Nhịp đời một góc phố

(Baonghean) - Đó chỉ là một mảnh đất con con chưa tới 10m2. Ấy thế mà nó là nơi mưu sinh của 5 gia đình với mấy chục con người. Chẳng mấy khi tôi thấy mảnh đất hẹp ấy được nghỉ ngơi, dường như nó cũng quay quắt với nhịp mưu sinh của phận người...

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Mảnh đất mà tôi muốn nói đến nằm trên một góc phố thuộc đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh). Hồi tôi còn làm việc ở một cơ quan gần đó buổi sáng vẫn thường đến đây ăn sáng. Chẳng phải sơn hào, hải vị gì, chúng tôi thường chọn món xôi cho bữa sáng của mình. Nói như mấy anh bạn đồng nghiệp thì trong bảng thực đơn phố xá, xôi vẫn là thức món “thời thượng” nhất vì nó giúp thực khách yên tâm về khoản vệ sinh an toàn thực phẩm, lại vừa chắc bụng, no lâu.

Hàng xôi chúng tôi thường lui tới được bày đặt ngay trên mảnh đất non 10m2 mà tôi nói ở trên. Thực ra ở đây có tới 2 hàng xôi được ngăn chia bằng một tấm bạt mỏng. Và cũng chỉ có 1 trong 2 hàng xôi được tôi lựa chọn cho bữa sáng giản tiện của mình. Đó là hàng xôi của vợ chồng bà Nguyên. Xôi của người phụ nữ gần 70 tuổi này dẻo rền nhưng không bết, mùi gạo nếp thơm đượm. Chính vì vậy so với hàng quán bên cạnh, bà Nguyên luôn đông khách và xôi bán rất chạy, 6 giờ sáng bà bày hàng thì chưa đầy 8 giờ đã đẩy xe về. 

Ngã 5, nơi có đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh). 	Ảnh: Đức Anh
Ngã 5, nơi có đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh). Ảnh: Đức Anh

Nói thêm về người phụ nữ này, bà quê ở xã Diễn Phong (Diễn Châu), từng là nhân viên cấp dưỡng của một cơ quan nhà nước hồi bao cấp. Nghỉ việc không mà có chế độ, bà chạy quanh quất mưu sinh, rồi rổ rá cạp lại với ông khi tuổi đã khá cao. Hai vợ chồng có thêm đứa con chung, là con gái. Lúc con bé hơn 10 tuổi cũng là khi ông bà quyết định tìm đến mảnh đất nhỏ nơi góc đường để bán xôi kiếm sống. Được cái cô con gái học giỏi, nay đã tốt nghiệp đại học. Tôi cũng đã được gặp con gái “rượu” của ông bà, đó là cô bé có  gương mặt phúc hậu, tính trầm dịu dàng và nụ cười rất duyên.

Trước đây đôi lần cô bé đến giúp bố mẹ dọn hàng, bưng bê nhưng thường thì bà Nguyên không muốn con gái đến đó. Như cách nói của bà: “Ra đây mần chi, xã hội lắm điều phức tạp,  bố mẹ chịu là được rồi, nó lo việc ở nhà, rồi còn học hành…”. Thế rồi từ gánh xôi sáng kinh tế gia đình bà Nguyên cũng vững hơn, vào những ngày Rằm, mùng Một bà còn tranh thủ đi chùa rồi góp chút ít làm từ thiện cho những người thiếu may mắn hơn mình.

Nhưng đâu chỉ có mỗi gia đình bà Nguyên và hàng xôi bên cạnh mưu sinh trên thẻo đất ấy. Sau 8 giờ sáng, lại có bà hàng nước đẩy xe đến đó. Tất cả hàng hóa, bánh kẹo, thuốc nước… và đủ thứ toòng teng nằm gọn gẽ trên chiếc xe đẩy. Bà chủ quán rất khó đoán tuổi, nom khắc khổ và có vẻ hơi kỹ tính. Khách của bà hàng nước thường là mấy ông xe lai, xích lô hành nghề loanh quanh trong khu vực. Ngoài ra còn có đám thanh niên là nhân viên của các công ty, doanh nghiệp gần đó tranh thủ chạy đến hút điếu thuốc, uống bát nước chát, ăn cái kẹo lạc. 

Và điều đặc biệt, tại đây không chỉ có mỗi quán của bà cụ, ngay cạnh thẻo đất lại có thêm một hàng nước nữa mà chủ nhân là một cựu chiến binh. Đó là ông Mận. Thực ra gia đình ông chẳng cần tiền đến mức phải mở hàng nước. Ông bà đều có lương hưu, 3 đứa con gồm 1 trai, 2 gái đều đã yên bề gia thất, 2 cô con gái lại làm trong cơ quan Nhà nước. “Chẳng qua cũng tìm niềm vui, hàng ngày ra đây để nhìn mọi người, nhìn cuộc sống để đỡ thấy buồn chân buồn tay” - là ông cụ nói thế. Ít ai biết rằng, ông Mận từng tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972, thời điểm khốc liệt nhất của Chiến dịch Quảng Trị giai đoạn chống đế quốc Mỹ.

Ông Mận từng kể với tôi: Khi bơi qua sông Thạch Hãn để vào thành cổ ban đêm, chỉ huy chỉ gọi tên, số hiệu rồi soi đèn quả nhót lên mặt để nhận biết, nhiều người còn chưa kịp quen mặt thì đã hy sinh. Ác liệt vô cùng, có khi vào 10 người thì hy sinh cả 10. Vậy nên, ông không muốn phí hoài cuộc sống của mình khi trở về đời thường từ chiến trận. Đó là cách ông lý giải cho việc mở cái quán nước để được đãi giao với đời, để có ích hơn cho gia đình và mọi người. 

Chỉ một mảnh đất nhỏ nhưng có sự hội tụ, mưu sinh của nhiều người.Ảnh: Đức Anh
Chỉ một mảnh đất nhỏ nhưng có sự hội tụ, mưu sinh của nhiều người. Ảnh: Đức Anh

Chiều muộn, khi ông Mận thu bàn ghế, đưa hàng quán về nhà trong con ngõ phía bên kia đường cũng là lúc mấy cô hàng chè bày dọn những nồi to, nồi nhỏ, cốc chén để bắt đầu một ngày làm việc. Khách hàng chủ yếu là lũ trẻ nên hàng chè cũng được sắp bày, trang trí bắt mắt và “hiện đại” hơn.

Biển bảng được lồng bóng điện với những tạo hình diêm dúa. Trên đó chữ được in: chè thập cẩm, đậu xanh, đậu đen, chè bưởi… Hàng chè này có nhiều thức món phục vụ nhu cầu ăn vặt của giới trẻ, nhưng dường như được biết tiếng nhiều hơn cả là món chè bưởi. Đêm đến nhiều đôi uyên ương và cả đám tuổi teen dập dìu đến ăn chè bưởi. Quán chè thậm chí còn được giới trẻ đánh giá là ngon nhất Vinh! Khách vào quán, sau khi ăn chè còn được uống nước có lá cơm nếp.

Tại quán nhỏ luôn có 3 - 4 người phục vụ. Đó là những người trẻ luôn tỏ ra nhanh nhẹn và biết việc. Tuy vậy, họ cũng chỉ là người làm thuê cho một bà chủ ở phường Lê Mao. Quán chè đã có mặt ở đó được trên dưới 15 năm và có lẽ sẽ còn tồn tại lâu. Nghe đâu nhờ cái quán chè nhỏ trên thẻo đất hẹp ấy, chủ quán đã xây được nhà cao tầng, mua được ô tô. Nếu đúng thì đây quả là mảnh đất đẻ ra tiền. 

Có một người chẳng có nghề gì để bày biện trên thẻo đất nhưng vẫn kiếm tiền đều đặn hàng tháng. Đó là ông xe ôm nhà gần đấy. Số là thẻo đất này trước kia ông ta có láng xi măng với mục đích cho vợ ra bán hàng, nhưng sau lại không làm gì cả. Lấy lý do là mình đã đầu tư làm nền nên hàng tháng ông xe lai vẫn quyết thu tiền của những người bán hàng, kinh doanh trên đó. Biết là không phải nhưng thôi thì cùng sẻ chia, những người như bà Nguyên cũng vui vẻ góp cho ông lão ít chục gọi là…

Chuyển đến cơ quan mới, trái đường, ngược nẻo nên ít khi tôi có dịp trở lại ăn xôi sáng của bà Nguyên. Họa hoằn những ngày nghỉ mới phóng xe máy đến mua mấy suất xôi đưa về cho người nhà ăn sáng. Vẫn vậy, xôi của bà Nguyên rất rền và thơm. Dạo này bà còn có thêm bánh mướt. Bà độ này đã già hơn nhưng vẫn rất nhanh nhẹn và cái tính cởi mở vẫn khiến cho mọi người cảm thấy vui vẻ. Những lần tôi mua xôi không nhận lại chút tiền thừa, bà Nguyên vẫn nắm chặt lấy tay tôi mà nói: “A di đà phật! Cảm ơn con. O lấy tiền này góp làm từ thiện cho người nghèo”./. 

Quốc Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới