Nhiều vướng mắc trong đổi Giấy phép lái xe qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Từ ngày 14/11/2022, người dân có thể ngồi tại nhà để đổi Giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (phạm vi toàn quốc). Tuy nhiên, thực tế ghi nhận sau 1 tuần triển khai tại Nghệ An, việc thực hiện còn nhiều vướng mắc nên người dân chưa thực sự mặn mà.

Khó khăn khi tiếp cận dịch vụ

Chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa là hết hạn sử dụng ghi trong Giấy phép lái xe (GPLX), bởi vậy, khi báo, đài thông tin từ ngày 14/11 ngồi ở nhà vẫn có thể đổi GPLX, chị Trần Thị Hương, trú ở xã Nghi Ân (TP. Vinh) rất phấn khởi và tìm hiểu ngay cách thức đổi GPLX qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để không phải xếp hàng làm thủ tục tại cơ quan cấp đổi.

Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện các thao tác chị gặp không ít khó khăn. Cụ thể, sau khi đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia kê khai thông tin, đến phần giấy khám sức khỏe điện tử, tôi lúng túng vì chỉ có giấy khám sức khỏe bằng giấy. Đọc lại hướng dẫn, chị mới biết phải đến UBND phường, xã để làm chứng thực điện tử giấy khám sức khỏe…

“Đã gọi là đổi GPLX qua mạng thì các bước đều phải được thực hiện theo hình thức trực tuyến, đằng này vẫn phải mất thời gian đi lại làm thủ tục, mất thêm phí chứng thực. Bởi vậy, tôi đi thẳng vào Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh làm thủ tục hết chưa đầy 20 phút kể cả thời gian chờ đến số thứ tự và sau 4 ngày đã nhận được GPLX mới gửi theo đường bưu điện”, chị Hương cho hay.

Vì phải đến UBND phường xã để làm chứng thực điện tử giấy khám sức khỏe nên chưa thể ngồi một chỗ để đổi GPLX qua mạng. Ảnh: Đ.C

Vì phải đến UBND phường xã để làm chứng thực điện tử giấy khám sức khỏe nên chưa thể ngồi một chỗ để đổi GPLX qua mạng. Ảnh: Đ.C

Bên cạnh đó, nhiều người không thể đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia do số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân khi đăng ký tài khoản dịch vụ công không trùng với số đã đăng ký sử dụng điện thoại di động. Anh Ngô Quốc Cường, trú ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp cho hay: “Do không thành thạo các thao tác trên thiết bị thông minh, nên tôi gặp một số khó khăn, chưa kể các thông tin còn phải đồng bộ mới làm được”.

Theo anh Cường, sau 2-3 lần đăng ký không thành công, anh mới biết cần sử dụng số chứng minh thư cũ thay vì số căn cước công dân mới để khớp với số điện thoại mà anh đã đăng ký chính chủ trước đó. Tuy nhiên, chứng minh thư cũ anh vẫn chưa tìm ra để lấy số.

Nhiều người gặp khó khi thao tác các bước để đổi GPLX qua mạng. Ảnh: Đ.C

Nhiều người gặp khó khi thao tác các bước để đổi GPLX qua mạng. Ảnh: Đ.C

Không chỉ riêng chị Hương, anh Cường, nhiều người khi biết có thể đổi GPLX qua mạng đều rất hào hứng, nhưng thao tác thực tế gặp khó nên cũng đành bỏ. Một số người cho hay, việc thực hiện đổi GPLX qua mạng hiện vẫn còn bất cập vì phải qua nhiều bước: Truy cập cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động; tra cứu vi phạm giao thông đường bộ; dữ liệu sức khỏe;… Để thực hiện được đòi hỏi đều phải sử dụng cùng một số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân kết hợp với số điện thoại di động chính chủ. Người dân phải có tài khoản ngân hàng thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, nhưng trong trường hợp đăng ký không thành công, nguyên nhân do hồ sơ chưa hợp lệ thì việc đợi hoàn trả lại tiền sẽ mất thời gian...

Cần khắc phục những bất cập

Được biết, từ ngày 14/11/2022, việc đổi Giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được mở rộng áp dụng trên toàn quốc. Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Nghệ An cho biết: Trước đó, trên cơ sở Văn bản chỉ đạo số 814, ngày 7/11/2022 của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Nghệ An đã cử cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tham gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để tổ chức triển khai; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đổi GPLX mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đồng thời, để người dân nắm được thông tin cũng như cách thức thực hiện, sở triển khai công tác tuyên truyền qua báo, đài, gửi công văn đến các huyện, thành, thị, chạy nội dung hướng dẫn trên bảng điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh... Tuy nhiên, sau 1 tuần triển khai đến nay chưa có trường hợp nào nộp hồ sơ trực tuyến thành công.

Người dân đến đổi GPLX tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đ.C

Người dân đến đổi GPLX tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đ.C

Lý giải về vấn đề này, theo ông Trần Anh Tuấn: Trên thực tế, GPLX hạng B1, B2 hiện nay 10 năm mới phải đổi 1 lần kể từ ngày cấp; hạng C, D, E, F hiện 5 năm mới đổi 1 lần kể từ ngày cấp; B1 tự động đến 60 tuổi mới phải đổi. Hiện nay, thủ tục đổi GPLX rất đơn giản, sau 3 ngày là có GPLX mới. Nếu đăng ký chuyển phát qua bưu điện thì người dân chỉ cần ngồi nhà là nhận được. Theo đó, tại Nghệ An, 1 năm trung bình cấp đổi khoảng 2.000 trường hợp.

Trong khi, việc đổi Giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 14/11, ngoài việc đây là hình thức mới người dân chưa kịp tiếp cận, hiện vẫn còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế. Bởi vậy, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử phục vụ đổi GPLX, người dân phải khám sức khỏe tại cơ sở y tế, sau đó, đến UBND cấp xã, phường chứng thực điện tử. Việc này phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế. Mặt khác, dữ liệu GPLX bị tước quyền sử dụng của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chưa đầy đủ, khiến cán bộ nghiệp vụ ngành Giao thông phải tra cứu thêm trên nhiều phần mềm khi kiểm tra hồ sơ của lái xe…

Người dân chụp ảnh làm cấp đổi Giấy phép lái xe tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đ.C

Người dân chụp ảnh làm cấp đổi Giấy phép lái xe tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đ.C

Như vậy, có thể thấy, việc đổi Giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 14/11 trên phạm vi toàn quốc là chủ trương đúng theo lộ trình xây dựng chính quyền số cũng như tạo thuận lợi, giảm thời gian, công sức đi lại cho người dân. Tuy nhiên, để đẩy mạnh tỷ lệ GPLX được cấp đổi thành công qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia mức độ 4, theo ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, cần có sự kết nối đồng bộ về cơ sở dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và dữ liệu về xử lý vi phạm giao thông của Cục CSGT. Có như vậy, việc cấp đổi GPLX mới thực sự đơn giản, tiện lợi.

Đồng thời, cùng với việc nâng cấp phần mềm Cổng Dịch vụ công Quốc gia để người dân dễ thao tác hơn khi đổi GPLX, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, tiếp cận và thực hiện, bởi thực tế đây là bước tiến trong cải cách hành chính, tạo điều kiện rất lớn trong rút gọn thời gian, công sức đi lại của người dân, nhất là các địa phương xa trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh./.

Tin mới