Nhiều hệ thống đê cửa sông, đê biển ở Nghệ An xuống cấp

(Baonghean.vn)- Hầu hết hệ thống đê biển, đê cửa sông trên địa bàn tỉnh Nghệ An được xây dựng cách đây 40-50 năm, chủ yếu đắp đất bằng thủ công, đến nay nhiều đoạn đê đã xuống cấp trầm trọng không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Hệ thống đê sông Mơ ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) từ lâu chưa được nâng cấp. Ảnh: Văn Trường
Hệ thống đê sông Mơ ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) từ lâu chưa được nâng cấp. Ảnh: Văn Trường

Trung tuần tháng 9, có mặt tại sông Mơ ở xã An Hòa , Quỳnh Lưu, chúng tôi nhận thấy, bờ đê nhỏ hẹp, nước chảy ngập úng nhiều diện tích ruộng muối của người dân. Ông Trần Bình ở xã An Hòa cho biết: Hệ thống đê sông Mơ lâu nay hư hỏng nặng, hàng năm vào mùa mưa lũ nước tràn vào làm hư hỏng ruộng muối, ao nuôi tôm, nước tràn vào cả nhà của người dân.

Ông Hồ Anh Dũng - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết thêm: Hệ thống đê sông Mơ (ngăn mặn, giữ ngọt) đi qua xã An Hòa dài trên 7 km, hầu hết đắp bằng thủ công nhiều đoạn bị sạt lở. Vào mùa mưa, nước thường dâng tràn ảnh hưởng 160 ha ruộng muối, trên 30 ha nuôi trồng thủy sản của xã, hư hỏng hệ thống kho chứa muối. Về lâu dài xã An Hòa đang rất mong được nâng cấp hệ thống sông Mơ để phòng chống ngập úng.

Đê sông Thái đoạn qua thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) thấp nên nước tràn qua gây ngập úng nhiều hộ dân. (Ảnh chụp ngày 20/9) Ảnh: Văn Trường
Đê sông Thái đoạn qua thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) thấp nên nước tràn qua gây ngập úng nhiều hộ dân. (Ảnh chụp ngày 20/9) Ảnh: Văn Trường

Nằm trong tình trạng trên, tuyến đê sông Thái qua địa phận thị trấn Cầu Giát phía Tây cũng chưa được nâng cấp nên vào mùa mưa nước dâng ngập nhiều nhà dân ở ven sông Thái. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu, hệ thống đê sông trên địa bàn huyện có trên 46 km, trong đó hệ thống đê sông Thái dài 22 km, đê sông Mơ dài 4 km, hiện trạng chủ yếu là bằng đất chưa có gia cố chỉ chống chịu được triều cường và bão cấp 6, cấp 7. Thời gian qua, huyện chỉ mới nâng cấp được 5 km đê sông tại 2 xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Hồng.

Chỉ cần mưa lớn kéo dài là sông Thái gây ngập úng cho các hộ dân đoạn thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường
Chỉ cần mưa lớn kéo dài là sông Thái gây ngập úng cho các hộ dân đoạn thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường

Cũng tại huyện Quỳnh Lưu, hệ thống đê biển dài hàng chục km, nhưng trong đó có nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng như ở các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Thọ. Các đoạn đê đưọc đắp bằng đất thấp trũng, chỉ cần mưa bão không lớn lắm là nước biển đã tràn qua, làm ngập cả khu dân cư làm hư hỏng cánh đồng màu và nuôi trồng thủy sản của nhân dân. Trong năm 2020, hệ thống đê biển được huyện Quỳnh Lưu nâng cấp gần 2,5 km trị giá trên 54 tỷ đồng đoạn qua xã Quỳnh Thọ, và xã Quỳnh Long. Hiện tại đang còn trên 15 km để biển xuống cấp cần được nâng cấp.

