Nhiều công ty may ở Nghệ An ồ ạt tuyển lao động

(Baonghean.vn) - Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, cũng như chủ động bù đắp công nhân thiếu hụt sau Tết, từ nhiều tháng qua, nhiều doanh nghiệp ngành may trên địa bàn Nghệ An đăng tải thông tin tuyển dụng với số lượng lớn lao động.
Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Havina Kim Liên- Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Havina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An hiện có 15 doanh nghiệp may xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20 nghìn công nhân, chủ yếu là phụ nữ nông thôn.

Với tiềm năng về thị trường và nguồn nhân lực sẵn có, hạ tầng giao thông cảng biển thuận lợi, cùng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, những năm qua, ngành dệt may Nghệ An phát triển khá mạnh. Tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước như: Hanosimex, Vinatex, Venture (Hà Lan), Tập đoàn Hyujin, KIDO (Hàn Quốc)... với các dây chuyền sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu quy mô lớn như: Công ty TNHH Havina Kim Liên (Nam Đàn) có 2.600 công nhân; Nhà máy may Prex Vinh (Đô Lương) 5.000 công nhân, Chi nhánh Tổng công ty Hanosimex (Nam Đàn) 1.500 công nhân...

Dịp Tết là thời điểm mà công nhân ngành may có nhiều biến động. Để đảm bảo công nhân sản xuất, đặc biệt tình trạng thiếu hụt thời điểm ra Giêng, nhiều nhà máy thông tin tuyển dụng lao động. Các công ty như Chi nhánh Tổng công ty CP dệt may Hà Nội Hanosimex, Công ty TNHH Havina Kim Liên (KCN Nam Giang - Nam Đàn); Công ty TNHH Prex Vinh (CCN Lạc Sơn - Đô Lương ) mỗi doanh nghiệp thông báo tuyển từ 400-500 công nhân.

Tết là thời điểm nhiều biến động của công nhân ngành may mặc. Trong ảnh: sản xuất tại nhà máy may Hanosimex CCN Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Tết là thời điểm nhiều biến động của công nhân ngành may mặc. Trong ảnh: sản xuất tại nhà máy may Hanosimex CCN Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Anh Trần Đức Long - Kế toán trưởng Công ty TNHH Prex Vinh cho hay: Công ty hiện có khoảng 5.000 lao động, dịp ra Tết hàng năm có khoảng 300 - 400 lao động nghỉ việc Vì thế để bù đắp số lao động thiếu hụt, đảm bảo dây chuyền sản xuất thì trong năm công ty đã phải đăng thông báo tuyển dụng lao động.

“Với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn là có thể sống được, vì thế tuyển lao động không quá khó. Tuy nhiên, vất vả nhất là phải đào tạo lại. Số lao động được đào tạo, quen với công việc thì nghỉ việc, tuyển dụng mới thì phải đào tạo mất thời gian, chi phí mà hiệu quả công việc lại không cao. Đó là bất cập hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp may mặc”- anh Long chia sẻ.

Hiện nay, một số nhà máy đang triển khai xây dựng, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đi vào hoạt động, như Nhà máy may Minh Anh ở xã Quang Sơn (Đô Lương) công suất 60 triệu sản phẩm/năm, dự kiến thu hút khoảng 5.000 lao động... Và như vậy, cạnh tranh hút lao động giữa các doanh nghiệp may là rất lớn.

Ông Yoon Ki Boom - Giám đốc hành chính Công ty TNHH Havina Kim Liên lo lắng: Chúng tôi đầu tư vào KCN Nam Giang, Nam Đàn năm 2012, hiện có 2.600 lao động. Để mở rộng xưởng sản xuất đáp ứng đơn hàng, Công ty đang tuyển thêm 400 - 500 lao động nhưng không dễ vì  nhiều nhà máy đang mọc lên, tiếp tục đầu tư vào Nghệ An và như thế thị trường lao động sẽ rất khó khăn.

"Cung thấp - cầu cao" được hiểu cả về số lượng và chất lượng đang là bài toán đau đầu của các chủ doanh nghiệp ngành may hiện nay. Vì thế, ngoài sự vào cuộc của các ban ngành liên quan, thì cần một chiến lược dài hơi hơn của doanh nghiệp trong công tác đào tạo tuyển dụng lao động và cả chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội khác đảm bảo cuộc sống ổn định cho công nhân.

Tin mới