Nhớ nhà thơ 'Nhịp cầu nối những bờ vui'

(Baonghean.vn) - Tên thật ông là Phan Văn Từ, là tác giả bài thơ nổi tiếng “Nhịp cầu nối những bờ vui” - bài thơ đã đi vào tâm khảm của cả một thế hệ chống Mỹ cứu nước, trở thành tài sản của quê hương, đất nước, nên bạn đọc thường gọi ông là nhà thơ Nhịp cầu nối những bờ vui.

Thơ mang nhà thơ đi vào kháng chiến

Hơn nửa thế kỷ làm thơ, viết báo, Phan Văn Từ để lại 7 tập thơ, 1 tập văn, chủ yếu là các bài bình thơ, giới thiệu các bài thơ, tập thơ của bạn bè, trong đó có những tập thơ được 10 giải thưởng của trung ương và địa phương. Đó quả là một gia tài đáng nể, nhưng vì bài thơ "Nhịp cầu nối những bờ vui" quá nổi tiếng nên người ta lấy bài thơ thay tên riêng của ông.

Phan Văn Từ sinh năm 1940 tại làng Liên Trì, xã Liên Thành, huyện Yên Thành. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng sớm được hấp thu tinh hoa của làng quê giàu truyền thống văn vật. 19 tuổi, Phan Văn Từ rời quê hương ra Hà Nội học ở trường Thương nghiệp trung ương. Từ năm 1962 - 1971, ông là cán bộ Ty thương nghiệp tỉnh Yên Bái. Năm 1961 ông đã có thơ đăng báo, cả báo Nhân dân, báo Văn nghệ quân đội, báo Tiền phong. 

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ nổi tiếng này cũng thật đặc biệt. Trong cái đêm 28/9/1971, tại miền rừng ở một bản Mèo vùng cao Yên Bái, lân la trên cái cầu treo ven suối nghe các chàng trai thổi sáo gọi bạn tình, phía dưới cầu là các cô gái ngồi giặt áo dưới ánh trăng rười rượi. Thấy và nghe 2 bên tỏ tình gọi bạn bằng tiếng sáo, trắng đêm đó, Phan Văn Từ trong những phút thăng hoa xuất thần đã viết xong bài thơ “Nhịp cầu nối những bờ vui”.

Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta
Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo
Đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo
Nhịp cầu nối những bờ vui…

Bài thơ được in lần đầu trên báo Nhân dân cuối năm 1971 và được nghệ sỹ Linh Nhâm ngân trong tiết mục tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi được báo Tiền Phong in trong mục thơ hay của báo. Và cuối năm đó, như dự báo của nhà thơ: Anh vào bộ đội, làm cầu phao qua suối.

Một số tác phẩm của nhà thơ Phan Văn Từ.
Một số tác phẩm của nhà thơ Phan Văn Từ.

Phan Văn Từ vào bộ đội, vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, tham gia lực lượng Văn nghệ Quân giải phóng, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa đăng báo phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc.

Năm 1974, bài thơ “Nhịp cầu nối những bờ vui” được nhạc sỹ Văn An phổ nhạc, được nghệ sỹ Quý Dương và tốp nữ trình bày trên sóng phát thanh. Lời thơ của Phan Văn Từ được nhạc sỹ Văn An chắp cánh đã có sức lan tỏa sâu rộng trong công chúng, có sức lay động, thức tỉnh hàng triệu người, trở thành bài ca truyền thống của bộ đội công binh, của quân đội anh hùng, thành bài ca đi cùng năm tháng.

Nhà thơ Phan Văn Từ (thứ 2 từ trái qua) cùng bạn bè văn nghệ sĩ. Ảnh: Võ Ngọc Sơn, chụp tại Đà Lạt năm 2008.
Nhà thơ Phan Văn Từ (thứ 2 từ trái qua) cùng bạn bè văn nghệ sĩ. Ảnh: Võ Ngọc Sơn, chụp tại Đà Lạt năm 2008.

