Nhìn lại 21 cuộc đình công và vai trò công đoàn cơ sở ở Nghệ An

(Baonghean) - Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 21 cuộc đình công và hàng loạt vụ tranh chấp lao động. Qua đó cho thấy, vai trò tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp còn mờ nhạt và tồn tại nhiều bất cập. Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang đầu tư vào Nghệ An có yếu tố nước ngoài thì việc đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn là điều cần thiết.

Đầu tháng 10/2016, gần 3.000 công nhân Công ty Matrix Vinh đóng tại Khu công nghiệp Bắc Vinh đồng loạt nghỉ việc. Họ yêu cầu công ty này giải quyết các quyền lợi lao động liên quan như thời gian làm việc căng thẳng, tiền ăn trưa quá thấp, thời gian nghỉ trưa ít, nhà vệ sinh không đảm bảo... Động thái này của hàng nghìn công nhân buộc công ty phải ngừng hoạt động. Sự việc kéo dài, nhưng giữa công ty và người lao động vẫn không “tìm được tiếng nói chung”.

Hai ngày sau, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường có mặt tại công ty, yêu cầu các ban, ngành, Khu kinh tế Đông Nam và công ty tổ chức đối thoại với công nhân để giải quyết các quyền lợi chính đáng, đảm bảo công ty hoạt động ổn định trở lại.

Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, một cuộc đối thoại giữa công ty và người lao động được tổ chức. Trong cuộc đối thoại này, lãnh đạo Công ty Matrix Vinh hứa sẽ khắc phục đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ cho công nhân, tăng mức hỗ trợ tiền ăn bữa trưa từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/suất, lắp thêm máy bấm thẻ tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân chấm thẻ 4 lần/ngày.

Ngoài ra, phía công ty cũng xem xét nâng mức lương thâm niên; chấn chỉnh lại việc các tổ trưởng chửi bới công nhân... Lúc này, gần 3.000 công nhân mới đồng ý quay trở lại làm việc.

Đời sống công nhân ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu
Đời sống công nhân ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ

Đây chỉ là 1 trong 21 cuộc đình công xảy ra trên địa bàn Nghệ An từ năm 2010 đến nay. Tranh chấp lao động tập thể và đình công đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Các cuộc đình công ngày càng phức tạp về nội dung tranh chấp, thời gian giải quyết và số người tham gia tác động xấu đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong khi đó, vai trò của công đoàn các cấp lại quá mờ nhạt và còn nhiều bất cập.

“Các cuộc đình công đều không đúng trình tự pháp luật, công đoàn cơ sở thậm chí không biết khi nào sẽ xảy ra đình công. Điều này chứng minh, công đoàn cơ sở chưa nắm bắt được những mong muốn, suy nghĩ của người lao động để chuyển tải đến chủ doanh nghiệp; chưa thực sự quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động”, ông Nguyễn Chí Công - Trưởng ban Chính sách - pháp luật, Liên đoàn Lao động Nghệ An thừa nhận. 

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 16.000 doanh nghiệp với khoảng 70.000 công nhân. Tuy nhiên, qua số liệu cập nhật của Cục Thuế Nghệ An, hiện chỉ có chưa đầy 10.000 doanh nghiệp được quản lý, trong đó có 32 doanh nghiệp nhà nước, 45 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gần 5.000 công ty TNHH, 4.000 công ty cổ phần... Đáng nói, trong số này mới chỉ có hơn 450 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt khi có tranh chấp xảy ra.

Thực trạng chung hiện nay, đời sống công nhân ở Nghệ An vẫn còn nhiều vất vả, tiền lương và thu nhập thấp; điều kiện làm việc chưa đạt yêu cầu...

Theo ông Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An, phần lớn các doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động ngang bằng với mức lương tối thiểu vùng. Đa số doanh nghiệp vẫn còn xem nhẹ an toàn vệ sinh lao động. Rất ít doanh nghiệp thực hiện đối thoại với người lao động định kỳ 3 tháng/ lần theo đúng quy định, những lợi ích của công nhân chưa được đáp ứng nên luôn ẩn chứa nguy cơ xảy ra xung đột, tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng, dẫn đến các cuộc đình công. 

Nói về những hạn chế của hoạt động công đoàn, ông Nguyễn Chí Công thừa nhận, cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp không dám và không thể bảo vệ được người lao động. Trong khi đó, cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở số lượng còn ít và cũng thiếu quan tâm thường xuyên.

Luật Lao động, Luật Công đoàn đang giao cho cán bộ công đoàn cơ sở - những người thực chất cũng đang làm thuê cho chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, bản thân họ không có kỹ năng, kiến thức, thời gian và bản lĩnh để thực hiện quyền này.

“Trên thực tế, chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động cả về thời gian và kinh phí. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn lại còn quá ít. Trong khi đó, người lao động cũng chưa thực sự tin tưởng và gửi gắm niềm tin vào tổ chức công đoàn. Thời gian tới, vai trò của công đoàn cơ sở vẫn sẽ khó phát huy vì tính phụ thuộc của cán bộ công đoàn với doanh nghiệp thông qua việc làm, thu nhập, lợi ích cá nhân của bản thân họ”, ông Công cho biết thêm. 

Gần 3.000 công nhân ở Công ty Matrix Vinh đình công vào tháng 10/2016.Ảnh tư liệu
Gần 3.000 công nhân ở Công ty Matrix Vinh đình công vào tháng 10/2016. Ảnh tư liệu

Để giải quyết những hạn chế này, mới đây UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Nghệ An trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tại hội thảo này, các đại biểu cho rằng, trước mắt Nghệ An cần đẩy mạnh việc thành lập tổ chức công đoàn, để công đoàn cơ sở có mặt và thực hiện chức năng của mình ở mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ; đồng thời, đẩy mạnh đối thoại nhằm tháo gỡ những vướng mắc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Công đoàn Nghệ An cũng cần phải chuyển từ bảo vệ thụ động qua bảo vệ chủ động bằng việc tập trung nhân lực để đàm phán, thương lượng với chủ doanh nghiệp để xây dựng “hàng rào kỹ thuật” tại doanh nghiệp như thỏa ước lao động tập thể, nội quy, định mức lao động, bảng lương... để bảo vệ công nhân từ xa.

Ngoài ra, phải xóa bỏ việc hành chính hóa trong hoạt động công đoàn. Các hoạt động giao lưu, gặp mặt, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động cần tiến hành ở khu nhà trọ, ngoài giờ làm việc; tăng cường các hoạt động xã hội, tổ chức cho đoàn viên công đoàn được vui chơi, giải trí sau giờ làm...

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới