Nhiều trạm y tế ở Nghệ An cạn kiệt kit xét nghiệm Covid-19

(Baonghean.vn) - Nhiều người dân bày tỏ thắc mắc khi bị các trạm y tế từ chối làm xét nghiệm, dù quy định họ được test miễn phí. Trong khi, các cơ quan y tế cũng đang kêu khó vì kit xét nghiệm cạn kiệt, khó mua.

Quy định không còn phù hợp

Một ngày đầu tháng 3, chị Trang (42 tuổi), đến Trạm y tế xã Nghi Phú (TP Vinh), để làm xét nghiệm Covid-19 vì bản thân thuộc diện F1, có một số triệu chứng nghi nhiễm. Tuy nhiên, nguyện vọng của chị Trang không được đáp ứng, với lý do trạm y tế không còn test nhanh. Người phụ nữ này sau đó đến một quầy thuốc mua test nhanh đến trạm nhưng vẫn bị từ chối vì trạm y tế đã hết đồ bảo hộ để nhân viên lấy mẫu xét nghiệm cho chị. Mặc dù theo quy định hiện nay, các trường hợp F0, F1 khi đến các cơ sở y tế công lập đều được làm xét nghiệm miễn phí.

Không chỉ chị Trang, nhiều F0 đang điều trị tại nhà và F1 khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều người còn ghi âm, quay clip đăng tải bức xúc lên mạng xã hội về vấn đề này.

Cơ quan chức năng kiểm tra một quầy thuốc bán kít xét nghiệm. Ảnh: Q.A
Cơ quan chức năng kiểm tra một quầy thuốc bán kít xét nghiệm. Ảnh: Q.A

Theo ghi nhận của phóng viên, dịp ra Tết Nguyên đán trở lại đây, tại các cơ sở y tế, cụ thể là các trạm y tế phường, xã, thị trấn xuất hiện tình trạng thiếu kit test xét nghiệm Covid-19. Người dân khi đến đều được cán bộ y tế vận động tự mua kit test và Trạm Y tế sẽ xét nghiệm miễn phí hộ. Việc trạm y tế phường, xã, thị trấn không có kit test phục vụ; phải bỏ tiền để xét nghiệm đã khiến nhiều người thắc mắc bởi trước đó các văn bản khẳng định toàn bộ chi phí liên quan đều miễn phí, do ngân sách chi trả, cung cấp.

Đơn cử với Công văn số 4620/TTCH-SYT ngày 26/9 của Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong tình hình mới. Công văn yêu cầu rõ việc lấy mẫu xét nghiệm ở từng khu vực, đơn vị, vùng nhằm phát hiệm sớm các trường hợp F0; cũng như khuyến khích người có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở... đến ngay Trạm Y tế xã để xét nghiệm miễn phí.

Nhân viên y tế cơ sở đang phải làm việc quá tải. Ảnh: T.H
Nhân viên y tế cơ sở đang phải làm việc quá tải. Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Thế Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh cho rằng, đây là tình trạng phổ biến hiện nay. “Không chỉ ở TP Vinh mà nhiều địa phương khác cũng lâm vào cảnh đó. Đây là một trong những bất cập lớn nhất hiện nay”, ông Tùng nói và bày tỏ mong muốn người dân thông cảm với hệ thống y tế.

Theo ông Tùng, hiện nay hầu hết các trạm y tế đã cạn kiệt test nhanh và đồ bảo hộ. “Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đấu thầu từ lâu, nhưng liên tục điện thoại cho các doanh nghiệp đầu mối cung cấp họ đều không nghe máy. Bây giờ có tiền cũng không mua được. Có vẻ như các doanh nghiệp cũng không muốn bán cho các đơn vị y tế, vì họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Nếu bán cho các cơ quan nhà nước thì phải thông qua đấu thầu, giá bán thấp. Vì thế họ ưu tiên bán ra thị trường hơn, không thiết tha cung cấp cho các đơn vị y tế”, ông Tùng nhận định.

Không những thế, theo ông Tùng, nếu có nguồn cung, các trạm y tế cũng không đủ nguồn lực, kinh phí mua sắm test nhanh, đồ bảo hộ để xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ F1, F0 như quy định đã nêu. “Hiện nay, nếu xét nghiệm miễn phí cho F1, F0 như quy định thì mỗi tháng ở TP Vinh sẽ tốn hàng chục tỷ đồng mua test nhanh. Đó là chưa kể số tiền mua đồ bảo hộ và các chi phí khác. Làm như thế, hầu hết các địa phương sẽ không đủ kinh phí”, ông Tùng nói.

Có cùng quan điểm với ông Tùng, ông Hồ Sỹ Dương – Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai cho rằng, quy định F0, F1 được xét nghiệm miễn phí đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi mà số ca bệnh ngày càng tăng cao. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm điều chỉnh quy định này. Trong đó, có thể rút gọn đối tượng xét nghiệm miễn phí là những F0 thuộc diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn.

