'Nhiều địa phương 'khoán trắng' công tác BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH'

(Baonghean) - Đó là chia sẻ của ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh khi trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020. 

P.V: Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW. Đây là văn bản cụ thể hóa định hướng quan trọng nhằm đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện quyết tâm chính trị thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Triển khai Nghị quyết 21, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nội dung trọng tâm, ngành BHXH tỉnh đã thực hiện những phần việc gì, thưa ông?

Ông Lê Trường Giang: Xác định ý nghĩa và nhiệm vụ đối với việc triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW, nhiều năm qua, BHXH tỉnh Nghệ An luôn chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu và chỉ đạo BHXH các huyện phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.

Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, ngành BHXH tỉnh Nghệ An đã không ngừng đổi mới, sáng tạo cả nội dung và hình thức thể hiện; thay đổi nhiều cách tiếp cận khác nhau, tăng khả năng cung cấp thông tin, giúp cho người lao động và nhân dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ đối với việc tham gia BHXH, BHYT, ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, BHYT.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh.Ảnh: Từ Thành
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh: Từ Thành

Cụ thể, BHXH tỉnh Nghệ An đã chủ động ký kết các chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, Hội Nông dân, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ...

Trên cơ sở các chương trình phối hợp đã ký kết, ngành BHXH và các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền cho các năm nhằm huy động sức mạnh, nhân lực, kỹ năng truyền thông của các ngành vào cuộc với phương châm “mỗi cán bộ công chức, viên chức các ngành là một tuyên truyền viên đem chính sách BHXH, BHYT đến với nhân dân và mọi người lao động”. Công tác tuyên truyền vì thế đa dạng và phong phú, phù hợp với từng đối tượng, phát huy hiệu quả tích cực. 

P.V: Nâng cao chất lượng phục vụ là yếu tố quan trọng để gây dựng, vun đắp niềm tin trong nhân dân, từ đó thực hiện hiệu quả hơn các chính sách BHXH, BHYT. 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngành BHXH tỉnh đã có những bước tiến như thế nào trong công tác này?

Ông Lê Trường Giang: Chúng tôi luôn xác định rất rõ việc nâng cao chất lượng phục vụ phải thay đổi tích cực từ ý thức phục vụ đến các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ.

5 năm qua, BHXH tỉnh thường xuyên chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định và hiệu quả; quan tâm đến công tác cán bộ, cử cán bộ công chức, viên chức đi học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về nhiệm vụ của ngành, nâng cao tinh thần, thái độ làm việc theo 5 chuẩn mực của cán bộ công chức, viên chức ngành BHXH. Tất cả hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh người cán bộ BHXH thân thiện, trách nhiệm.

     Đồ họa: Nam Phong
Đồ họa: Nam Phong

Đáng chú ý, BHXH tỉnh đã áp dụng hệ thống chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào giải quyết công việc tại BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành, thị xã nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến huyện. Từ tháng 01/2015, tại BHXH tỉnh Nghệ An thực hiện giao nhận hồ sơ qua hệ thống bưu điện để giảm bớt thời gian đi lại, giao dịch của các đơn vị sử dụng lao động; ngày càng đơn giản hóa quy trình tiếp nhận, giảm thời gian trả kết quả, công khai bộ thủ tục hành chính, rút gọn từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục…

Nghệ An là đơn vị đầu tiên thí điểm triển khai “Phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của Ngành BHXH Việt Nam”; triển khai có hiệu quả cao phần mềm giao dịch hồ sơ đóng BHXH, BHYT qua mạng Internet cho các đơn vị BHXH cấp huyện và các đơn vị sử dụng lao động, các đại lý thu phường, xã.

Đặc biệt, ngành đã triển khai hệ thống Cổng giao dịch BHYT với mục tiêu kết nối liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT để cung cấp, tra cứu số liệu thẻ BHYT và giám định chi phí KCB BHYT, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ KCB BHYT…

P.V: 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, cơ bản các mục tiêu chung đã được triển khai và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Giải pháp nào để “gỡ khó”, thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 21-NQ/TW đã đặt ra, thưa ông?

Ông Lê Trường Giang: Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, một số địa phương chưa thực sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt; thậm chí, một số địa phương còn “khoán trắng”, coi việc triển khai Nghị quyết số 21- NQ/TW là trách nhiệm của cơ quan BHXH.

Mặt khác, nhiều đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN theo lĩnh vực phụ trách; một bộ phận người lao động và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT, còn nhầm lẫn với các loại hình bảo hiểm thương mại.

Tỷ lệ giữa số người tham gia BHXH, BHTN so với lực lượng lao động còn thấp, tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn chậm, chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Tình trạng không tham gia BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật diễn ra hầu hết các địa phương, nhưng chưa có các biện pháp khắc phục triệt để.

          Đồ họa: Nam Phong
Đồ họa: Nam Phong

Nhức nhối nhất là tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH. Nhiều đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn trong thời gian kéo dài, chây ỳ, không đóng BHXH nhằm chiếm dụng vốn; việc triển khai các biện pháp thu nợ BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn, kể cả biện pháp khởi kiện các đơn vị nợ BHXH.

Bên cạnh đó, nhận thức và trách nhiệm của một số cơ sở KCB chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn chưa khắc phục triệt để, một số cơ sở KCB vẫn còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao và trong sử dụng thuốc. Công tác phối hợp giữa ngành Y tế và cơ quan BHXH trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để “gỡ khó”, thời gian tới, ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN để đơn vị, người lao động và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội.

Cùng với đó, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển nhanh đối tượng tham gia theo Luật định; tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT để kịp thời phát hiện và xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

P.V: Cảm ơn ông!

Năm 2016, ngành BHXH đã cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi, tờ gấp về BHXH, BHYT, BHTN, BHYT học sinh, sinh viên; phát hành trên 6.200 đĩa CD tuyên truyền đến tận các khối xóm, thôn bản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trên các ấn phẩm của Báo Nghệ An có 53 chuyên mục, 12 chuyên trang, 10 clip về BHXH, BHYT; trên hai hệ phát thanh và truyền hình trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An có 10 chuyên mục Chính sách và cuộc sống, 8 chuyên đề Vì An sinh xã hội cùng 5 phóng sự về BHXH, BHYT. 

Phước Anh (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới