Nhiều thủ đoạn tinh vi trong buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, tình hình buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã vẫn còn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu phức tạp. 

Thủ đoạn tinh vi

Nghệ An sở hữu nhiều khu rừng nguyên sinh chưa bị tác động, có giá trị cao về bảo tồn, nghiên cứu khoa học, như: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt... Tuy nhiên, do phân bố chủ yếu tại địa bàn các huyện miền núi, dọc theo vùng giáp ranh với nước Lào, cùng các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, vì thế, Nghệ An đã trở thành địa bàn trung chuyển cũng như xuất hiện nhiều hoạt động buôn bán, vận chuyển và nuôi nhốt động vật hoang dã.

Thực tế, từ năm 2017 đến năm 2022, bình quân mỗi năm có 10 vụ buôn bán động vật hoang dã bị lực lượng Kiểm lâm bắt giữ, với khoảng 28.550 cá thể động vật hoang dã bị buôn bán, vận chuyển trái phép. Đó là chưa kể các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, thông qua các hoạt động tuần tra, kiểm soát cũng phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động này.

Các đối tượng cùng tang vật bị thu giữ trong một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép tại huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Các đối tượng cùng tang vật bị thu giữ trong một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép tại huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Điển hình vào ngày 4/8/2021, lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở nuôi nhốt hổ trong nhà dân trên địa bàn xã Đô Thành (Yên Thành), thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành. Liên quan đến vụ việc này, ngày 3/3/2022, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt 7 năm tù giam đối với đối tượng Nguyễn Văn Hiền (SN 1982), trú tại xóm Nam Vực, xã Đô Thành (Yên Thành) là đối tượng nuôi nhốt 14/17 cá thể hổ nêu trên.

Mới đây nhất, vào ngày 13/2/2023, Công an huyện Diễn Châu đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can để điều tra về hành vi mua bán da, đầu hổ. Các đối tượng bị khởi tố bao gồm Trương Sỹ Hải, Vũ Văn Thương cùng trú tại xã Diễn Lâm và Lê Tuấn Minh, trú tại xã Diễn Đoài (Diễn Châu). Trước đó, vào ngày 1/1/2023, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) chủ trì phối hợp Công an huyện Diễn Châu bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Phong trú xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) về hành vi: “Tàng trữ, mua bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm”. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 6 cá thể động vật nghi là tê tê (5 cá thể sống, 1 cá thể đã chết); 2,1 kg vảy tê tê và một số vật chứng khác.

Chăm sóc 2 cá thể khỉ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (VQG Pù Mát, Con Cuông). Ảnh tư liệu

Chăm sóc 2 cá thể khỉ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (VQG Pù Mát, Con Cuông). Ảnh tư liệu

Theo đánh giá của cơ quan chức năng liên quan: Thời gian gần đây, tình hình hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh tuy không còn rầm rộ như trước nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Chưa kể, do bị truy quét gắt gao nên nhiều đối tượng đã thay đổi địa bàn, phương thức hoạt động để qua mặt cơ quan chức năng.

Một trong những thực trạng "nóng" là việc các đối tượng buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã thường lợi dụng việc giao thương, buôn bán giữa các nước Lào, Campuchia về Việt Nam để cung cấp con giống trái phép. Sau khi vận chuyển con giống về đến nơi tập kết thì tiến hành phân chia đến các điểm nuôi nhốt được bố trí trong khu vực dưới hầm, trong nhà ở của người dân. Quá trình nuôi nhốt, các đối tượng ngụy trang, che đậy hành vi rất tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, xử lý. Thậm chí, các đối tượng thường cải tạo phương tiện, hàn thùng sắt để che giấu các cá thể động vật hoang dã trong khi vận chuyển.

Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm

Theo thống kê, hiện tại ở Nghệ An có 12.597 cá thể của 95 loài động vật hoang dã đang được nuôi nhốt tại 386 cơ sở. Mặc dù việc nuôi nhốt động vật hoang dã đều được cơ quan chức năng kiểm soát. Tuy vậy, trên thực tế, vì lợi nhuận khổng lồ mà nhiều đối tượng vẫn tiến hành nuôi giấu lén lút, nhất là các loại động vật hoang dã quý hiếm.

Đối tượng và tang vật trong một vụ vận chuyển động vật hoang dã từ Nghệ An ra phía Bắc tiêu thụ bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: Quỳnh Trang
Đối tượng và tang vật trong một vụ vận chuyển động vật hoang dã từ Nghệ An ra phía Bắc tiêu thụ bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: Quỳnh Trang

Theo Điều 234, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã thì các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến cao nhất là 3 tỷ đồng, chưa kể đối tượng có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm, tùy thuộc vào số lợi bất chính thu được và quy mô, tổ chức thực hiện…

Ông Lê Đại Thắng - Phó phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, đấu tranh với hành vi buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Đặc biệt, đối với các cơ sở, nhà hàng kinh doanh nằm trong diện nghi ngờ có hoạt động buôn bán thịt thú rừng được tuyên truyền, ký cam kết không thực hiện buôn bán động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, hàng tháng, các Hạt Kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn. Bao gồm kiểm tra an toàn chuồng nuôi, đảm bảo môi trường xung quanh, nắm bắt nguồn gốc động vật hoang dã nhập vào và xuất ra để quản lý. Qua đó, phát hiện kịp thời động vật hoang dã đưa vào cơ sở nuôi không có nguồn gốc hợp pháp để xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo về Chi cục Kiểm lâm các biến động về cơ sở nuôi, loài nuôi kịp thời.

Ông Thắng cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm tra, xử lý là lực lượng tuần tra, truy quét mỏng. Các đối tượng săn, bắn động vật hoang dã thường hoạt động vào ban đêm hoặc sáng sớm nên khi phát hiện lực lượng chức năng không bắt được người vi phạm mà chỉ thu giữ được tang vật.

Việc triển khai thực hiện, công tác phối, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã vẫn còn nhiều khó khăn, do tập quán, thói quen sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã trong nhân dân còn chưa chấm dứt triệt để. Một số bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài động vật hoang dã như chim, thú làm cảnh gây bức xúc trong xã hội.

Tuyên truyền nói không với việc sử dụng động vật hoang dã trái phép tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Tuyên truyền nói không với việc sử dụng động vật hoang dã trái phép tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Ngay như tại thành phố Vinh, trong thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Vinh - Cửa Lò đã thu nhận được 5 cá thể động vật hoang dã do người dân giao nộp, gồm 1 cá thể khỉ đuôi dài, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 2 cá thể cu li nhỏ và 1 cá thể tê tê Javanica. Tuy nhiên, theo đại diện Hạt Kiểm lâm Vinh - Cửa Lò, hiện nay, việc xử lý những trường hợp tự ý nuôi chim, thú làm cảnh, còn gặp khó khăn. Bởi trước đây, khi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, chưa ra đời thì việc nuôi chim, thú làm cảnh là không vi phạm. Nhưng hiện nay, theo Nghị định 84 thì tất cả các loài chim, thú nuôi làm cảnh đều phải quản lý, nhưng lại không có điều khoản chuyển tiếp đối với các cá thể đã nuôi trước khi có Nghị định này. Vì thế, một số cá nhân muốn làm hồ sơ thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật nhưng không thể làm được do không chứng minh được nguồn gốc động vật…

Như vậy, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, tổ chức tuyên truyền, vận động, ký cam kết thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động, săn, bắn, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, có như vậy mới bảo vệ được các loại động vật hoang dã, nhất là khi một số loài đặc biệt quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng./.

Tin mới