Nhiều tuyến đường nông thôn mới đang chờ xi măng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean) - Các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới và hoàn thành nông thôn mới nâng cao trên địa bàn Nghệ An trong năm 2022 đến nay đã cơ bản hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng và thống nhất phương án làm đường. Tuy nhiên do chưa cấp xi măng theo chính sách hỗ trợ nên chưa thể triển khai.
Đường nông thôn mới ở Tân Kỳ được hoàn thành nhờ hỗ trợ xi măng của tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Đường nông thôn mới ở Tân Kỳ được hoàn thành nhờ hỗ trợ xi măng của tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang bám địa bàn, hoàn thiện từng tiêu chí để cán đích NTM đúng kế hoạch. Tuy nhiên, vấn đề mà các địa phương đang băn khoăn là nhà nước chưa cấp xi măng theo chính sách hỗ trợ của tỉnh để tiến hành làm đường bê tông. Trong khi đó, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tập kết vật liệu cát, sỏi...

Tân Hương là 1 trong 2 xã đăng ký về đích NTM trong năm 2022 trên địa bàn huyện Tân Kỳ, vì vậy địa phương này đang tập trung thực hiện các tiêu chí. Theo ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, qua khảo sát cho thấy, đến tháng 6/2022, Tân Hương đã có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn; còn 5 tiêu chí chưa đạt: Giao thông, trường học, văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa và chợ.

Ông Lê Đức Thuyên cho rằng, khó khăn nhất là tiêu chí giao thông bởi cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng trong năm nay chưa triển khai được tuyến đường nào. Hiện nay các xóm đã cơ bản giải phóng mặt bằng trên các tuyến đường, tập kết vật liệu và thống nhất cách thức triển khai.

“Theo quy định của tỉnh, xã Tân Hương được hỗ trợ 2.800 tấn xi măng để làm đường nhưng đến nay chưa nhận được, trong khi đó các xóm đã chuẩn bị sẵn sàng vật liệu, khi có xi măng là triển khai ngay. Kế hoạch của xã Tân Hương là năm nay đổ bê tông 18 km đường thôn xóm”.

Ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương
Người dân xã Tân Hương (Tân Kỳ) đã tập kết cát sỏi, khi có xi măng về là triển khai đổ bê tông mặt đường. Ảnh: Xuân Hoàng

Người dân xã Tân Hương (Tân Kỳ) đã tập kết cát sỏi, khi có xi măng về là triển khai đổ bê tông mặt đường. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Đồng Thành (Yên Thành) đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022, nhưng hiện nay vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó có tiêu chí giao thông.

Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết, đến giữa tháng 6, địa phương vẫn còn 5 tiêu chí chưa đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí giao thông. Hiện nay, phần lớn các tuyến đường giao thông trục đường thôn xóm, xã, huyện đã đổ bê tông và nhựa hóa, nhưng một số tuyến đường nội đồng, ngõ xóm chưa được đổ bê tông.

“Thời điểm này người dân đang nông nhàn, vì vậy Nhà nước cần cấp xi măng để địa phương tổ chức triển khai đổ bê tông, hoàn thành tiêu chí giao thông đúng kế hoạch”, ông Ngô Văn Tuấn mong muốn.

Huyện Tân Kỳ năm nay có 2 xã đăng ký về đích nông thôn mới và 1 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Đến thời điểm giữa năm, các xã này vẫn chưa đạt tiêu chí giao thông, mặc dù các địa phương đã giải phóng mặt bằng và người dân đã sẵn sàng đóng góp vật liệu để làm đường.

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ mong muốn, để các địa phương hoàn thành tiêu chí giao thông một cách thuận lợi nhất, Nhà nước cần sớm cấp xi măng theo chính sách hỗ trợ để bà con tranh thủ thời gian làm đường. Hiện nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng trên các tuyến đường, họp thống nhất phương án thực hiện, đặc biệt có những xóm đã tập kết cát, sỏi...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đến giữa năm 2022, tỉnh chưa cấp xi măng cho các địa phương theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nguyên nhân có thể do các sở, ngành liên quan chưa hoàn tất thủ tục đấu thầu xi măng theo quy định. Để có xi măng một cách sớm nhất cho các địa phương triển khai làm đường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh cấp xi măng thành nhiều đợt, dựa vào nguồn ngân sách của tỉnh, chứ không chờ cấp một lần như các năm trước.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn Nghệ An nhiều nơi đã cơ bản được đổ bê tông. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn Nghệ An nhiều nơi đã cơ bản được đổ bê tông. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Do các xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 chủ yếu là các xã thuộc huyện miền núi, địa bàn rộng, tuyến đường giao thông dài... nên khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông.

Trước đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND, ngày 13/12/2020 về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các xã thuộc 10 huyện miền núi, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và Nghĩa Đàn có mức hỗ trợ 2.800 tấn xi măng PCB40/xã. Các xã thuộc các huyện còn lại mức hỗ trợ 2.000 tấn xi măng PCB40/xã. Đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, mức hỗ trợ 1.000 tấn xi măng PCB40/xã.

Đối với thôn, xóm, bản thuộc xã khu vực III miền núi và các thôn, xóm, bản thuộc 27 xã biên giới đăng ký, cam kết tham gia xây dựng thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới: Mức hỗ trợ 150 tấn xi măng PCB40/thôn, xóm, bản. Với điều kiện, các đơn vị cấp huyện, các xã đăng ký, cam kết hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được UBND tỉnh phê duyệt hoặc không đăng ký, cam kết, nhưng hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được cấp có thẩm quyền công nhận; đối với thôn, xóm, bản phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trong kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Nghệ An phấn đấu đến hết năm 2022, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thêm 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tin mới