Nhớ mùa đốt đèn hạt bưởi

(Baonghean) - Tôi bất chợt nhìn thấy dì Thanh vào giữa buổi trưa oi nồng khi tôi bước ra từ quán nhậu. Thoạt tiên tôi thấy một người đàn bà với tấm lưng mảnh dẻ đang lom khom bên hè của nhà hàng và đang cố gom những vỏ lon bia, chai nhựa rải rác trước mặt. Để dắt chiếc xe của mình, tôi đã dùng chân hẩy cái bì tải đặt bên cạnh. Không may, hành động này của tôi khiến cái bì đổ nghiêng, nhiều vỏ lon tràn ra giữa hè phố. Lúc này người đàn bà giật mình ngước mắt lên. Tôi chột dạ: Dì Thanh?

Một góc thành cổ Vinh. Ảnh: Lê Thắng
Một góc thành cổ Vinh. Ảnh: Lê Thắng

Nhưng dường như trên gương mặt già nua đã đầy những nếp nhăn của dì Thanh không có biểu hiện nào cho thấy dì nhận ra người quen cũ, cho dù tôi đã vội ngồi xuống nhặt giúp những thứ đồng nát vừa rơi ra. Và khi dì đẩy chiếc xe đạp cũ kỹ rời đi cùng với lỉnh kỉnh chai lọ, giấy vụn, bìa các - tông, tôi còn chợt nhìn thấy trên chiếc ghi đông xe treo ngúc ngoắc những cái vỏ bưởi được gọt khoanh tròn đã khô úa. Kỷ niệm ở đâu bỗng dưng ùa về.

Ngày ấy, thành Vinh nghèo lắm. Cái nghèo của một đô thị vốn đã nhỏ bé lại còn bị tàn phá bởi những năm tháng chiến tranh. Trong trí nhớ của tôi, thành Vinh luôn hiện lên bụi bặm và lam lũ. Những khu nhà tập thể thấp lè tè, những con đường mảnh như sợi chỉ mỗi khi có xe ngựa chạy qua lại cuốn lên cái mùi ngai ngái. Thế rồi từ nhiều vùng quê rất nhiều thanh niên lũ lượt đến Vinh. Rất đông trong số đó là những nông dân tìm đến Vinh và mang trọng trách tái thiết thành phố từ đống gạch vỡ do chiến tranh. 

Dì Thanh mà một trong những người như thế. Dì là cô thôn nữ của vùng đất Thanh Chương. Khi đến Vinh, dì hãy còn trẻ lắm, mới độ ngoài 20 tuổi. Và ngày ấy, gần như tất thảy những đàn ông, con trai trong cơ quan mẹ tôi đều để ý, đều mê dì. Bởi vì dì Thanh rất xinh xắn. Hiếm có cô công nhân nào mà lại có nước da trắng,vóc người thon cao, mái tóc đen mượt ngang hông. Dì cũng là người chăm chỉ, hồn nhiên, hiền hậu.

Những chú công nhân chưa vợ làm cùng công ty với mẹ tôi dường như luôn có một cuộc cạnh tranh ngầm để nhận được sự để ý của dì Thanh. Tôi không biết trong số cả chục nam nhân “trồng cây si” trước căn phòng tập thể chật chội của dì, dì ưng ai, vừa lòng với ai, điều mà tôi biết là dì rất thân với mẹ và chị em tôi. Chính vì thế dì Thanh hay qua nhà tôi chơi.

Những đứa trẻ TP. Vinh chơi thổi bong bóng. Ảnh: Lê Thắng
Những đứa trẻ TP. Vinh chơi thổi bong bóng. Ảnh: Lê Thắng

Dì bày cho các chị tôi thả bồ kết vào chậu nước lạnh rồi đem hong giữa trưa hè để gội đầu, tìm lá sả, hương nhu, hoa bưởi để ướp tóc. Và với tôi, ngay từ đầu đã được dì bày cách dùng hạt bưởi để làm đèn đốt trong đêm Trung thu. Cách làm thật đơn giản, đó là đi tìm nhặt hạt bưởi, bóc lấy vỏ ngoài rồi dùng dây thép xâu ruột của chúng thành chuỗi sau đó mang phơi nắng, nếu không có nắng thì hong trên bếp cho khô đợi đến Rằm Trung thu sẽ đốt đèn. 

Lúc bấy giờ, chúng tôi sống trong những gian tập thể chật hẹp, và chỉ cần bước ra khỏi căn phòng là có thể vấp chân ngã vào những đống cát, hay bươu đầu vì rất nhiều gạch ngói vỡ chất thành khối trong khuôn viên của đơn vị xây lắp. Hàng ngày khi người lớn đi làm tại các công trường trong thành phố thì lũ trẻ chúng tôi luẩn quẩn chơi bên vũng nước tù đọng hay nghịch cát hàng giờ dưới nắng. Từ khi được dì Thanh bày cho làm đèn Trung thu, lũ trai nít có một niềm vui mới là lùng sục, nhặt hạt bưởi người ta đã bỏ đi. 

Thường thì hạt bưởi rất khó kiếm trong khu chúng tôi ở, bởi vì hầu như nhà nào cũng có trẻ con cùng độ tuổi với tôi. Chúng cũng làm đèn. Vậy nên chúng tôi phải tha thẩn tìm tận ngoài đường, nhiều đứa theo mẹ ra chợ nhặt. Tôi luôn may mắn hơn lũ bạn trong trò nhặt hạt bưởi làm đèn. Cứ vào độ cuối mùa Hè, thể nào ông bà tôi cũng từ mảnh đất chợ Lường xuống Vinh thăm con cháu, và quà quê ngoài những khoai, lạc, nếp, đậu còn có chục quả bưởi hái trong vườn nhà.

Mỗi lần nhìn thấy người chị con bác cùng bà nội bước ra từ bến xe Vinh trên cổ đeo một xâu bưởi trông như chiếc phao bơi tôi hoan hỷ vô cùng. Không những thế, dì Thanh cũng thường mang bưởi sang cho chị em tôi sau mỗi lần về thăm nhà. Tôi còn có một chỗ để mà “lợi dụng” nữa, đó là nhiều chú công nhân vì mê dì Thanh mà nịnh chị em tôi để được dì để ý. Nhờ vậy mà tôi luôn tỏ ra oai trước lũ bạn vì có nhiều vòng cườm hạt bưởi hơn chúng.

Trung Thu xưa. 	Ảnh: internet
Trung Thu xưa. Ảnh: internet

Niềm vui ngày Tết Trung thu của trẻ con thành phố thật đơn giản. Chỉ là vài cái kẹo Nu - ga, kẹo hoa hồng được người lớn phát thưởng. Đèn ông sao cũng tự làm lấy bằng những thanh nứa lượm lặt bên các hàng rào rồi dùng giấy báo cũ dán lên. Duy chỉ có đèn hạt bưởi khiến chúng tôi thích thú hơn cả. Mỗi đứa đều chuẩn bị một thanh tre (hoặc gỗ) mỏng, dài khoảng 50cm, trên đó buộc chuỗi hạt bưởi đã khô. Hạt bưởi nhiều tinh dầu, khi cháy chúng phát ra những tia lửa li ti rất hấp dẫn lũ trẻ. Cũng có nhiều đứa vì quá nóng lòng nên không giữ được chuỗi nào để đốt đúng vào đêm rước đèn Trung thu. Những lúc như thế, dì Thanh đều đứng ra “can thiệp” xin giúp cho một vài chuỗi. Điều này khiến bọn trẻ luôn biết ơn và quý mến dì Thanh.

Trên tay chuỗi hạt bưởi cháy sáng rực, chúng tôi đã rồng rắn trên những khu phố nghèo nàn của Vinh qua nhiều mùa Trung thu trong tiếng thậm thình trống hội. 

Thời gian trôi đi, dì Thanh cũng kết hôn. Chồng dì là chú Nam, người cùng đơn vị lại là đồng hương với vợ. Tôi không thấy chú Nam có gì nổi bật so với những người công nhân khác từng đem lòng thầm thương, trộm nhớ dì Thanh. Tôi chỉ nghe người lớn chuyện trò với nhau rằng, cũng là do duyên số. Từ khi dì Thanh lấy chồng, chẳng còn ai giúp lũ trẻ xâu cườm hạt bưởi làm đèn nữa. Ai lại chơi mãi trò trẻ con ấy. Cuộc sống lại không ngừng thay đổi, dì Thanh phải nghỉ theo chế độ 176. Chú Nam cũng chỉ nán lại với cơ quan cũ một thời gian ngắn rồi chạy ra ngoài. Và rồi cái cuộc mưu sinh vẫn quay quắt cho đến hôm nay.

Vân Nhi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới