Nhiều dự án xây dựng cơ bản dở dang…

Tại Nghệ An, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa chặt chẽ trong phê duyệt dự án nên dẫn tới hiện nay có nhiều công trình trong tình trạng dở dang, ngừng thi công để đợi vốn…

ầu Khe Thần, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) được khởi công xây dựng tháng 4/2015, sau khi hoàn thành một số trụ cầu, đơn vị thi công phải ngừng hoạt động, do địa phương chưa giải phóng được mặt bằng. Cầu Khe Thần được xây dựng theo tiêu chuẩn cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, chiều dài cầu hơn 112m, rộng 7m và xây dựng đường 2 đầu cầu theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, nền đường rộng 6,5m, bề rộng mặt đường 3,5m. Cầu gồm 3 nhịp có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 33 tỷ đồng.

Công trình do liên doanh Công ty cổ phần xây dựng Minh Sáng và Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Đại Sơn đảm nhận thi công với tiến độ thực hiện là 24 tháng, kể từ ngày khởi công công trình. Đến nay, đã gần 40 tháng, cầu chỉ mới thi công được 2 trụ.

Cầu Khe Thần, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ thi công dở dang từ nhiều năm nay, do thiếu vốn.
Cầu Khe Thần, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ thi công dở dang từ nhiều năm nay, do thiếu vốn.

Tháng 6/2009, dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ được khởi công xây dựng với dự toán 117 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 36 tháng. Tuyến đường mới được xây dựng sẽ nối đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn, kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như giao thương giữa các địa bàn trong huyện. Tính đến thời điểm này, chỉ mới khoảng 13 km trong tổng số 18 km của tuyến đường được hoàn thành.

Người dân sinh sống hai bên tuyến đường bức xúc: Ở những đoạn đường chưa thi công, ngày nắng bụi bay mịt mù, ngày mưa bùn lầy lội, xe cộ rất khó lưu thông vì trơn trượt. Mong muốn của người dân là Nhà nước tiếp tục đầu tư để sớm hoàn thành con đường để nhân dân phát triển kinh tế – xã hội.

Theo số liệu của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Tân Kỳ, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ còn 4 dự án xây dựng lớn đang thi công dở dang từ nhiều năm nay, gồm: Dự án đường Nghĩa Hành – Phú Sơn; dự án cầu Khe Thần, xã Tiên Kỳ; dự án đường Lạt – Nghĩa Hợp và dự án Khuôn viên tượng đài hậu phương hướng về tiền tuyến. Nguyên nhân các dự án này chậm tiến độ là do thiếu vốn. Đến nay, dự án đường Nghĩa Hành – Phú Sơn đã được bố trí nguồn vốn 100/162 tỷ đồng. Dự án cầu Khe Thần nguồn vốn đã được bố trí được 16/42 tỷ đồng. Dự án đường Lạt – Nghĩa Dũng đã được bố trí vốn 17/49 tỷ đồng và dự án Khuôn viên Tượng đài hậu phương hướng về tiền tuyến đã được bố trí vốn 33/62 tỷ đồng.

Dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ.
Dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ.

Trên địa bàn huyện Quế Phong hiện nay còn nhiều dự án dở dang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, trong đó có 3 dự án trọng điểm được cử tri quan tâm.

Dự án Bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4462/2011 của UBND tỉnh Nghệ An, với tổng mức đầu tư hơn 56 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 43 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được bố trí từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm; Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Đến nay, dự án mới triển khai thi công các hạng mục san nền, đường đê ngăn nội bộ và các hố chôn lấp với tổng giá trị hơn 27 tỷ đồng, trong khi đó số vốn hiện tại được cấp cho dự án là 14.200 triệu đồng. Do chưa được bố trí thêm vốn nên dự án đã tạm dừng thi công từ năm 2015.

Trường Phổ thông DTNT - THCS huyện Quế Phong còn dở dang nhiều hạng mục.
Trường Phổ thông DTNT - THCS huyện Quế Phong còn dở dang nhiều hạng mục.

Trường Phổ thông DTNT – THCS huyện Quế Phong được khởi công năm 2012, tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng, đến năm 2017 được điều chỉnh mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được lồng ghép chương trình 30a; Nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của Chính phủ; Nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức; Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Sau 6 năm thi công, công trình mới hoàn thành một số hạng mục nhà học 2 tầng, nhà trực, nhà kho, nhà ký túc xá… Nhiều hạng mục chưa hoàn thành.

Đường giao thông nông thôn huyện Quế Phong được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 192/2008. Quy mô đầu tư, xây dựng hơn 14km, tổng đầu tư gần 55 tỷ đồng, nhưng đến năm 2014 tổng mức đầu tư được điều chỉnh hơn 117 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã chi trả một phần tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đơn vị thi công đã hoàn thành một số cống qua đường, hiện đang thi công đào nền đường tại một số đoạn.

Dự án Bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong chỉ mới triển khai thi công các hạng mục san nền, đường đê ngăn nội bộ và các hố chôn lấp.
Dự án Bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong chỉ mới triển khai thi công các hạng mục san nền, đường đê ngăn nội bộ và các hố chôn lấp.