Năm 1975, Phan Văn Từ cùng đồng đội tiến về giải phóng Sài Gòn Gia Định, năm 1975 rời quân ngũ, ông về làm phóng viên, biên tập viên văn nghệ Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh, sau này là Đài Phát thanh & Truyền hình Nghệ An. Từ năm 1976 đến năm 2001, hơn 25 năm miệt mài, ông vừa sáng tác, vừa biên tập thơ, vừa là nhà thơ, vừa là nhà báo.

Trong dàn đồng ca của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước với chất giọng sử thi, trữ tình lãng mạn, hào hùng, Phan Văn Từ vẫn có tiếng nói riêng, giọng điệu riêng của một nhà thơ vừa tinh tế, vừa mới lạ, mà “Nhịp cầu nối những bờ vui” là một điển hình. Chỉ với 14 câu thơ tài hoa, từ tiếng sáo và hình ảnh của tình yêu đôi lứa, chàng trai thổi sáo, cô gái giặt áo đã nói lên được tình cảm lớn lao thế hệ trẻ của một dân tộc… Trong thời bình, giọng thơ của Phan Văn Từ trầm lắng hơn, hướng nội hơn.

Người thích “ngồi hàng ghế sau”...

Năm 1987, chi bộ phòng văn nghệ của Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An của Phan Văn Từ về trường Đảng Trần Phú dự học đối tượng Đảng. Sau đợt học mỗi người đều viết một bản thu hoạch, riêng Phan Văn Từ gửi nhà trường bài thơ “Nghĩ về Đảng”.

Đã hai thứ tóc trên đầu tôi chưa là Đảng viên
Có thể một mai tôi được đứng trong hàng ngũ Đảng
Có thể tôi ở bên đường chiêm nghiệm
Nhưng bao giờ Đảng cũng có trong tôi.

Và nhà thơ dự báo những dấu hiệu bất thường trong nội bộ Đảng:

Khi tiếng nói trầm hùng cất lên
Ai đó đứng cúi đầu trang nghiêm mặc niệm
Nhưng trong lòng còn ngổn ngang toan tính
Bàn tay lần túi áo đếm tiền

Bài thơ sau khi ra đời đã tạo ra dư luận nhiều chiều, người khen có, người chê có. Ở thời điểm những năm đầu manh nha đổi mới, Phan Văn Từ đã dám nhìn thẳng vào thực tế, bằng tình cảm sâu sắc từ gan ruột của mình nghĩ về Đảng. Nhiều bài thơ của ông như Nhớ Giát, Hang Thâu, Quanh chiếu rượu… đều là những tìm tòi trăn trở đổi mới cách nhìn, cách biểu đạt của ông.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng có một nhận xét: Phan Văn Từ là người nối những bờ vui qua cánh sóng. Đúng thế, với trên 25 năm làm biên tập viên văn nghệ, Phan Văn Từ như con chim cần mẫn ngồi nhặt từng hạt chắc hạt lép, từng câu thơ hay, từng bài thơ hay để lựa chọn đưa lên phát sóng. Ở vai trò là người biên tập viên, Phan Văn Từ đã có công phát hiện, động viên nhiều cây bút trẻ, có người là hội viên Hội VHNT tỉnh, có người là hội viên hội VHVN, có người đứt gánh giữa đường không theo được nghiệp thơ, nhưng những ai tiếp xúc với ông đều thực sự thấy ông là người trung thực, tử tế, tin cậy.

Tôi đọc thơ ông từ 1972 - 1975 ở rừng miền Đông Nam bộ, nhưng biết ông và làm bạn với ông cuối năm 1984 khi tôi về quê Yên Thành viết sử và tham gia nhóm văn nghệ Sông Dinh cùng Nguyễn Xuân Phầu, Huy Huyền, Phan Tường Huy... Từ năm 2003, Hội Văn nghệ Yên Thành thành lập, tôi cùng ông đồng cam cộng khổ, vun vén, xây dựng hội văn nghệ địa phương, cùng ông biên tập nhiều tập thơ văn của bạn bè, của các trường, của huyện, tôi học tập được của ông nhiều đức tính quý báu.

Những mẩu chuyện nhỏ về người thơ quê lúa

Tiết thanh minh năm ấy, một hôm tôi và các anh Nguyễn Xuân Phầu, Phan Văn Từ rủ nhau xuống nhà anh Trần Hữu Thung chơi. Tôi mượn chiếc xe máy chở hai anh đi. Vợ tôi rót đầy một bi đông rượu, khi đi qua chợ Hôm Hợp Thành, chúng tôi ghé vào mua chục con chim đồng, trước làm quà cho tác giả “Thăm lúa”, sau làm món nhậu.

Nhà thơ Phan Văn Từ (thứ 3 từ phải sang) và các văn nghệ sĩ trong một chuyến đi thực tế. Ảnh tư liệu
Nhà thơ Phan Văn Từ (thứ 3 từ phải sang) và các văn nghệ sĩ trong một chuyến đi thực tế. Ảnh tư liệu

Khi đi đến ngã ba Phủ Diễn gặp hai anh công an giao thông thổi còi bắt dừng lại hỏi giấy tờ. Tôi lúc đó mới tá hỏa mình chưa có xe làm chi có bằng. Anh Nguyễn Xuân Phầu nhanh trí trình bày: Tôi là Nguyễn Xuân Phầu - nhà văn, được nhà thơ Ngô Đức Tiến chở, cùng nhà thơ Phan Văn Từ tác giả “Nhịp cầu nối những bờ vui” xuống thăm anh Trần Hữu Thung ở khu tập thể bệnh viện Diễn Châu. Nói thật với các anh, chúng tôi quên đem giấy tờ, xin các anh tha cho đi”. Nghe anh Phầu nói thế, hai anh công an ngạc nhiên, có anh hỏi: “Bác ni mà là tác giả “Nhịp cầu nối những bờ vui” à? Anh Từ thẳng thắn trả lời: “Vâng, tôi là Phan Văn Từ, tác giả “Nhịp cầu nối những bờ vui”. Nghe thế, anh công an ôm chầm lấy anh Từ: “Trời ơi, các em cứ hát bài của bác mà hôm nay mới may mắn được gặp bác. Thôi, các bác cứ đi đi nhưng lần sau nhớ đừng tải ba”.

Lại có lần nhà thơ Quang Huy về quê vợ Yên Thành chơi, có mời nhà thơ Phan Văn Từ và tôi cùng tham gia cuộc gặp mặt bên một quán rượu nhỏ. Bấy giờ nhà thơ Quang Huy đang là Giám đốc Nhà Xuất bản văn hóa thông tin kiêm ủy viên Ban chấp hành, trưởng ban kiểm tra Hội nhà văn. Trong cuộc gặp, ông có nói với nhà thơ Phan Văn Từ: “Anh Phan Văn Từ nên làm đơn vào hội nhà văn đi, Trần Ninh Hồ cùng một số bạn học cùng học khóa thứ 2 Trường viết văn Nguyễn Du có nhắc tôi về Nghệ An lần này nên nhắc Phan Văn Từ viết đơn vào hội”. Phan Văn Từ mỉm cười: “Cảm ơn Quang Huy, cảm ơn các bạn, mình làm hội viên Hội Văn nghệ tỉnh là được rồi”. Trên đường về, Phan Văn Từ nói với tôi: “Hội viên Trung ương hay Hội tỉnh, quan trọng là ở tác phẩm”.

Xã Liên Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Anh Tuấn
Xã Liên Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Anh Tuấn
Sau ngày nhà thơ Phan Văn Từ rời cõi tạm, ngày 12/7/2014, tôi cùng các con, các cháu ông đã dựa vào di cảo thơ của anh để lại, theo ý anh chúng tôi lựa chọn 164 bài thơ in trong 7 tập thơ của anh và 21 bài thơ của bạn bè viết về anh, để in thành tập “Nhìn lại” NXB Hội Nhà văn năm 2015, in cùng với các tuyển tập thơ Yên Thành, Văn Yên Thành… xem như tổng kết lại cả đời thơ của ông - cũng là nén hương lòng của bạn bầu văn nghệ Yên Thành tưởng nhớ đến ông, người thơ của quê lúa.

Tin mới