Cần sớm bình ổn giá kit xét nghiệm

Lãnh đạo một phường ở thành phố Vinh cho hay, trước đây, kit test được các tổ chức, dự án tài trợ miễn phí cho Sở Y tế và Sở Y tế căn cứ nhu cầu sử dụng để phân bổ cho các địa phương. Nguồn thứ 2 là các địa phương tự mua. Bây giờ các nguồn miễn phí đã cạn kiệt, trên không thấy cấp về. Còn ngân sách địa phương thì rất hạn chế, không có để mua…

Dẫu bên ngoài thị trường có kit test thì địa phương cũng không thể chỉ đạo trạm y tế mua về để cung cấp dịch vụ có thu phí cho người dân. Giá kit test trên thị trường không ổn định dao động từ 40.000-120.000 đồng/cái, trong khi theo thông tư của Bộ Y tế quy định giá xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực từ ngày 21/2 thì xét nghiệm Covid-19 test nhanh mẫu đơn tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Mua về phục vụ hôm nay, thì ngày mai rất có thể có nhiều thanh, kiểm tra và kỷ luật…

“Cách làm khả dĩ nhất hiện nay là địa phương thực hiện xã hội hóa với sự tham gia của người dân cũng như kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch bệnh”, vị này nói thêm.

Câu chuyện thiếu kit test không chỉ xảy ra tại các trạm y tế phường, xã ở thành phố Vinh mà ở khắp trạm y tế phường, xã, thị trấn trong tỉnh và cả nước. Trong chuyến làm việc của đoàn công tác của UBND tỉnh với các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ cuối tháng 2/2022, các huyện nói trên cũng đã phản ánh tình trạng này. Theo lãnh đạo các địa phương: “Kit test hiếm, địa phương muốn mua cũng không mua được”.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết, hiện nay nguồn hàng cung cấp kit test tại địa phương vô cùng khó khăn. Đây là tình trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước, nguồn cung khan hiếm khiến nhiều đơn vị có tiền cũng không thể mua được kit test nhanh. Đối với các cơ sở đủ điều kiện bán kit test, các đơn vị nhập khẩu sẽ cung cấp cho các cơ sở này. Thế nhưng trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có đơn vị nhập khẩu nào, cũng không có nhà máy sản xuất mặt hàng này. Bản thân các doanh nghiệp cũng không hào hứng bán cho nhà nước.

Có những nguyên nhân dẫn đến các cơ sở y tế thiếu kit test như sau: Thứ nhất, nhu cầu sử dụng kit test tăng đột biến khiến thị trường xuất hiện tình trạng khan hiếm nhất thời. Trước nhu cầu tăng, các doanh nghiệp cung cấp kit test ưu tiên cung ứng cho thị trường tự do – nơi mà “tiền tươi, thóc thật, không lằng nhằng”. So với việc cung ứng cho cơ quan nhà nước lâu nay vốn giá đấu thầu thấp, chậm trả.

Thứ hai, việc đấu thầu nhiều vật tư y tế trong đó có kit test hiện đã được giao xuống cho cấp huyện, các đơn vị cơ sở. Song sau khi những sai phạm của Công ty Việt Á được công bố, nhiều đơn vị không giám tổ chức đấu thầu vì giá quy định quá thấp. Việc các cấp, đơn vị “ngại” còn do thủ tục để đấu thầu một cách bài bản thì đòi hỏi một thời gian khá lâu… Cũng phải nói thêm rằng, sau một thời gian dài, ngân sách dành cho chống dịch đã cạn kiệt.

Cần sớm đưa kít xét nghiệm vào mặt hàng bình ổn giá. Ảnh. Thành Chung
Cần sớm đưa kít xét nghiệm vào mặt hàng bình ổn giá. Ảnh: Thành Chung

Trạm y tế phường, xã, thị trấn thiếu kit test nghiêm trọng, thế nhưng các cửa hàng, quầy thuốc, hiệu thuốc lại không thật sự quá khan hiếm. Trên thị trường số lượng, chủng loại kit test Covid-19 là khá nhiều song loạn giá cả. Điều này khiến người có nhu cầu sử dụng cảm giác bất an và đặt nghi vấn về chất lượng kit test… Mua 1 loại sử dụng chưa yêu tâm, người dân lại mua thêm 1 loại kit test khác. Dần dà, trên thị trường cũng đã có lúc “cháy” kit test.

Theo đó, thời gian gần đây, với số ca bệnh liên tục tăng cao, nhiều người có tâm lý hoang mang, đã mua lượng lớn kít để dự trữ, thậm chí xét nghiệm nhiều lần trong ngày dù bản thân không có triệu chứng, không có yếu tố dịch tễ. Nhiều trường hợp F0 đang điều trị tại nhà, cũng có tâm lý tò mò, liên tục tự test nhanh để xem kết quả…

Về vấn đề này, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người dân không nên xét nghiệm khi không cần thiết. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm phức tạp hơn thị trường kit xét nghiệm, ảnh hưởng đến công tác chống dịch.

“Quan trọng nhất cũng cần sớm đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá nhằm giảm giá kit, hạ chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các đơn vị y tế cũng dễ dàng mua sắm hơn”, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh nói thêm.

Trong cuộc làm việc với một số địa phương diễn ra mới đây, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương sử dụng hợp lý các nguồn lực, vật tư chống dịch; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ và vận động sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong việc ủng hộ kit test; tăng cường tuyên truyền về dịch Covid-19 để cho người dân hiểu và sử dụng kit test một cách đúng, hợp lý, tránh tình trạng sử dụng lãng phí thư hiện nay.

Tin mới