Nhiều ngôi trường 'thay da đổi thịt' chào đón năm học mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp được nhiều địa phương và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, trước thềm năm học mới, rất nhiều công trình mới đã kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẵn sàng chào đón học sinh trở lại trường.

Đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp

Là một xã đặc thù của huyện Nghi Lộc, nhiều năm nay Nghi Phương vẫn được xem là vùng khó của huyện. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, bởi thực tế so với nhiều địa phương khác; việc chăm lo, quan tâm đến giáo dục ở đây vẫn còn những hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, đó là chuyện của những năm trước. Thời điểm này, về xã Nghi Phương, hệ thống các trường mầm non, tiểu học và THCS đang từng bước “thay da đổi thịt”. Riêng Trường THCS Nghi Phương, sau nhiều nỗ lực, trường vừa được công nhận trường chuẩn quốc gia và lễ đón sẽ được tổ chức đúng vào dịp khai giảng năm học mới. Hiện cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư khang trang với đủ các phòng học và các phòng chức năng theo đúng chuẩn mới. Khuôn viên nhà trường cũng được chăm sóc, sửa sang sạch sẽ, đủ không gian cho học sinh vui chơi, học tập.

Trường THCS Nghi Phương chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THCS Nghi Phương chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: Mỹ Hà

Để có được kết quả này, trong hơn 1 năm qua, bằng nguồn hỗ trợ của huyện, ngân sách xã và sự đóng góp của người dân địa phương, xã đã huy động được hơn 6 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường. Đến nay, trên 90% các lớp học của nhà trường đã được đầu tư ti vi màn hình lớn, bảng trượt để phục vụ cho dạy học. Tất cả các phòng học đều được lắp rèm chống nắng, có đủ quạt mát, cây xanh nhằm tạo không khí vui tươi trong từng lớp học. Thầy giáo Nguyễn Công Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: So với các địa phương khác việc huy động xã hội hóa của trường chúng tôi có những đặc thù và khó khăn riêng. Vì vậy, thay vì xã hội hóa trong toàn trường, chúng tôi giao trách nhiệm cho từng lớp học và việc thực hiện xã hội hóa được phụ huynh thực hiện ngay trong lớp để phục vụ cho con em mình. Vì vậy, phụ huynh đều đồng tình, ủng hộ và chung tay với nhà trường để chăm lo cho học trò.

Trường Mầm non Nghi Hoa cũng đóng ở vùng đặc thù với rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, hiện nhà trường đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Nhìn các dãy nhà khang trang, khuôn viên rộng rãi, từng góc lớp, hàng cây được chăm chút đẹp đẽ, cô giáo Trịnh Thị Hải Yến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cách đây hơn 1 năm, trường chúng tôi vẫn đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng và không đủ các phòng học và phòng chức năng. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền xã đầu tư 13 tỷ đồng để xây mới cơ sở vật chất thì bộ mặt của nhà trường đã thay đổi toàn bộ. Đây là cơ sở để chúng tôi được công nhận trường chuẩn và từng bước nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ.

Trường Mầm non Nghi Hoa được đầu tư 13 tỷ đồng để xây dựng trường chuẩn mức độ 2. Ảnh: Mỹ Hà

Trường Mầm non Nghi Hoa được đầu tư 13 tỷ đồng để xây dựng trường chuẩn mức độ 2. Ảnh: Mỹ Hà

Trước thềm năm học mới, toàn huyện Nghi Lộc đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học. Chính nhờ vậy, hiện tỷ lệ trường chuẩn của huyện đã đạt trên 92% và nằm trong tốp đầu của tỉnh. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghi Lộc là một trong ít địa phương mỗi năm chi trên 1,5 tỷ đồng để các trường mua sắm thiết bị dạy học (ngoài nguồn ngân sách thường xuyên).

Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cũng cho biết: Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đầu năm 2021, Nghi Lộc xây dựng riêng một chương trình về Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính vì thế, trong 2 năm qua, huyện có nhiều giải pháp nhằm tập trung các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học và giao trách nhiệm cho từng địa phương, từng ban, ngành. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn huy động các nguồn lực, ưu tiên ngân sách từ quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục; mở rộng diện tích khuôn viên trường học đáp ứng quy mô phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.

Hàng năm các địa phương phải tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch, điều chỉnh và bổ sung các giải pháp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.


Còn với Trường Tiểu học xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), năm học mới đến niềm vui như nhân đôi. Là 1 trong những xã có đông học sinh nhất huyện với 1.660 học sinh, 45 lớp học, nếu như năm học trước còn thiếu phòng học, các công trình xuống cấp thì năm nay cùng với nguồn xã hội hóa, nguồn đầu tư của các dự án, nhà trường đã được xây dựng mới, dự kiến đưa vào sử dụng 12 phòng học trong tháng 11 với tổng trị giá gần 12,3 tỷ đồng. Cô giáo Cao Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Ngọc cho biết: Năm học trước thiếu phòng học nên nhà trường dạy 2 buổi trong ngày, tổ chức dạy từ thứ Hai đến thứ Bảy, các buổi đều 5 tiết. Năm học mới này, cơ sở vật chất đầy đủ giúp nhà trường đảm bảo dạy học, đặc biệt thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tốt hơn.

