Nhịp phố trước bình minh

(Baonghean) - Vinh, những năm 90 phát triển phong trào hoạt động đoàn khối vào mỗi mùa hè. Buổi sáng khi mặt trời chưa mở mắt, đã có những người phụ trách qua lại thổi còi giục các ông bà già, thiếu nhi đi thể dục. Chẳng ai thấy phiền về điều ấy.

Nhưng rồi theo thời gian, chẳng cần tiếng còi báo thức khắp ngõ khắp đường, những người thích dậy trước bình minh tự để chuông điện thoại báo thức. Thậm chí rồi cũng chẳng cần tới báo thức, khi đã thành một thói quen, cứ tới giờ cần dậy là tỉnh như sáo.

* * * * * 

Tôi thích nhìn những người phụ nữ trong khu phố tuổi ngoại ngũ tuần, lục tuần, mặc đồ bộ, hồ hởi rủ nhau đi bộ mỗi sáng. Các dì, các bác khiến tôi thường phải nhìn theo từng dáng đi, từng gương mặt, chỉ để tìm xem có nét nào đó hao hao mẹ mình ngày nào vẫn đi thể dục cùng bạn bè. Đôi khi vài người thân quen trong họ nhìn thấy tôi, lại hồ hởi hỏi han như một đứa con cháu đã lâu không gặp, lại nhắc chuyện mẹ vẫn sẻ chia mỗi khi đi bộ cùng. Người Vinh tính cởi mở nên đi bộ dĩ nhiên chẳng phải chỉ… để đi bộ. Họ sẻ chia nhau những niềm vui, nỗi buồn theo từng bước chân, quãng đường. Mẹ vẫn kể, mẹ thường đi với những người có con đi học xa nhà, lấy chồng xa nhà. Mẹ “cố ý” chọn những người gần giống hoàn cảnh mình để song hành. Những người phụ nữ cùng cảnh ngộ dễ chia sẻ với nhau hơn. Họ có thể chia sẻ niềm vui người này cho người kia và cảm giác hạnh phúc đầy đặn hơn sau mỗi sáng mai dậy sớm thể dục.

Các chị nhân công thu dọn vệ sinh buổi sáng tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh). Ảnh: Sách Nguyễn
Các chị nhân công thu dọn vệ sinh buổi sáng tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh). Ảnh: Sách Nguyễn

Tôi thích tưởng tượng, đoán chừng những câu chuyện phía sau một hành động lãng mạn nào đó khi mình bắt gặp trong lúc đi bộ buổi sáng. Ví như hình ảnh cụ bà cầm bó hoa đi bên cạnh cụ ông, họ như một giai điệu thật đẹp dành riêng cho thành phố ban mai. Họ nói với nhau những điều gì đó hẳn nhiên rất đỗi dễ chịu, ngọt ngào bởi cả hai cùng giữ vẻ mặt đầy tươi tắn. Chỉ vẻ tươi tắn ấy thôi cũng đủ sáng bừng một góc nhỏ phố Vinh, buổi trời còn nhập nhoạng đêm chuyển sang ngày. Dĩ nhiên hầu hết các bác, các cụ tôi gặp trong cảnh tương tự như vậy, tôi chẳng quen biết, nhưng sẽ thấy thú vị khi nghĩ ra vài tình huống thật ngọt về họ. Có thể là sinh nhật của cụ bà, cụ ông đã ra chợ thật sớm để mua bó hoa bó vội. Có thể là ngày đặc biệt ngọt ngào của họ… Và hết thảy, sau những tình huống ấy, những kẻ “hậu sinh” như tôi sẽ tự hỏi, tới tuổi ấy, mình có giữ được vẻ bình an, tươi tắn trong nụ cười, vẻ ấm áp trong ánh mắt, khuôn mặt như họ không. 

Cô bạn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, gốc Nghệ, có dịp ra công tác thành Vinh trúng ngay mùa hè đêm... mất điện. Bạn ghé nhà tôi ở. Cả ngày đi làm mệt, đêm nằm ngủ mê man cho tới gần sáng bị đánh thức bởi một cơn mưa rào nhẹ đi qua phố. Cơn mưa vội đến vội đi, chẳng đủ xua tan những oi nồng tháng 6. Bạn đã quen với những mưa gió hào phóng phương Nam, chịu không thể ngủ được với tiết trời mùa hè đất Nghệ, đành theo bố và các cụ quanh nhà đi bộ thể dục lòng vòng gần nhà hóng mát. Bạn bất ngờ khi thấy cảnh nhộn nhịp các ông các bà đi tập thể dục. Gió mát rượi. Và cả những tiếng chim đánh thức ban mai liệng chao bên vòm cổng thành Vinh, trong vòm những cây cổ thụ xanh um. Tiếng chim nhiều tới mức khiến bạn giật mình nghĩ đó là lần đầu tiên bạn được chim chóc đãi mình bằng bản hòa ca ban sáng tuyệt vời đến dường ấy. Điều kỳ lạ là bản hòa âm thiên nhiên ấy lại xuất hiện trong lòng phố. Phố bạn ở chẳng bao giờ được thiên nhiên hào phóng quà tặng như vậy.

