Nhiều vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính

(Baonghean) - Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, và đến nay đã hơn 3 năm thực hiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước cũng như trong các lĩnh vực của đời sống.

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra chất lượng phân bón tại Nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra chất lượng phân bón tại Nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An.

Vướng từ thể chế…

Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được chú trọng thực hiện. Điều đó tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.

Thống kê cho thấy, các hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính phổ biến là: lĩnh vực thương mại, lĩnh vực giao thông đường bộ, an toàn thực phẩm, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; trốn thuế…

Mặc dù nhiều hình thức vi phạm cần xử phạt hành chính như vậy, nhưng một số quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ không quy định việc giao quyền của cấp trưởng cho cấp phó đối với việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính, khám phương tiện vận tải đồ theo thủ tục hành chính, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính dẫn đến thực tế nhiều vụ việc không tiến hành xử lý được do không có sự tham gia của cấp trưởng.

Theo ông Võ Quang Lân - Trưởng phòng nghiệp vụ (Chi cục QLTT tỉnh) cho rằng, khi gặp trường hợp vi phạm thì muốn khám phương tiện phải có cấp trưởng mới tiến hành khám được. Song, không phải khi nào cấp trưởng cũng có mặt, những lúc đi vắng, đi họp hay nghỉ phép thì anh cấp phó không được quyền và có thể dẫn đến việc khó khăn trong việc khám phương tiện. 

Khoản 1, Điều 126, Luật Xử lý VPHC quy định: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước”.

Quy định này hiện còn gây lúng túng, khó khăn khi áp dụng trên thực tế do Nghị định 81/2013/NĐ-CP và các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể chưa quy định, hướng dẫn chi tiết trình tự, áp dụng đối với biện pháp này, luật cũng không quy định hình thức này là hình thức xử phạt hay biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời thực tiễn các phương tiện vận tải hầu hết có giá trị lớn, người lái xe đa số là làm thuê, thu nhập thấp nên không có khoản tiền tương đương để nộp.

Theo đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh thì quy định mức phạt đối với một số hành vi cao hơn giá trị phương tiện bị tạm giữ nên người vi phạm không đến xử lý... nên nhiều người vi phạm đã không đến chấp hành quyết định xử phạt mà đi làm thủ tục cấp lại các loại giấy tờ bị tạm giữ...

Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón của Nhà máy sản xuất phân bón và dịch vụ nông nghiệp (Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An) để kiểm định chất lượng.
Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón của Nhà máy sản xuất phân bón và dịch vụ nông nghiệp (Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An) để kiểm định chất lượng.

… đến thực hiện

Theo ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Kiểm tra xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), thì bên cạnh những vướng mắc từ thể chế, trong quá trình thực hiện luật còn xuất hiện nhiều vướng mắc khác.

Một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo thi hành luật đó là vấn đề kinh phí và các nguồn lực về con người và cơ sở vật chất, kỹ thuật. Song hiện các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ như giám định, kiểm định, phân tích còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính chính xác, nhanh chóng dẫn đến khó khăn trong việc giám định, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính.

Ngoài ra, việc xử lý VPHC ở các ngành liên quan đến ATVSTP, môi trường, kinh tế còn nhiều bất cập… Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ hạn chế thẩm quyền xử phạt VPHC của lực lượng công an đối với một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng có những quy định khiến công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường của lực lượng công an giảm hiệu quả. Để xác định các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chất độc hại thì bắt buộc lực lượng chức năng phải lấy mẫu đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, thời gian gửi mẫu đi kiểm nghiệm thường mất từ 10-15 ngày đã làm cho việc xử phạt khó khăn. 

Theo Đại tá Trần Hữu Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh thì nhiều khi anh em kiểm tra thấy rất bẩn, hôi thối nhưng bắt buộc phải kiểm nghiệm mới có thể xử lý; trong thời gian đó, phải để sản phẩm lưu hành ra thị trường. Và dù kết quả có thế nào thì người tiêu dùng chịu ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe nếu ăn phải những thực phẩm này.

Theo ý kiến của Sở Tư pháp, việc tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính tại các Phòng Tư pháp cấp huyện còn chưa đáp ứng được hết yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Số lượng biên chế từ 3 - 5 người, thực hiện trên 26 nhiệm vụ chuyên môn, do đó việc phân công cán bộ chuyên trách tập trung nhiều thời gian, chuyên sâu nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính là điều khó thực hiện. Cán bộ làm công tác xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã còn thiếu và yếu, khối lượng công việc nhiều nên công tác này thực hiện chưa có hiệu quả cao.Lực lượng cán bộ pháp chế tại các sở, ban, ngành còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều nội dung công việc nên chưa có sự đầu tư đúng mức, hiệu quả công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. 

CSGT Công an TX Cửa Lò lập biên bản người vi phạm giao thông
CSGT Công an TX Cửa Lò lập biên bản xử phạt người vi phạm giao thông.

Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, để công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đạt hiệu quả, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện thể chế về xử lý VPHC, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai thi hành luật để công tác xử lý VPHC đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành có liên quan cần tổ chức tập huấn chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính, tập trung nghiên cứu, trao đổi và đề xuất những phương án hiệu quả nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương.

Trước những vướng mắc trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An đã tổng hợp và gửi các vướng mắc, bất cập và đề xuất các hướng giải quyết.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới