Nhiều ứng viên GS, PGS có hồ sơ bị loại là quan chức

Ngày 2/4, theo thông tin từ các hội đồng ngành, 41 ứng viên có hồ sơ bị loại hầu hết là cán bộ thỉnh giảng, trong đó nhiều người đang là cán bộ quản lý.
Tuy nhiên, sẽ bổ sung thêm 53 ứng viên vào danh sách những người được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đợt xét năm 2017.
Sẽ xử lý các trường xác nhận hồ sơ không chính xác
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, báo cáo của Thanh tra Bộ này về kết quả của đợt kiểm tra, rà soát việc công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017 cho thấy có 41 ứng viên sẽ không được công nhận do hồ sơ không đảm bảo theo quy định hoặc có đơn xin rút khỏi danh sách công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. 53 hồ sơ còn lại được Thanh tra Bộ kết luận là đảm bảo theo quy định. Theo nguồn tin của Thanh Niên, trong số 41 ứng viên có hồ sơ bị loại gồm 2 ứng viên GS, 39 PGS.
Cũng theo thông báo, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 2.4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên GS và PGS đề nghị công nhận năm 2017 bị để lại do có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện. Từ kết quả này, hội đồng sẽ thực hiện theo đúng quy định là chỉ công nhận những ứng viên đủ tiêu chuẩn. Bộ cũng sẽ tiếp tục xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và sẽ công bố công khai.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định Hội đồng chức danh GS nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Chính phủ và Thủ tướng theo đúng quy chế. Thủ tướng cũng hoan nghênh và đánh giá cao một số ứng viên đã tự xin rút hồ sơ đề nghị để tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Bộ y tế nhiều khả năng chưa được công nhận
Theo GS Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước, sau khi nhận được kết luận chính thức của Thanh tra Bộ, hội đồng sẽ ra quyết định công nhận bổ sung 53 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017. Như vậy, năm 2017 có 1.184 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, đạt tỷ lệ 77% (năm 2016 là 75,5%).
GS Ga khẳng định tổ công tác do Thanh tra Bộ chủ trì kết hợp với hội đồng đã làm việc rất trách nhiệm, nghiêm túc với từng hồ sơ của ứng viên. "Tổ công tác xuống tận cơ sở, nghe ứng viên giải trình, đối chất trực tiếp với ứng viên", ông Ga cho hay, đồng thời nhấn mạnh tổ công tác chỉ làm việc trên hồ sơ xem có đủ các tiêu chuẩn chứ không đánh giá về chất lượng khoa học của hồ sơ.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo hội đồng ngành cho biết họ chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan thanh tra của Bộ nên chưa rõ ngành mình ai được công nhận, ai không.
“Ngành y có 23 ứng viên phải xem xét lại hồ sơ. Trong quá trình làm việc với tổ công tác của Bộ GD-ĐT thì 13 hồ sơ được tổ công tác cho là chấp nhận được. Trong 10 hồ sơ còn lại, có 2 người xin rút, còn 8 hồ sơ Thanh tra Bộ cho rằng chưa chuẩn xác. Hội đồng ngành y vẫn bảo lưu ý kiến là công nhận 8 ứng viên này, vì “chưa chuẩn xác” là theo quan điểm của Thanh tra Bộ. Tuy nhiên, kết luận thế nào thì chúng tôi chưa có thông tin”, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước ngành y, cho biết.
Trong 10 ứng viên ngành y có nhiều khả năng không được bổ sung vào danh sách công nhận chính thức ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017 có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Các hồ sơ bị loại (và xin rút) khác của ngành y tế đều là của các ứng viên PGS, trong đó một trường hợp là thư ký của bà Tiến, 3 trường hợp là lãnh đạo các cục thuộc Bộ Y tế, 2 ứng viên ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, 1 ứng viên làm việc Công đoàn Giáo dục VN, 1 ứng viên là doanh nghiệp.
Hợp đồng dạy môn này nhưng thanh lý dạy môn khác!
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, Trưởng đoàn kiểm tra ứng viên GS, PGS năm 2017, cho biết đoàn kiểm tra chia thành 6 nhóm đi đến từng cơ sở để xác minh và làm việc trực tiếp với một số ứng viên.
Đoàn kiểm tra chỉ tập trung vào đánh giá hồ sơ chứ không có thẩm quyền đánh giá về chuyên môn. Từ hồ sơ, nổi lên một số vấn đề như sau: Theo quy định, trong hồ sơ của ứng viên thỉnh giảng phải có hợp đồng, thanh lý hợp đồng và có đánh giá của hiệu trưởng cơ sở giảng dạy nhưng một số hồ sơ không có, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lý môn khác. Thậm chí, có trường hợp làm mới hồ sơ của các năm trước không có căn cứ.
Cũng có ứng viên kê khai loại giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn. Theo quy định của pháp luật thì giáo trình chỉ được công nhận khi hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học chọn và thừa nhận lựa chọn để sử dụng.
Lại có trường hợp vi phạm quy định về thâm niên. Ví dụ, quy định về thâm niên của GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ, nhưng lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng. Từ đó đi tới kết luận không đủ giờ dạy, không đủ thâm niên.
Theo ông Bằng, Thanh tra đã kiến nghị Bộ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31.12.2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27.4.2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ trưởng có hình thức chấn chỉnh cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt quy định về thỉnh giảng, vi phạm quy định trong việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên. Kiến nghị Hội đồng chức danh GS nhà nước có những giải pháp phù hợp, rút kinh nghiệm với các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để việc xét công nhận tiêu chuẩn ứng viên GS, PGS chính xác hơn.

Tin mới