Nhiều lớp học ở Nghệ An, 100% học sinh không đăng ký vào đại học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh cuối cấp đang có sự thay đổi trong những năm gần đây. Thay vì vào đại học, nhiều học sinh lựa chọn đi du học.

Lớp học không có học sinh đăng ký vào đại học

Chưa đến thời điểm làm hồ sơ thi tốt nghiệp và xét nguyện vọng vào đại học nhưng tại thời điểm này, Trường THPT Nam Đàn 2 về cơ bản đã hoàn thành việc khảo sát nguyện vọng của toàn bộ học sinh lớp 12.

Đáng chú ý, trong số gần 500 học sinh của lớp 12 thì chỉ có 2 lớp C1 và C2, có 100% học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học. Các lớp từ C3 đến C7 tỷ lệ dao động từ 50 – 80%. Riêng 3 lớp cuối cùng là C8, C9 và C10, có đến 100% học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp. Còn lại, không có một học sinh nào có nguyện vọng đăng ký vào đại học.

Học sinh Nguyễn Gia Huyền – học sinh lớp 12C8 cho biết: Em không dự định vào đại học vì em lo sợ không có việc làm sau khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ đi du học theo hình thức vừa học, vừa làm để nhanh chóng có thu nhập và đỡ đần được gia đình.

Trường THPT Nam Đàn 2 thống kê số liệu về nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THPT Nam Đàn 2 thống kê số liệu về nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Mỹ Hà

Hơn một nửa học sinh ở các lớp này có nguyện vọng được đi xuất khẩu lao động hoặc đi du học (nhưng thực chất là để đi làm). Để đáp ứng nguyện vọng của các học sinh, trong những năm gần đây, một số công ty du học cũng đã đến làm việc tại nhà trường để tư vấn và hỗ trợ các em trong quá trình học tiếng và làm thủ tục.

Qua khảo sát mới đây của một công ty du học đóng tại Hà Nội với học sinh toàn trường, với câu hỏi “Khi bạn theo học du học thì bạn mong muốn đạt được mục đích gì”, khá nhiều học sinh có nguyện vọng đi du học đều lựa chọn phương án “vừa học, vừa làm tự nuôi sống bản thân” thay cho 2 mục đích khác là “kiến thức, bằng cấp” hay “cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 cho rằng, chị không bất ngờ với kết quả thống kê của học sinh cuối cấp. Bởi lẽ, không chỉ trong năm học này mà những năm trước, số lượng học sinh lớp 12 không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học đã khoảng 40 – 50%.

Học sinh Trường THPT Nam Đàn 2 quan tâm đến thông tin du học sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà

Học sinh Trường THPT Nam Đàn 2 quan tâm đến thông tin du học sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà

Lý giải về điều này, chị nói thêm: Ở trường chúng tôi, có khá nhiều học sinh đầu vào thấp, thậm chí dưới điểm trung bình. Vì vậy, ngay trong quá trình học các em đã biết năng lực của mình và không đặt quá nặng vấn đề cần phải vào đại học. Thay vào đó, các em lựa chọn nhiều con đường hướng nghiệp khác phù hợp với năng lực của các em như đi học nghề, đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm công nhân. Số học sinh đăng ký vào đại học, thường là những bạn học khá, giỏi và có khả năng trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu. Về phía nhà trường, trong quá trình hướng nghiệp cũng tư vấn để các em có thể chọn những ngành nghề sao cho đúng năng lực, đúng xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội.

Với gần 70% học sinh không đăng ký xét tuyển đại học, thầy giáo Trần Đình Mạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 cũng nói rằng, không khó để tìm được những lớp học có 100% học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Theo thầy "chi phí học đại học quá đắt đỏ nên nhiều gia đình ở vùng miền núi khó có thể kham nổi. Thế nên các em học xong chủ yếu chỉ muốn đi làm, có thu nhập".

Số học sinh không vào đại học đang ngày một nhiều. Xu hướng này, dường như là điều đã được báo trước và về khách quan đây là một tín hiệu tích cực, nhất là trong thời điểm "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay.

Tại Trường THPT Quang Trung (Diễn Châu), thầy giáo Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chỉ một tỷ lệ nhỏ học sinh ở trường chúng tôi đăng ký xét tuyển vào đại học. Còn lại, hầu hết đều cho đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, thậm chí có những em lớp 11 đã nghỉ học để đi. Một số ít các em không có điều kiện sẽ chọn đi học nghề hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Định hướng để chọn đúng ngành nghề, đúng năng lực

Vì xác định đi học để đi làm nên với nhiều học sinh cuối cấp, việc học đã không còn nhiều áp lực. Về phía các nhà trường, trước sự thay đổi này, công tác hướng nghiệp cũng đã phải thay đổi để thích ứng nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Các cựu học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh của nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Các cựu học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh của nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Đầu năm nay, Đoàn Trường THPT Diễn Châu 3 đã tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh "OPENDAY 2023". Tham gia chương trình là những cựu học sinh của nhà trường, hiện đang học tập và làm việc tại các trường đại học ở Hà Nội. Thông qua chương trình tư vấn trực tiếp, các tình nguyện viên đã chia sẻ nhiều câu chuyện ý nghĩa từ chính những trải nghiệm của bản thân. Song song với đó, đã cung cấp cho học sinh nhà trường nhiều thông tin về các trường đại học, các ngành nghề mà các sinh viên đang theo học, chia sẻ các cơ hội nghề nghiệp để giúp các em học sinh đưa ra những lựa chọn chính xác.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong nói rằng, việc dạy hướng nghiệp ở các trường phổ thông đang có những bất cập và theo chương trình cũ, mỗi một năm học sinh chỉ có 9 tiết hướng nghiệp. Trong bối cảnh trên, giáo viên chủ nhiệm, đoàn trường phải mở rộng và đổi mới hình thức hướng nghiệp thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, mời các trường đại học về trực tiếp tư vấn tuyển sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm cần cập nhật các thông tin tuyển sinh, xu hướng nghề nghiệp để tư vấn, định hướng cho học sinh.

Tiết học hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại Trường THPT Lê Hồng Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Tiết học hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại Trường THPT Lê Hồng Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài những hình thức trên, hiện nay các nhà trường đang sử dụng khá linh hoạt mạng xã hội để kịp thời cung cấp những thông tin chính thống cho học sinh cuối cấp.

Một tín hiệu tích cực tại Nghệ An trong những năm gần đây, đó là học sinh đã bắt đầu lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, hoàn cảnh gia đình và sở trường của cá nhân thay vì chạy theo số đông. Con đường vào đại học cũng không còn là lựa chọn duy nhất khi mỗi năm có khoảng 40% học sinh THPT lựa chọn học nghề hoặc các ngành nghề khác, thay vì chỉ đăng ký vào đại học… So với cả nước, tỷ lệ học sinh hướng nghiệp học nghề cao hơn mặt bằng chung và phù hợp với xu thế hiện nay./.

Tin mới