Nhiều khối gỗ đã bị cưa xẻ trong xưởng của dự án chưa đi vào hoạt động

(Baonghean.vn) - Mặc dù đang chậm tiến độ, chưa đi vào hoạt động nhưng trong nhà xưởng của Dự án xây dựng Nhà máy than củi sạch, đóng tại xã Khai Sơn (Anh Sơn), nhiều khối gỗ đã được cưa xẻ.
Clip: Tiến Đông 

Dự án chậm tiến độ nhưng liên tục điều chỉnh vốn

Dự án Nhà máy than củi sạch tại Khu công nghiệp (KCN) Tri Lễ thuộc địa bàn xã Khai Sơn (Anh Sơn), được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư kể từ ngày 12/6/2014, do Công ty TNHH Nhiên liệu sạch (địa chỉ tại xóm 3, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương) thực hiện.

Ngày 2/7/2014, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 với tổng diện tích khu đất quy hoạch là 150.000mvà được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 14/7/2014 với tổng vốn đầu tư là 129,252 tỷ đồng, 100% nguồn vốn là vốn tự có của nhà đầu tư. 

Cổng vào nhà máy chế biến than củi sạch. Ảnh: Tiến Đông
Cổng vào Nhà máy than củi sạch. Ảnh: Tiến Đông 

Tuy nhiên, đến ngày 13/2/2015 dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, trong đó bổ sung nhiều hạng mục như: nhà bảo vệ, nhà đa chức năng, sân bãi tập kết vật liệu thô, nhà máy sản xuất gỗ viên nén, nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh… Dù diện tích đất được quy hoạch là 150.000m2 nhưng thực tế, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đơn vị này được cấp ngày 16/1/2015 chỉ có 142.772,5m2.

Ngoài việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, dự án này đã qua nhiều lần điều chỉnh vốn. Cụ thể, từ ngày 14/7/2014 dự án này có vốn đầu tư là 129,252 tỷ đồng, 100% nguồn vốn là vốn tự có của nhà đầu tư. Đến ngày 18/3/2015 điều chỉnh vốn đầu tư lên 350,861 tỷ đồng, vốn tự có giảm xuống còn 60%. Ngày 7/5/2015 tiếp tục điều chỉnh tổng vốn đầu 550,861 tỷ đồng, và vốn tự có của nhà đầu tư tiếp tục giảm còn 38,12%. 

Trạm cân bỏ không gần với cổng ra vào. Ảnh: Tiến Đông
Trạm cân bỏ không gần với cổng ra, vào. Ảnh: Tiến Đông

Mặc dù được đầu tư lớn, tuy nhiên từ khi triển khai đến nay, đã gần 10 năm trôi qua dự án này mới chỉ xây dựng 1 nhà xưởng và một số hạng mục như trạm cân, trạm điện, tuy nhiên vẫn chưa đi vào hoạt động. Điều này khiến cho nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất có con cái trong độ tuổi lao động được hứa hẹn sẽ nhận vào làm việc tại nhà máy vẫn mòn mỏi chờ đợi. 

Việc liên tục điều chỉnh tăng vốn, trong khi tỷ lệ phần trăm vốn tự có của chủ đầu tư giảm xuống khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của dự án?

Khu nhà xưởng. Ảnh: Tiến Đông
Khu nhà xưởng. Ảnh: Tiến Đông

Đống gỗ lớn nguyên khối nằm trong nhà xưởng

Dự án hình thành gần 10 năm chưa đi vào hoạt động tưởng chừng như đang đắp chiếu ngủ quên, nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tận sâu trong nhà xưởng lợp tôn có một khối lượng lớn những cây gỗ nguyên khối, vuông vắn đường kính khoảng 50cm dài khoảng 5m đang được tập kết tại đây. 

