Nhiều cơ sở chế biến hải sản ngưng trệ vì tàu thuyền nằm bờ

(Baonghean.vn) - Mặc dù có giảm nhẹ, song giá dầu đang nằm ở mức cao nên lượng tàu thuyền neo đậu ở bến hiện đang còn nhiều. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có việc nhiều cơ sở chế biến hải sản bị ảnh hưởng nặng nề.
Có mặt tại xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, chúng tôi chứng kiến nhiều tàu thuyền của ngư dân vẫn trong cảnh nằm bờ. Cách đó không xa, khu vực phơi cá cơm với diện tích lớn cũng trống trơn vì thiếu nguồn hàng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cảng cá này rất trầm lắng.
Nhiều tàu thuyền trên địa bàn xã Quỳnh Lập, T.X Hoàng Mai vẫn neo đậu ở bến, không ra khơi. Ảnh: Q.A
Nhiều tàu thuyền trên địa bàn xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai vẫn neo đậu ở bến, không ra khơi. Ảnh: Q.A

Ông Đậu Đình Khánh, xã Quỳnh Lập cho biết: "Chưa bao giờ nghề đi biển lại lao đao như thời điểm này. Giá dầu lên cao, ngày trước từ 15.000 - 16.000 đồng/lít đi còn có lãi, chứ từ đầu năm đến nay đã chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít thì chỉ có lỗ, chưa kể đến việc lượng hải sản đánh bắt thời điểm này rất thấp, do đó, số tàu thuyền nằm bờ vẫn còn cao. Do không đi đánh bắt nên nguồn cung bị giảm sút, nghề chế biến hải sản cũng ngưng trệ...".

Các cơ sở sản xuất ven biển trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng đang chịu cảnh tương tự. Chủ cơ sở sản xuất chả hải sản Minh Thanh tại xã Diễn Ngọc cho biết: "Nhà tôi gần bến cảng, mỗi khi tàu thuyền về bến thì tôi cũng ra nhập từ vài tạ đến cả tấn hàng cho vào kho đông để chế biến dần, tuy nhiên từ đầu tháng 3 đến nay, hơn 1 nửa tàu thuyền nằm ở nhà, hàng không có nên cơ sở của tôi phải tạm nghỉ. Bây giờ muốn hoạt động thì phải chờ người dân ra khơi trở lại đông đủ mà thôi...".
Khu vực phơi cá cơm rộng lớn trên địa bàn xã Quỳnh Lập trống trơn vì thiếu nguyên liệu. Ảnh: Q.A
Khu vực phơi cá cơm rộng lớn trên địa bàn xã Quỳnh Lập trống trơn vì thiếu nguyên liệu. Ảnh: X.H

Không chỉ các đơn vị chế biến hải sản, nhiều cơ sở làm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng lao đao vì tàu thuyền nằm bờ.

Ông Trần Văn Xuân, xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc thở dài: "Nhà tôi chuyên sản xuất đá lạnh để cung ứng cho tàu thuyền, trước đây có 7 công nhân, mỗi ngày sản xuất khoảng trên 200 cây đá cung cấp cho ngư dân ướp lạnh hải sản. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi phải tạm nghỉ vì chỉ có vài thuyền hỏi mua với khoảng 10 - 20 cây, giảm đến 80%, không đủ chi phí để vận hành. Hiện công nhân đã được cho nghỉ để làm việc khác...".

Các cơ sở chế biến hải sản tại xã Diễn Ngọc, Diễn Châu tạm dừng hoạt động vì thiếu nguồn cung. Ảnh: Q.A
Các cơ sở chế biến hải sản tại xã Diễn Ngọc, Diễn Châu tạm dừng hoạt động vì thiếu nguồn cung. Ảnh: Q.A

Theo chính quyền xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Trên địa bàn có 3 cơ sở sản xuất bột cá, hàng chục hộ làm nghề chế biến hải sản và hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề do tàu thuyền ít ra khơi. Nhiều cơ sở đóng cửa, dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Mặc dù giá dầu vừa qua đã giảm, tuy nhiên vẫn nằm ở mức cao, có thêm một ít tàu thuyền ra khơi trở lại nhưng không đáng kể.

Khu vực sản xuất đá lạnh của gia đình ông Xuân phải ngừng hoạt động, máy móc gỉ sét, hư hỏng. Ảnh: Q.A
Khu vực sản xuất đá lạnh của gia đình ông Xuân phải ngừng hoạt động, máy móc gỉ sét, hư hỏng. Ảnh: Q.A

Theo tìm hiểu của P.V, việc các cơ sở chế biến hải sản tạm ngừng hoạt động khiến nguồn cung hải sản trên thị trường giảm sút, nhiều lao động vùng biển thất nghiệp, phải đi tìm việc khác. Bên cạnh đó, máy móc không chạy lâu ngày bị gỉ sét, giảm năng suất hoạt động, thậm chí hư hỏng...

Trước tình trạng đó, các cơ sở chế biến hải sản, hậu cần nghề cá buộc phải tìm giải pháp thích ứng để tồn tại trong giai đoạn khó; một số cơ sở chế biến hải sản đã phải tìm nguồn hàng từ các địa phương khác để duy trì hoạt động mặc dù chi phí cao hơn so với nhập tại chỗ. Việc cắt giảm nhân lực, sản xuất cầm chừng cũng được nhiều đơn vị áp dụng. Hơn hết, người dân mong muốn giá nhiên liệu bình ổn trở lại để ngư dân ra khơi như trước...

Tin mới