Nhiều chủ ngân hàng rời ghế nóng

Để tuân thủ quy định Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, không ít chủ ngân hàng đã chọn làm sếp doanh nghiệp thay vì ngân hàng.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Đây là một quy định nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo. 

Do đó, nhiều doanh nhân đã đưa ra các quyết định về chức vụ của mình khi HĐQT bước sang nhiệm kỳ mới. Mới đây nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Nga đã quyết định thôi chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á - SeaBank để lui về giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực. Thay thế bà Nga, ông Lê Văn Tần, người từng là Phó tổng giám đốc phụ trách ngân hàng, được bầu là Chủ tịch HĐQT nhà băng này. 

Ngoài SeABank, hiện bà Nga vẫn làm Chủ tịch BRG - Tập đoàn chuyên đầu tư bất động sản, sân golf, khách sạn… Bà cũng là chủ nhiều sân golf như Đồng Mô, Đồ Sơn (Hải Phòng) và Sóc Sơn (Hà Nội).

Nhiều chủ ngân hàng rời ghế nóng ảnh 1

Ba chủ ngân hàng vừa rời vị trí Chủ tịch nhà băng. Ảnh: PV.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018 tổ chức ngày 25/4, ông Vũ Văn Tiền cũng đã rời vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank) để chọn làm sếp doanh nghiệp. 

Hiện ông Tiền nắm giữ vị trí lãnh đạo ở nhiều công ty khác như Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán An Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Thăng Long…

Tương tự, vừa rồi ông Võ Quốc Thắng cũng bỏ ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) để làm Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm. Điều này có nghĩa sau hơn năm năm với vai trò là Chủ tịch Kienlongbank, bầu Thắng đã chia tay ngành ngân hàng.

Chia sẻ về quyết định rút lui khỏi vị trí Chủ tịch ABBank, ông Vũ Văn Tiền cho rằng, đây là thời đại công nghệ 4.0 với rất nhiều thay đổi. Ông rút lui khỏi vị trí ghế nóng của Ngân hàng An Bình để nhường lại cho người khác làm tốt hơn.

Trong khi đó, ông Võ Quốc Thắng bộc bạch, ông tin tưởng quyết định của mình là hài hòa nhất trong điều kiện thực tế hiện nay. Tuy không tiếp tục tham gia quản trị, ông rất sẵn lòng sắp xếp thời gian để tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ với HĐQT, ban điều hành và cán bộ, nhân viên Kienlongbank.

Một vị chuyên gia nhiều năm trong ngành tài chính nhìn nhận, nếu một doanh nhân hoạt động ở trên nhiều lĩnh vực, tập đoàn lớn và gồm rất nhiều mảng kinh doanh thì quyết định tốt nhất có lẽ là rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của ngân hàng.

"Nếu không rút khỏi hai vị trí chủ chốt trên, họ sẽ không được giữ chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp và tập đoàn - đã và đang làm nên thương hiệu cũng như chỗ đứng của họ hàng chục năm qua", ông phân tích.

Ngoài ba trường hợp trên, có thể trong thời gian ngắn sắp tới, giới đầu tư sẽ tiếp tục chứng kiến sự biến động đáng kể - một làn sóng thay đổi đối với chức danh lãnh đạo chủ chốt của hàng loạt ngân hàng và các tập đoàn tư nhân lớn trên cả nước.

Tin mới