Gỗ được xếp thành từng đống bên trong nhà xưởng. Ảnh: Tiến Đông
Gỗ được xếp thành từng đống bên trong nhà xưởng. Ảnh: Tiến Đông

Từ đường Hồ Chí Minh, đi bộ khoảng 200m mới tiếp cận được nhà xưởng này. Bên trong nhà xưởng có rất nhiều máy cưa, các cây gỗ được tấp thành từng đống. Xung quanh nhà xưởng được xây tường bao và hàn khung sắt rất chắc chắn, riêng các lối đi được kéo lại bằng cửa cuốn.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực dự án này chỉ có mỗi nhà xưởng này là gần như đã hoàn thiện, từ khung nhà, mái và hệ thống điện. Phía bên cạnh cũng có một dãy nhà chỉ mới hoàn thành phần xây bao, nhưng chưa lợp mái. 

Máy cưa có dấu hiệu đã hoạt động. Ảnh: Tiến Đông
Máy cưa có dấu hiệu đã hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

Gặp một người dân xã Khai Sơn đi làm cỏ ngô xung quanh khu vực này chúng tôi hỏi có biết người ta vận chuyển gỗ và tiến hành cưa xẻ bên trong hay không thì người này cho biết, nhà xưởng nằm sâu hút phía bên trong, lúc nào cũng khóa cổng nên người dân không biết. 

Ông Đặng Đình Luận - Chủ tịch UBND xã Khai Sơn cho biết: việc chủ đầu tư đưa gỗ vào lúc nào thì xã không biết, có lần xã đi kiểm tra thì đã thấy gỗ bên trong, khi hỏi đại diện chủ đầu tư thì nói gỗ có giấy tờ, nhưng cũng chỉ nghe nói vậy chứ không thấy giấy tờ đâu.  

Hệ thống những máy cưa lớn được lắp đặt bên trong. Ảnh: Tiến Đông
Những máy cưa lớn được lắp đặt bên trong. Ảnh: Tiến Đông

Được biết Dự án Nhà máy than củi sạch là 1 trong 2 dự án đầu tiên và duy nhất cho đến nay đầu tư vào KCN Tri Lễ (bao gồm cả Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF).

Tuy nhiên, cả 2 dự án này đều đang chậm tiến độ. Ngày 18/3/2022 UBND tỉnh đã có Văn bản số 1793/UBND-CN về việc xử lý các dự án chậm tiến độ triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, dự án nhà máy sản xuất than củi sạch và gỗ thanh ép xuất khẩu tại xã Khai Sơn (Anh Sơn), do Công ty TNHH Nhiên liệu sạch nằm trong danh mục các dự án phải rà soát, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng và các điều kiện cho gia hạn tiến độ sử dụng đất. 

Những khối gỗ lớn có chiều dài khoảng 5m đang được tập kết bên trong nhà xưởng. Ảnh: Tiến Đông
Những khối gỗ lớn có chiều dài khoảng 5m đang được tập kết bên trong nhà xưởng. Ảnh: Tiến Đông

Liên hệ với ông Trương Công Thạch - Giám đốc Công ty TNHH Nhiên liệu sạch, ông Thạch trả lời ông vẫn là người đại diện của công ty này. Khi chúng tôi đề cập đến có một khối lượng gỗ lớn trong nhà xưởng, ban đầu ông Thạch nói rằng do một người em gửi. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi chất vấn về những nghi ngờ Công ty TNHH Nhiên liệu sạch là chủ của số gỗ nói trên, thì ông Thạch trả lời rằng sẽ cho kiểm tra lại.

Một dãy nhà đang xây dang dở. Ảnh: Tiến Đông
Một dãy nhà đang xây dựng dang dở. Ảnh: Tiến Đông

Một lãnh đạo UBND huyện Anh Sơn khẳng định, dự án này chưa hoàn thành và chưa đưa vào sử dụng, chưa hoạt động, bởi nếu có hoạt động thì phải thông báo với chính quyền địa phương. 

Như vậy việc người dân đặt câu hỏi: Dự án này vẫn chưa hoàn thành và đi vào hoạt động, nhưng không hiểu sao thay vì đi vào hoạt động, vận hành theo đúng chức năng thì bên trong các nhà xưởng lại chứa rất nhiều gỗ nguyên khối và đã có dấu hiệu của việc hoạt động. Phải chăng đang có hoạt động chế biến gỗ “trá hình” tại đây và đã diễn ra từ lâu nhưng không ai hay biết?

Tin mới