Hai bác cháu lòng vòng dạo mát một lúc, ghé quán cháo canh cổng thành ăn sáng. Chỉ là món ăn dân dã quen thuộc của dân Vinh mà với người khách lạ trong không khí ấy lại đáng nhớ bất ngờ. Mà chẳng cứ là khách lạ. Người ở Vinh quen thân với những điều bình dị như thế, đi xa có khi thức dậy trước trời sáng, lại ước ao giá mà mình đang ở nhà, đi bộ vài phút ra cổng thành, ăn tô cháo canh buổi sáng thơm phức mùi bột gạo nấu chung nước ninh xương ngọt lịm, hoặc ăn tô cháo lươn cay xé miệng với bánh mì vừa ra khỏi lò nướng và nghe chim reo đâu đó trong vòm lá loanh quanh sân bóng, bên cổng thành. Thèm đơn giản vậy thôi mà đâu được, chỉ nghe tiếng còi tàu hụ bên sông Sài Gòn xa xa vọng lại...

* * * * *

Bên cạnh những người dậy sớm thể dục thì những người lao động cũng dậy sớm trước bình minh. Bố tôi vẫn bị đám con cháu gọi đùa là nông dân thành phố khi giữ thói quen thức dậy khi trời mờ sáng. Ông mở toang cánh cửa đón những cơn gió mát lành len nhẹ vào nhà, châm một ấm trà, ăn lót dạ buổi sáng rồi hì hụi kéo xe xích lô ra chuẩn bị một ngày làm việc. Công việc bố gắn bó hàng chục năm nay là chở than tổ ong từ xưởng than từ Đông Vĩnh về Quang Trung, rong ruổi bán cho từng khách mua sỉ, mua lẻ.

Đi làm sớm có gì vui không? Vui chứ. Từ 5 giờ sáng tới hơn 6 giờ sáng bố đã kịp đi một vòng chở than từ Đông Vĩnh về Quang Trung, kịp đưa cho dăm ba người khách quen. Biết con gái là đứa thích hoa, bố kể về những con đường hoa phượng, bằng lăng lung linh đã bung nở những đóa đầu mùa trong những tia nắng đầu ngày. Bố kể về những ngả đường thành phố trong veo như chưa hề biết bụi. Vinh đẹp nhất là buổi sáng bình minh. Khi dăm ba tiếng gà lạc giữa phố từ đâu đó cất lên, những người lao động chăm chỉ như bố đã bắt đầu công việc của mình, cùng đánh thức những ngả đường thành phố.

Chú Châu nhà đối diện nhà tôi lại có thói quen dậy sớm kéo một bàn, một ghế, một ấm trà ra sân, phụ vợ chuẩn bị bán bánh mướt cho khách ăn sáng. Chú bị tật ở chân, ngồi một nơi lau bát đũa, soạn sửa đồ đoàn rất nhanh và khéo tay. Chú có thói quen mở đĩa nhạc xưa thật là xưa vào mỗi sáng sớm, giọng Khánh Ly, Sơn Tuyền của những ngày hai mươi thở than, chan chứa. Tiếng nhạc nhỏ nhỏ vừa nghe, chẳng khiến hàng xóm bực mình. Tôi thường nhìn từ cửa sổ trên căn gác nhỏ, ngó về phía hàng bánh mướt sáng của vợ chồng chú Châu, nghe tiếng hát của một thời trôi theo bảng lảng khói mềm từ bếp lửa nhen sớm của vợ chồng chú.

Người thợ sửa khóa đọc báo bên cạnh Hồ Goong. 	Ảnh: Sách Nguyễn
Người thợ sửa khóa đọc báo bên cạnh Hồ Goong. Ảnh: Sách Nguyễn

Con đường nhỏ nhà tôi ở dẫn về một góc chợ Vinh. Nhà đầu đường, chợ cuối đường. Đường nhỏ nên buổi sáng đứng từ lan can nhìn về phía cuối đường thấy rõ những bà, những chị đi chợ sớm, chân tay thoăn thoắt dọn hàng trong sương mỏng. Đứng từ lan can cũng thấy lồng ngực mình như thể căng ra vì hương hoa nhài đêm qua còn sót lại, hương hoa hồng bên lan can nhà hàng xóm cũng len nhẹ qua, và cây chanh mẹ trồng trong chiếc bể nước cũ bị thủng dạo nào vừa bói quả, vừa ra hoa cũng đua đòi tỏa hương ngan ngát. Từ rất sớm, chú hàng xóm cũng bắt vòi nước tắm mát cho mấy cây xoài đang mùa trĩu quả, giảm nhiệt một ngày nắng hạ oi nồng. 

Tôi không còn là cô nhỏ ngày xưa, thức dậy trước bình minh khi gần mùa thi vẫn dậy sớm học bài, tình cờ nghe tiếng húng hắng ho của chú Châu hay tiếng cười nói khe khẽ của cô vợ bán hàng bánh mướt xen trong tiếng nhạc quen mỗi sáng. Lọt cả vào tai những bước chân đi bộ, trộn dăm ba tiếng gà phố, tiếng người đi bán chợ Vinh xa xa đổ hàng về… Những âm thanh quen thuộc ấy trở thành một phần nhỏ trong hồn phố mỗi sáng, lắng lại sau bao năm. Đôi khi trở mình dậy sớm, lúi húi bật máy tính viết bài, tôi lại nhớ tới những người lao động bình dị phố Vinh, lại mở những điệu nhạc xa xưa cũ kỹ, để thấy hứng khởi hơn trong ngày mới.

* * * * *

Bố tôi hay trêu con gái, những lúc con nằm ngủ nướng rằng: “Đời người có một gang tay/ Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang”. Khái niệm “ngủ ngày” của bố tôi là ngủ khi đã ban ngày ban mặt, sáng trắng. Mà quả thực, nhịp sống của phố, cuộc sống của mình đầy dễ chịu, ý nghĩa hơn, nhất là vào những ngày nắng hạ, thức dậy đón bình minh. 

Võ Thu Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới