Nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người nhưng không được Sở LĐTB&XH Nghệ An thống kê

(Baonghean.vn) - Tại cuộc thẩm tra báo cáo việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 để trình kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa XVII), có nhiều ý kiến cho rằng, số liệu các vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh chưa phản ánh đúng thực tiễn, nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người nhưng không được Sở LĐ-TB&XH thống kê.
Đồng

Chiều 20/11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra báo cáo việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 để trình kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa XVII), dự kiến diễn ra trung tuần tháng 12 tới. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa

Cấp ủy, chính quyền đứng ngoài cuộc công tác ATVSLĐ
Thẩm tra về báo cáo việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng, nhiều vấn đề băn khoăn được các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đặt ra.

Theo Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thị Lan, toàn tỉnh có gần 2.100 doanh nghiệp làm ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Và theo quy định các doanh nghiệp này phải thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 6 tháng/lần; tuy nhiên, trong báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, 10 tháng đầu năm mới chỉ có 55 lượt đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với tổng 24.647 người.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Tử Phương cho rằng, cấp ủy, chính quyền cấp huyện đang đứng ngoài cuộc công tác ATVSLĐ. Ảnh: Mai Hoa
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Tử Phương cho rằng, cấp ủy, chính quyền cấp huyện đang đứng ngoài cuộc công tác ATVSLĐ. Ảnh: Mai Hoa
Bên cạnh đó, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng băn khoăn về số liệu các vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh chưa phản ánh đúng thực tiễn. Minh chứng là trong 10 tháng đầu năm, ở một số doanh nghiệp có xảy ra tai nạn và có người chết như: Công ty đá Hoàng Mai xảy ra vụ tai nạn làm 1 người chết, Công ty khoáng sản Quỳ Hợp xảy ra 1 vụ làm 1 người chết, Công ty gạch tuynel Cường Thịnh cũng xảy ra tai nạn lao động làm 4 người bị thương… song trong phụ lục thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh lại không có danh sách các doanh nghiệp nêu trên.
Vụ sập mỏ thiếc làm 3 người tử vong tại
Vụ sập mỏ thiếc Suối Bắc (xã Châu Hồng, Quỳ Hợp) làm 3 người tử vong xảy ra ngày 13/3/2019. Ảnh tư liệu Huy Nhâm 

Điều đáng quan tâm là trước đó ở một số doanh nghiệp, thông qua giám sát của HĐND tỉnh đã cảnh báo và đưa ra kiến nghị khắc phục những nguy cơ về ATVSLĐ, tuy nhiên vẫn để xảy ra tai nạn lao động. Vấn đề đặt ra là công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đặc biệt là giám sát, thanh tra và xử lý sau thanh tra chưa hiệu quả.

Cũng băn khoăn công tác ATVSLĐ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Tử Phương cho rằng, toàn tỉnh hiện có hơn 21.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng tổng hợp tất cả các ngành trong năm cũng chỉ có trên dưới 100 doanh nghiệp được kiểm tra, thanh tra và riêng thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ lại càng ít.

Mặt khác, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đang đứng ngoài cuộc công tác ATVSLĐ. Minh chứng là nhiều địa phương cả năm không có văn bản nào chỉ đạo và cũng không có cuộc kiểm tra, thanh tra nào.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường. Ảnh: Mai Hoa
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị cần có giải pháp cụ thể đảm bảo ATVSLĐ. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận về nội dung này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến tham gia của các thành viên trong Ban để điều chỉnh, bổ sung đầy đủ, phản ánh đúng bản chất.

Đồng thời Sở cần quan tâm bổ sung thêm đánh giá công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động; việc thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong đó có đảm bảo ATVSLĐ; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác này… Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể cho thời gian tới nhằm tăng cường và hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Khơi dậy nội lực giảm nghèo bền vững

Thẩm tra báo cáo việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2019, sau khi nghe ý kiến tham gia của các thành viên Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng ban Nguyễn Thị Thu Hường chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo.

Đó là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, chưa thật sự năng động, sáng tạo, nỗ lực đầu tư để thoát nghèo.  

Một số công trình, dự án xóa đói, giảm nghèo chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phân bổ vốn sự nghiệp giảm nghèo còn chậm.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Đoàn Hồng Vũ tiếp thu các ý kiến tham gia tại cuộc thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ tiếp thu các ý kiến tham gia tại cuộc thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa

Công tác điều tra hộ nghèo chưa khách quan, chưa phân loại đối tượng nghèo để có sự tác động phù hợp; giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; việc lồng ghép các nguồn lực giảm nghèo chưa hiệu quả.  

Trên cơ sở các tồn tại đặt ra, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HDND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cùng vào cuộc tập trung đưa ra giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền và người dân nhằm khơi dậy nội lực thoát nghèo.

MTTQ và các đoàn thể cần phát động các phong trào thi đua, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững.

Cũng trong chiều 20/11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra báo cáo kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Tin mới