi

Bất cập lớn nhất theo đại biểu Lục Thị Liên là hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi xuống cấp nhưng chưa có sự đầu tư kịp thời. Vấn đề nước sinh hoạt, điện lưới, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn là khoảng trống lớn.

Đại biểu Lục Thị Liên dẫn chứng: Việc làm, thu nhập của người lao động miền núi chất lượng vẫn ở mức thấp. Theo báo cáo về kết quả giảm nghèo năm 2019, Nghệ An có 41.041 hộ nghèo, tương đương với tỷ lệ 4,11%. Tuy nhiên, ở vùng miền núi tỷ lệ này chiếm đến 81,16%, tức là tương đương 33.307 hộ  (không tính thị xã Thái Hòa). Đây là thực tiễn mà tỉnh cần phải xem xét để có giải pháp cụ thể.

Đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị Quỳ Châu) nêu ý kiến thảo luận. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị Quỳ Châu) nêu ý kiến thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Theo đại biểu này, khu vực miền núi có 3 cái nhất: Đất rộng nhất, tài nguyên về rừng và thủy điện nhiều nhất, nhưng lại nghèo nhất. Do đó, vấn đề đặt ra là chất lượng việc làm và thu nhập của người dân miền núi như thế nào? Hiện nay dân số miền núi chiếm khoảng 36,34%, lực lượng lao động khoảng 36,27% so với toàn tỉnh Nghệ An. Độ che phủ rừng ở miền Tây Nghệ An chiếm từ 75-80%. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là người dân miền núi có thể sống được bằng nghề rừng và giảm nghèo bền vững. Với mục tiêu này, có huyện đã đăng ký thoát khỏi Chương trình 30a. Tuy nhiên, giải pháp cụ thể nào để thực hiện mục tiêu này thì lại không thấy nói đến.

Thực tế cho thấy cơ chế, chính sách đầu tư lâu nay cho miền núi tỉnh đang tập trung 80% cho đầu tư cơ sở hạ tầng, việc hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ đạt 20%. Bởi vậy, cần phải có chính sách cụ thể hơn trong hỗ trợ đầu tư phát triển khu vực miền núi.

Cũng liên quan đến vấn đề lao động, việc làm khu vực miền núi, lâu nay tỉnh đã đưa ra mục tiêu hàng năm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho từ 37.000-38.000 lao động thông qua các trung tâm đào tạo nghề. Tuy nhiên, chất lượng việc làm đang ở mức thấp. Theo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, vấn đề việc làm, thu nhập ở miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra để thu hẹp khoảng cách xa với khu vực đồng bằng.

Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: Thành Cường
Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Hiện Nghệ An có đến 65 cơ sở đào tạo nghề cả cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tuy vậy, cơ sở vật chất của các cơ sở vẫn rất hạn chế, giáo viên thiếu, chỉ có 3/11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở các huyện (miền núi) được đầu tư về trang thiết bị.

Làm gì để tạo sinh kế từ rừng?

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với tạo mô hình, sinh kế dựa vào tài nguyên rừng cho vùng miền núi, bà Lục Thị Liên bày tỏ: “Các Ban quản lý rừng phòng hộ và Kiểm lâm thuộc sự quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng khi vấn đề chịu trách nhiệm nếu xảy ra cháy rừng lại giao cho UBND các huyện. Điều này chưa chặt chẽ, và cần có quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa đơn vị chủ rừng, kiểm lâm và các lực lượng địa phương.

Đối với chủ trương xây dựng các mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên rừng, đề nghị phải có sự quản lý chặt chẽ các diện tích rừng, đồng thời phải có giải pháp chuyển đổi được rừng nghèo kiệt, kém hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương cần có chính sách cụ thể để phát triển chăn nuôi, đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả, cây đặc sản để tạo sản phẩm từ rừng.

Ươm giống cây và chế biến trà hoa vàng ở huyện Quế Phong. Ảnh: Lâm Tùng
Ươm giống cây và chế biến trà hoa vàng ở huyện Quế Phong. Ảnh: Lâm Tùng

Tỉnh cũng cần quy định chế độ khen thưởng cụ thể đối với hộ dân, chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Về chính sách hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng, ở Nghệ An mỗi năm ngân sách cần 405 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới chỉ có hơn 170 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 71,5 tỷ đồng và chi phí dịch vụ môi trường rừng là 98,8 tỷ đồng) và nhu cầu mới chỉ đáp ứng được 42%.

“Vậy còn 68% người dân sẽ sống như thế nào, trong khi đó nguồn kinh phí theo Nghị định 75 lâu nay nói nhiều nhưng chưa giải quyết được. Để hỗ trợ người dân đề nghị rà soát lại chi phí thu từ dịch vụ môi trường rừng chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, sát sao hơn” – bà Lục Thị Liên nói thêm.

Tin mới