Nhiều trường đại học lớn công bố phương thức tuyển sinh năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, nhiều trường đại học lớn trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023. 

Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 11/2 cho biết, năm 2023 sẽ tuyển sinh 3 chương trình mới gồm Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu Polymer và Compozit, Kỹ thuật sinh học. Trong năm đầu tuyển sinh, chỉ tiêu cho mỗi chương trình là 40. Trừ Kỹ thuật sinh học là chương trình chất lượng cao, còn lại là chương trình chuẩn.

Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 7.985, trong đó, chương trình Kỹ thuật Hóa học tuyển nhiều nhất, 520 sinh viên; Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật cơ khí 500.

Về phương thức tuyển sinh 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục xét tuyển tài năng, dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy và xét điểm tốt nghiệp THPT 2023.

Phương thức xét tuyển tài năng được chia thành 3 nhóm. Thứ nhất, trường xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia hoặc được triệu tập tham gia chọn Đội tuyển Olympic quốc tế. Các em sẽ được xét tuyển thẳng vào ngành học phù hợp với lĩnh vực đạt giải.

Hai là xét tuyển với thí sinh có một trong các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP hoặc IB. Các em đều phải có điểm trung bình từng năm lớp 10, 11 và 12 từ 8 trở lên.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Thứ ba, xét tuyển hồ sơ kết hợp phỏng vấn với thí sinh có điểm trung bình từng năm lớp 10, 11 và 12 từ 8 trở lên và đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc được chọn thi học sinh giỏi, khoa học, kỹ thuật quốc gia; tham dự Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia từ vòng tháng; IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương; học sinh hệ chuyên của các trường chuyên, năng khiếu.

Năm 2023, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường Đại học Việt - Pháp) dự kiến tuyển sinh 950 chỉ tiêu (tăng 12,5% so với năm 2022), thông qua 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực (phương thức 1); xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường (phương thức 2); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 (phương thức 3).

Riêng với phương thức 3, trường không tuyển sinh chương trình kỹ thuật hàng không và các chương trình song bằng.

Với phương thức 1, quy trình xét tuyển sẽ được tiến hành theo 3 bước: Xét hồ sơ năng lực (chủ yếu thông qua kết quả học tập được ghi trong học bạ); làm bài kiểm tra kiến thức do Trường Đại học Việt - Pháp tổ chức; phỏng vấn (thông qua hình thức trực tuyến).

Thí sinh phải có điểm trung bình cộng lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học từ 6.5 trở lên (áp dụng với thí sinh dự tuyển đợt 1 và đợt 2). Thí sinh tham dự đợt tuyển sinh đợt 3, điểm trung bình cộng các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học được tính trên kết quả lớp 11 và lớp 12.

Bài kiểm tra đánh giá kiến thức có nội dung khoa học tự nhiên liên quan đến ngành ứng tuyển. Ứng viên có điểm bài kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được tham dự vòng phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Việt - Pháp. Thí sinh có thể lựa chọn phỏng vấn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Với các chương trình song bằng, ngoài các tiêu chí trên, yêu cầu thí sinh cần có chứng chỉ IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 60. Thí sinh ứng tuyển các chương trình song bằng sau khi vượt qua vòng xét học bạ và kiểm tra kiến thức sẽ phải tham gia vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Với phương thức 2, thí sinh trong diện đối tượng được tuyển thẳng được miễn làm bài kiểm tra kiến thức và phỏng vấn. Tiêu chí để được tuyển với các chương trình đào tạo một bằng (trừ ngành Kỹ thuật hàng không) là thí sinh có kết quả học tập đạt loại giỏi và có điểm trung bình cộng 5 môn tự nhiên Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học đạt từ 8.8 trở lên. Với tuyển sinh đợt 1 và 2, kết quả học tập được xét gồm năm lớp 11, học kỳ 2 lớp 12; với đợt 3 thì xét kết quả học tập lớp 11 và lớp 12.

