Nhờ Trump, chiến lược “chia để trị” của Triều Tiên càng hiệu quả

(Baonghean.vn) - Chuyến đi “thảm họa” tới Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo buộc Mỹ phải vật lộn tìm cách đảm bảo ảnh hưởng trong việc đối phó với Triều Tiên và ngay cả trong mối quan hệ với Hàn Quốc.
 Tổng thống Trump đã nhượng bộ quá nhiều trong cuộc gặp cấp cao với Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6. Ảnh: AP
Tổng thống Trump đã nhượng bộ quá nhiều trong cuộc gặp cấp cao với Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6. Ảnh: AP
Mỹ đang phải tìm cách xử lý mối quan hệ với đồng minh lâu đời là Hàn Quốc, sau khi Seoul nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc “tham vấn chặt chẽ” với phía Triều Tiên, chứ không chỉ với Mỹ như trong quá khứ.

Rõ ràng rằng Triều Tiên, không chỉ không trao cho Pompeo bất cứ thứ gì mà ông kỳ vọng, mà còn khoét sâu thêm những rạn nứt giữa Seoul và Washington. Màn thể hiện sự thống nhất giữa Ngoại trưởng Pompeo và những người đồng cấp từ Hàn Quốc và Nhật Bản không thể che giấu thực tế này.

Sau chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã nhanh chóng chỉ trích: “những yêu cầu đơn phương và côn đồ về phi hạt nhân hóa” của Mỹ.

Bình Nhưỡng còn cáo buộc Chính quyền Trump đã phớt lờ lời kêu gọi về một “cơ chế hòa bình” và “tuyên bố chấm dứt chiến tranh (Triều Tiên)”, những mục tiêu mà Chính quyền Seoul cũng đang hướng tới. 

Hàn Quốc đã đặt Mỹ và Triều Tiên ở vị thế ngang bằng

Dư luận nghi ngờ về mục tiêu phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Ảnh: Getty
Dư luận nghi ngờ về mục tiêu phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Ảnh: Getty
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Moon Jae-in cam kết Seoul sẽ “tham vấn chặt chẽ với Mỹ và Triều Tiên vì mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình”. Điều mà dư luận chú ý là trong tuyên bố này, Hàn Quốc đã đặt Mỹ và Triều Tiên ở vị thế ng Soang bằng.

Người phát ngôn của Tổng thống Moon còn cho rằng các cuộc đàm phán “là những bước đầu trong hành trình “tiến tới mục tiêu đã đề ra nếu “các bên tiếp tục đối thoại với niềm tin mạnh mẽ”. 

Tuyên bố này trái ngược với những gì được Ngoại trưởng Pompeo nhắc đến tại Tokyo sau khi ông cùng Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono bắt tay nhau trong một bức ảnh chụp chung và khẳng định các đòn trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa tầm xa vẫn được duy trì.

Trong bình luận đầu tiên về thái độ gay gắt của Triều Tiên, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng nếu “các yêu cầu” mà ông đưa ra trong cuộc gặp là “côn đồ” thì “cả thế giới là côn đồ, bởi Hội đồng Bảo an LHQ đã cùng nhất trí về mục tiêu cần đạt được”. Tuy nhiên, thực tế là không hề có bất kỳ sự nhất trí nào giữa các đồng minh trong khi tình hình được cho là rất dễ thay đổi. 

Choi Jin-wook, cựu Giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên, bình luận: “Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc song tốc độ hòa giải liên Triều có thể hủy hoại sức ảnh hưởng của Mỹ”. Vấn đề then chốt rõ ràng là nằm ở bản chất của những yêu cầu mà Triều Tiên nhắc đến.

Tuyên bố của quốc gia này nêu rõ: “Tuyên bố chấm dứt chiến tranh phải là tiến trình đầu tiên nhằm xóa bỏ căng thẳng và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời là nhân tố trước hết để xây dựng lòng tin giữa DPRK (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) và Mỹ”.

Tuy nhiên, Mỹ lại xem yêu cầu của Triều Tiên về việc thay thế lệnh ngừng bắn bằng một hiệp ước hòa bình là nhằm chấm dứt liên minh Mỹ-Hàn, dẫn tới việc Mỹ phải giải giáp một phần, nếu không muốn nói là toàn bộ 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. 

Dù là vô tình hay hữu ý, tân Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris, người từng chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và nổi tiếng bởi các quan điểm cứng rắn, đã nhanh chóng tới Hàn Quốc sau khi Ngoại trưởng Pompeo rời Bình Nhưỡng để đến Tokyo.

Ông Harris sau đó đã ra tuyên bố khẳng định “Tổng thống Trump và chính quyền đã nói rõ rằng việc củng cố mối liên minh với Hàn Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu”, và Tổng thống Trump cùng Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc sẽ “cùng nhau thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi lộ trình”.

Mỹ nhượng bộ Triều Tiên quá nhiều

Shim Jae-hoon, một cây bút kỳ cựu của tờ Far Eastern Economic Review và trang mạng Yale Global, cho rằng tuyên bố của ông Harris là nhằm tái khẳng định lập trường của Mỹ đối với Tổng thống Moon cùng chính quyền tự do tại Seoul.

Tuy nhiên, nhà bình luận này cho rằng Tổng thống Trump đã nhượng bộ quá nhiều trong cuộc gặp cấp cao với Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6.

Ông Shim bình luận: “Ông ấy đã để mất cơ hội rất giá trị nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược bán đảo Triều Tiên. Kể từ đó mọi chuyện ngày càng tồi tệ đi”. 

Có ý kiến cho rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Pompeo thực chất cũng có những thành quả đáng kể khi ông đã thuyết phục được phía Triều Tiên nhất trí tiến hành một cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 12/7 tới để thảo luận về việc hồi hương hài cốt các binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.

Hai tuần trước Tổng thống Trump từng nói rằng khoảng 200 bộ hài cốt đã được đưa về Mỹ song thực tế chưa có bất kỳ diễn biến nào như vậy. Mỹ đã chuyển các quan tài bằng gỗ tới Panmunjom để chuẩn bị cho công tác này.

Nhiều người kỳ vọng Triều Tiên có thể bắt đầu việc chuyển giao các hài cốt này vào ngày 27/7, kỷ niệm 65 năm lệnh đình chiến trên bán đảo Triều Tiên. 

Tuy nhiên, cũng có người không khỏi hoài nghi việc Triều Tiên đang lợi dụng vấn đề nhạy cảm này làm “mồi nhử” Mỹ tiến tới tuyên bố chính thức nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, trong khi vẫn để ngỏ vấn đề hạt nhân.

Tin mới