Địa bàn huyện Diễn Châu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, hệ thống đê sông, đê biển cũng xuống cấp trầm trọng, nhiều người dân phải hứng chịu tình trạng nước dâng, xâm nhập mặn, đe dọa cuộc sống nhân dân.  Như tại xã Diễn Hoa, hệ thống đê sông Bùng đi qua dài hơn 7 km, thân đê chủ yếu đắp bằng đất thấp, yếu. Ông Trần Văn Minh, một người dân xã Diễn Hoa chia sẻ: "Vào mùa mưa lũ, nước sông tràn lên qua mặt đê gây ngập úng lúa hè thu, ao cá và ngập nhiều nhà cửa của người dân ven sông".

Đợt mưa từ ngày 14-16/9 vừa qua tuyến đê sông Bùng bị sạt lở chiều dài 65m, trong đó có đoạn bị đứt hẳn chân đê, nước từ sông Bùng chảy tràn vào gây ngập úng xã Diễn Hoa, Hiện nay, xã đang trích ngân sách trên 20 triệu đồng để tạm khắc phục. Về lâu dài rất cần được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng Phòng NN&PTNT Diễn Châu trao đổi: Địa bàn huyện Diễn Châu có 45 km đê sông tập trung ở các xã Diễn Hoa, Diễn Quảng, Diễn Bình, Diễn Thái… Do nguồn vốn khó khăn nên lâu nay hệ thống đê chưa được nâng cấp, hầu hết các đoạn đê được đắp bằng đất thủ công từ những năm 80 thế kỷ trước, nên đã xuống cấp, sạt lở, không có khả năng chống chọi với mưa lũ.

Hệ thống đê biển qua huyện Diễn Châu có chiều dài trên 15 km tập trung ở các xã Diễn Hải, Diễn Hùng, Diễn Vạn, Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Kim, Diễn Trung… Trong những năm qua huyện Diễn Châu đã nâng cấp được 7 km đê biển, còn lại hệ thống đê biển ở các xã Diễn Vạn, Diễn Trung, Diễn Kim đang hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, địa bàn tỉnh Nghệ An có hệ thống đê cửa sông gần 200 km, các tuyến đê này có nhiệm vụ chống lũ vùng cửa sông của các cửa sông Mai Giang, sông Hoàng Mai, sông Thái, sông Bùng, sông Cửa Lò.

Hệ thống đê sông Bùng qua xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu dài 7 km chủ yếu đắp bằng đất nhiều đoạn bị sạt lở và đứt chân đê. Ảnh: Văn Trường
Hệ thống đê sông Bùng qua xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu dài 7 km chủ yếu đắp bằng đất nhiều đoạn bị sạt lở và đứt chân đê. Ảnh: Văn Trường 

Đối với tuyến đê biển có 82 km kéo dài từ xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) đến Cửa Hội (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò). Hiện nay có 41,783 km đê biển và 11,65 km kè biển gồm các tuyến, trong đó đã nâng cấp được trên 30 km đê biển. Theo đánh giá, phần lớn các tuyến đê cửa sông, cửa biển xuống cấp khó chống chịu với mưa, bão, thường gây tình trạng ngập úng.

Thời điểm mùa mưa bão này, Chi cục Thủy lợi đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, triển khai việc tuần tra, canh gác đê, hộ đê theo các cấp báo động. Rà soát, kiểm tra, có phương án xử lý bảo đảm an toàn các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê...

Nước sông Vinh dâng cao, đe dọa người dân sống ngoài đê

Nước sông Vinh dâng cao, đe dọa người dân sống ngoài đê

(Baonghean.vn) - Ghi nhận vào khoảng 11h trưa nay 31/10, phía Đông Cầu Cửa Tiền 2 nước vẫn dâng cao, đe dọa người dân sống phía ngoài đê sông Vinh. Được biết, máy bơm công suất lớn ở khu vực phía sau chợ Vinh đã kích cao miệng và hoạt động liên tục từ ngày 30/10 nhưng do nước phía ngoài sông Vinh dâng quá cao nên phía trong đình chợ nước rút chậm.

Tin mới