Bên cạnh đó, trường cũng tuyển thẳng các thí sinh đoạt giải tỉnh, quốc gia, quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Địa lý. Riêng ngành Kỹ thuật hàng không chỉ tuyển thẳng thí sinh đạt giải Toán, Vật lý và Tin học; giải thưởng môn Địa lý chỉ áp dụng cho các thí sinh dự tuyển ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh.

Năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển 5.860 chỉ tiêu cho 18 ngành học. Trong đó, nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Thương mại và Du lịch tuyển nhiều nhất là 1.680 sinh viên, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật số là 600, Kinh tế và Quản lý là 560.

Năm nay, nhà trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Xét học bạ và xét tuyển kết hợp.

Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ), điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 21-23 điểm trở lên.

Với xét tuyển kết hợp, thí sinh chỉ chọn 1 trong 3 tiêu chí xét tuyển kết hợp gồm:

Tiêu chí 1: Với thí sinh đạt học lực loại Khá năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) tại các trường THPT và có điểm kết quả thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương khác do Bộ GD&ĐT công bố.

Tiêu chí 2: Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) kết hợp với kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA - 2023, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Tiêu chí này điểm nộp hồ sơ xét tuyển phải đạt từ 21-23 trở lên tùy ngành.

Tiêu chí 3: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kết hợp với kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA - 2023, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Tiêu chí này điểm nộp hồ sơ xét tuyển phải đạt từ 18-20 điểm trở lên tùy ngành.

Để có cơ hội cộng điểm khi xét tuyển đại học, thí sinh đăng ký nhận thông tin cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA – 2023. Nguyên tắc xét tuyển là thí sinh đăng ký theo nhóm ngành với tối đa 1 nguyện vọng tương ứng 1 nhóm ngành đào tạo. Học viện xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Thí sinh không trúng tuyển vào nguyện vọng đã đăng ký thì tiếp tục được xét tuyển vào các nhóm ngành khác khi còn chỉ tiêu.

Về thời gian xét tuyển, với phương thức xét tuyển 1 và 2 được thực hiện theo quy định, lịch trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với 2 phương thức xét tuyển kết hợp 3 và 4, diễn ra từ 4/4 đến 25.5 (đợt 1) và từ 6/6 đến 25/7 (đợt 2).

Các thí sinh nghe Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Các thí sinh nghe Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh đào tạo 15 mã ngành (tăng 2 mã ngành so với năm 2022). Học viện cũng dự kiến tuyển sinh mới một số ngành, chương trình đào tạo như: ngành Kinh tế số, ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng, chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin (hướng ứng dụng).

Riêng Chương trình Chất lượng cao: Học viện tiếp tục triển khai tuyển sinh đào tạo Chương trình chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin có nội dung chương trình với nhiều ưu việt và lợi thế đối với người học; dự kiến chỉ tiêu là 300 chỉ tiêu.

Ngoài ra, Học viện dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chương trình chất lượng cao ngành Marketing theo định hướng Marketing số (Digital Marketing) với khoảng 50 chỉ tiêu.

Nguyên tắc xét tuyển của học viện:

– Thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Học viện;

– Xét tuyển theo ngành và theo tổ hợp môn thi;

– Điểm trúng tuyển của các tổ hợp môn thi trong cùng một ngành là bằng nhau;

– Xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau (không có điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng trong cùng một ngành);

– Xét trúng tuyển từ thí sinh có kết quả cao xuống cho đến hết chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng tuyển sinh;

– Học viện không áp dụng thêm tiêu chí phụ riêng trong xét tuyển, ngoài quy định của Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và đào tạo;

– Điểm trúng tuyển được tính theo thang điểm 10, tổng điểm tối đa của 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển là 30 điểm;

– Nếu xét tuyển theo từng phương thức không đủ chỉ tiêu thì chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo các phương thức khác./.

Tin mới