Trường THCS Diễn Cát (Diễn Châu) mới được đầu tư xây dựng để đạt trường chuẩn quốc gia. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THCS Diễn Cát (Diễn Châu) mới được đầu tư xây dựng để đạt trường chuẩn quốc gia. Ảnh: Mỹ Hà

Năm học 2022-2023 là năm mà xã Diễn Phúc (Diễn Châu) tập trung đầu tư mạnh cho giáo dục. Kế hoạch đầu tư các công trình trên địa bàn xã từ năm 2021-2025 là 104 tỷ đồng thì riêng giáo dục chiếm trên 70 tỷ đồng. Hiện nay xã đã quy hoạch mới và xây dựng trường mầm non rộng 19.000 m2, kinh phí 60 tỷ đồng với 30 phòng học. Ngoài ra, sửa chữa sân chơi, nhà hiệu bộ, mở rộng diện tích trường tiểu học với kinh phí 10 tỷ đồng.

Đầu tư chọn lọc, tập trung

Thay vì đầu tư dàn trải, những năm gần đây, việc đầu tư cơ sở vật chất ở các nhà trường được các địa phương chọn lọc và đầu tư tập trung. Như tại huyện Tương Dương, chỉ sau hơn 1 năm, huyện đã hoàn thành công trình xây dựng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Tĩnh, Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền và trở thành một trong những trường được đầu tư khang trang nhất hiện nay với đủ phòng học, phòng chức năng và ký túc xá, nhà công vụ cho giáo viên, học sinh của trường. Việc đầu tư bài bản, tập trung cũng giúp cho các nhà trường sớm hoàn thiện tiêu chí trường chuẩn quốc gia, tránh tình trạng chắp vá kéo dài và nhanh xuống cấp.

Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền được đầu tư đồng bộ, khang trang. Ảnh: Mỹ Hà

Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền được đầu tư đồng bộ, khang trang. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: Trong vài năm trở lại đây, huyện Tương Dương đã tiến hành rà soát, phân bổ nguồn ngân sách hợp lý để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Trong đó, ưu tiên tập trung trang thiết bị tối thiểu cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, chú trọng trang bị cơ sở vật chất phục vụ các nhu cầu đưa công nghệ vào quản lý, tổ chức dạy học, giáo dục…, theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp nhu cầu thực chất.

Trong năm học vừa qua, UBND huyện Thanh Chương cũng đã ưu tiên các nguồn kinh phí để xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường với số vốn hơn 53 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã xây mới được 33 phòng học văn hóa, 44 khối phòng học tập, 8 công trình vệ sinh cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Việc vận động mua sắm cho các lớp học cũng được các nhà trường thực hiện vượt kế hoạch. Nhờ đó, từ con số toàn huyện chỉ có 3 trường tiểu học, 2 trường THCS có 8 ti vi thông minh thì đến nay, 100% số trường tiểu học, THCS, THPT đã được lắp đặt ti vi, bảng trượt cho tất cả các lớp. Tổng số tiền đầu tư cho việc lắp đặt gần 26 tỷ đồng.

Một hoạt động ngoại khóa của học sinh huyện Thanh Chương. Ảnh: CSCC
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh huyện Thanh Chương. Ảnh: CSCC

Trước đó, qua khảo sát của huyện Thanh Chương, toàn huyện các thiết bị dạy học hầu hết đã xuống cấp chỉ đáp ứng 40% nhu cầu. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã ban hành nhiều văn bản tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chỉ đạo phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp phòng Giáo dục và Đào tạo cân đối với nguồn chi ngân sách để phân khai cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Song song với đó, UBND huyện đã làm việc với các ngành liên quan và thống nhất chủ trương chỉ đạo các địa phương, các nhà trường thực hiện giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa.

Để việc thực hiện thành công, ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết: Sau khi giao trách nhiệm cho từng địa bàn, chúng tôi có kiểm tra, đánh giá hàng năm. Cuối năm, nếu địa phương nào không ưu tiên ngân sách, không đầu tư cho giáo dục sẽ bị nhắc nhở. Vì vậy, trong hơn 2 năm vừa qua, công tác giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất ở huyện Thanh Chương có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Với nhiều giải pháp tích cực và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, diện mạo các trường học trên địa bàn tỉnh từng bước được thay đổi. Đến nay, tổng số phòng học kiên cố ở mầm non và phổ thông là 21.960 phòng; trong đó, cấp mầm non có 5.844 phòng (đạt 78,3%); cấp tiểu học có 8.871 phòng (đạt 79%); cấp THCS có 4.688 phòng (đạt 89,47%); cấp trung học phổ thông có 2.557 phòng (đạt 96,64%). Tỷ lệ trường chuẩn trên toàn tỉnh đạt trên 70%.


Hiện, Nghệ An cũng tổ chức rà soát, tham mưu cân đối nguồn ngân sách các cấp, ưu tiên đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho khối lớp 1, lớp 2, lớp 6; hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 xây dựng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu; triển khai đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ các trường phổ thông có học sinh dân tộc nội trú, bán trú… Đồng thời, tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước xây dựng các trường học đạt chuẩn, khang trang, đẹp đẽ đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong năm học mới./.

Tin mới