Nhiều tiểu thương TP Vinh đóng cửa, treo biển chuyển nhượng ki ốt

(Baonghean.vn) - Tại các chợ truyền thống, các tuyến phố của TP Vinh hiện nay, không khó để bắt gặp những ki ốt đóng cửa im lìm hoặc treo biển chuyển nhượng, cho thuê lại mà nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh doanh ảm đạm thời điểm đầu năm 2020.

Chợ mới Trường Thi nằm trên địa bàn phường Trường Thi, TP Vinh dù mới được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2014, tuy nhiên hiện nay, tình hình kinh doanh tại chợ khá ảm đạm.

Theo quan sát của PV, nếu như các ki ốt phía ngoài chợ vẫn mở cửa thì phía trong chợ, có đến 10 ki ốt san sát nhau đang đóng cửa, treo biển cho thuê ốt cả tháng nay. 

Tiểu thương nơi đây cho biết, tình hình kinh doanh trong những tháng gần đây không khả quan, lượng khách sụt giảm. Nhiều hộ không trụ nổi đã nghỉ bán, hoàn trả ki ốt cho chủ.

Các ki ốt tại chợ Trường Thi đóng cửa im lìm cả tháng nay. Ảnh: Q.A
Các ki ốt tại chợ Trường Thi đóng cửa im lìm cả tháng nay. Ảnh: Q.A

Tại chợ Vinh, khu chợ sầm uất nhất trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ngoài tầng 1 của đình chính vẫn có lượng khách nhất định thì tại tầng 2 đình chính lượng khách giảm rõ rệt, nhiều ki ốt đã đóng cửa, treo biển chuyển nhượng, cho thuê lại. Mặc dù vậy, theo khảo sát thì cũng ít ai đến hỏi thuê, trong khi đó, tầng 3 đình chính vẫn trong cảnh bỏ hoang bao năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng BQL chợ Vinh cho biết: Đầu năm nay, tình hình thị trường nhìn chung tương đối khó khăn, chợ Vinh cũng không ngoại lệ. Toàn chợ Vinh có hơn 3.000 hộ kinh doanh nhưng theo thống kê sơ bộ thì hiện nay số lượng các hộ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh chiếm khoảng 30%, tập trung chủ yếu ở tầng 2 đình chính và khu vực đình Đông, đình Tây.
Các gian hàng tại tầng 2, chợ Vinh vẫn mở cửa tuy nhiên rất ít khách ghé mua. Ảnh: Q.A
Các gian hàng tại tầng 2, chợ Vinh vẫn mở cửa tuy nhiên rất ít khách ghé mua. Ảnh: Q.A

Không chỉ tại các chợ truyền thống mà trên các tuyến phố, tình hình kinh doanh cũng không khả quan hơn là bao. Nếu như tại các tuyến phố lớn, kinh doanh sầm uất như Nguyễn Văn Cừ, Minh Khai, Quang Trung… vẫn duy trì được lượng khách nhất định thì việc kinh doanh tại các tuyến đường nhỏ hơn, ở các khu vực trường học thì rất ế ẩm.

Đơn cử như tuyến đường Võ Thị Sáu, được xem là tuyến đường “sinh viên” của TP Vinh vì gần với Đại học Vinh, có lượng sinh viên ở trọ đông đúc, do đó kinh doanh quần áo, giày dép, hàng ăn… ở đây rất phát triển. Mặc dù vậy, theo các chủ kinh doanh tại đây cho biết, từ thời điểm ra Tết đến nay, tình hình kinh doanh ế ẩm chưa từng có, nhiều cửa hàng đã đóng cửa vì không có khách ghé mua. Các tuyến đường khác như Phong Định Cảng, Lý Tự Trọng, Bạch Liêu... cũng trong tình trạng tương tự.

Nhiều cửa hàng xung quanh khu vực Đại học Vinh đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Q.A
Nhiều cửa hàng xung quanh khu vực Đại học Vinh đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Q.A

Nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều tiểu thương nghỉ bán hàng, chuyển nhượng ki ốt là do hiện nay, người dân đang lo ngại dịch bệnh nên ít đi chợ, tránh nơi đông người do đó lượng khách tại các chợ sụt giảm, các tiểu thương cũng mất khách hàng…

Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng chưa đi học trở lại nên việc kinh doanh tại các tuyến đường xung quanh khu vực các trường học ế ẩm.

Một số quán hàng vẫn mở cửa tuy nhiên lượng khách rất ít. Ảnh: Q.A
Một số quán hàng vẫn mở cửa tuy nhiên lượng khách rất ít. Ảnh: Q.A

Để tránh tình trạng lãng phí mặt bằng, hiện nhiều ki ốt không có người thuê đã được chủ kinh doanh biến thành kho chứa hàng. Ngoài ra, để giữ chân khách thuê, nhiều chủ các ki ốt cũng đã giảm giá thuê cho các tiểu thương./. 

Tin mới