Ở Quỳnh Lưu, nhiều năm qua, tuyến đường liên xã Quỳnh Lâm đi Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) thi công dang dở đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân mỗi khi đi qua đây.

Ông Nguyễn Bá Tịnh – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm chia sẻ: Tuyến đường đi qua đây chỉ mới thi công được 1 cây cầu và 200m mương thoát nước, còn nền đường chưa đổ bê tông. Hằng ngày, con đường này phải oằn mình gánh chịu nhiều phương tiện đi qua đã tạo ra những “ổ voi” “ổ gà” gây mất an toàn giao thông, đặc biệt mùa nắng nóng mỗi khi các phương tiện đi qua bụi đường tung lên mù trời. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp, các ngành liên quan cần có biện pháp thi công tuyến đường đưa vào sử dụng, tuy nhiên tiến độ vẫn rất chậm.

Tuy nhiên, địa bàn Diễn Châu vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, gây tình trạng kéo dài hoặc phải tạm ngừng thi công, như: Sửa chữa, nâng cấp tuyến đê cửa sông Diễn Kim, Diễn Vạn, Diễn Kỷ, kè chống sạt lở bờ sông Diễn Vạn và đường cứu hộ huyện Diễn Châu; Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Nhà Lê (giai đoạn 1); Nạo vét, tái tạo sông Bùng, lạch Vạn các xã Diễn Hoa, Diễn Kỷ, Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, huyện Diễn Châu.

Đường Quỳnh Lâm - Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) chậm tiến độ do thiếu vốn.
Đường Quỳnh Lâm - Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) chậm tiến độ do thiếu vốn.

Trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản từ 31/12/2014 trở về trước của các dự án trong kế hoạch đầu tư tập trung trên địa bàn tỉnh là 1.817,16 tỷ đồng, trong đó: Số nợ đọng nguồn ngân sách nhà nước đến 31/12/2014 là 1.510,6 tỷ đồng.

Trong đó, phần nợ thuộc trách nhiệm ngân sách Trung ương là 515,38 tỷ đồng, phần nợ thuộc trách nhiệm ngân sách tỉnh nguồn bố trí kế hoạch tập trung là 877,08 tỷ đồng, phần nợ thuộc trách nhiệm ngân sách huyện, xã, nguồn khác là 118,15 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư: 2015 – 2018: Ngân sách Trung ương đã trả nợ được 412 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã trả được 728 tỷ đồng, nợ xây dựng cơ bản còn lại đến tháng 6/2018 là 345 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết: Dự kiến trả nợ năm 2019 – 2020 là 191 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 – 2018, do triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, nguồn vốn ngân sách cấp trên hỗ trợ giảm dần, Chính phủ thắt chặt đầu tư công. Tuy nhiên, nguyên nhân chính nợ xây dựng cơ bản tăng là do tăng trưởng nóng từ Trung ương đến địa phương, sự phê duyệt các công trình dự án tràn lan để “xin vốn” sau đó không “xin” được thì bị ách tắc.

Ông Hoàng Danh Lai – Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu trong những năm gần đây làm cho diện mạo của huyện nhà ngày khởi sắc. Tuy nhiên, đang còn hàng chục công trình thi công dang dở, như đường giao thông, hồ chứa, trường học, trạm y tế… Hiện nay, “vướng” nhất là nguồn vốn Trung ương 200 tỷ đồng đang nợ chưa được bố trí cho huyện, trong khi nguồn lực huyện nhiều hạn chế. Giải pháp đặt ra hiện nay là không đầu tư dàn trải, Nhà nước cần ưu tiên để bố trí nguồn vốn xây dựng dứt điểm một số công trình giao thông, hồ chứa, kè biển trọng điểm để phục vụ nhu cầu dân sinh.

Đối với UBND huyện: Để giải quyết tình trạng khó khăn nợ đọng xây dựng cơ bản, huyện đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huy động tối đa các nguồn vốn của ngân sách địa phương như: Các khoản tăng thu, thu tiền sử dụng đất để cân đối, thanh toán cho các công trình đã hoàn thành phê duyệt quyết toán… Hạn chế  tối đa khởi công mới các công trình dự án, chỉ khởi công mới các công trình thực sự cấp bách và cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Dự án tái định cư Phiêng Luống, xã Châu Thành (Quỳ Hợp) 10 năm còn dang dở.
Dự án tái định cư Phiêng Luống, xã Châu Thành (Quỳ Hợp) 10 năm còn dang dở.

Ông Nguyễn Văn Độ – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Khác với trước đây, việc giao kế hoạch vốn đã bám sát nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ được phân bổ theo đúng danh mục và mức vốn đã được Trung ương thẩm định và thông báo, đối tượng và mức vốn phù hợp với nguyên tắc phân bổ của từng chương trình. Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương được phân bổ cho các huyện, thành, thị theo tiêu chí tính điểm quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt: Đối với các chương trình, dự án đã được phê duyệt đầu tư, giao Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ nguồn vốn, tiến độ cấp phát vốn cho các chủ đầu tư giải ngân kịp thời. Chủ động sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu ngân sách nhà nước, trong đó ưu tiên đảm bảo đủ và kịp thời nguồn vốn  cho các công trình trọng điểm.