Nhớ về người cán bộ tuyên giáo thế hệ đầu tiên

(Baonghean.vn)- Nhà cách mạng Đặng Chánh Kỷ là cán bộ phụ trách Ban Tuyên truyền cổ động Tỉnh ủy Nghệ An (nay là Ban Tuyên giáo) giai đoạn 1930-1931.

Ông Đặng Chính Kỷ (các tên khác: Đặng Đức Chêm, Đặng Tùng Mậu), sinh năm 1890, mất năm 1931, quê ở làng Hoành Sơn, nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, ông nội là Đặng Đức Uẩn, thi đỗ Cử nhân, làm quan dưới triều Tự Đức, thanh liêm có tiếng; Thân sinh là Đặng Đức Hòa, học giỏi nhưng chỉ thích ở quê làm nghề thầy thuốc.

Đặng Chánh Kỷ có một tuổi thơ khó khăn khi mất cha lúc 3 tuổi, đến 14 tuổi thì ông nội và mẹ lần lượt qua đời. Thế nhưng, ông vẫn cố gắng học hành đến nơi đến chốn và sớm hòa mình vào phong trào yêu nước và cách mạng.

Đặng Chánh Kỷ (1890-1930). Ảnh: Internet
Đặng Chánh Kỷ (1890-1931). Ảnh: Internet
Năm 1907, Đặng Chánh Kỷ được Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục đưa vào Huế học, và tốt nghiệp Primère (tiểu học Pháp-Việt) năm 1923. Năm 1924, Đặng Chánh Kỷ mở trường Thái Trạch ở thành Nội. Thời gian này, ông tham gia các phong trào yêu nước như “Ân xá Phan Bội Châu”, “Truy điệu cụ Phan Chu Trinh”…

Đầu năm 1927, sự kiện được kết nạp vào Hội Thanh niên đánh dấu bước trưởng thành của Đặng Chánh Kỷ. Từ đó, ông dấn thân vào những hoạt động cách mạng sôi nổi với phương hướng, tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Ông bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống của quần chúng, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nông dân, công nhân và dân nghèo thành thị, dùng mọi hình thức thích hợp để tuyên truyền, giác ngộ ý thức dân tộc, ý thức giai cấp trong các tầng lớp nhân dân. 

Trường học của Đặng Chánh Kỷ không còn đơn thuần dạy văn hóa như trước nữa. Ông đã đưa những bài thơ yêu nước và cách mạng để bình giảng nhằm giác ngộ ý thức tự cường dân tộc cho học sinh. Từ lâu, bọn mật thám Pháp đã ngầm theo dõi thầy giáo Kỷ. Đến cuối năm 1927, chúng ra lệnh đóng cửa trường Thái Trạch và trục xuất thầy giáo trở về bản quán. Với thủ đoạn đó, chúng hy vọng sẽ làm cho ông khiếp sợ mà từ bỏ lý tưởng, nhưng nhà cầm quyền đã đánh giá sai về nhân cách của Đặng Chánh Kỷ. Sau khi bị trục xuất về quê hương Nam Đàn, ông đã tìm cách liên lạc với tổ chức cách mạng và được phân công phụ trách một trường học tại nhà thờ Vương Thúc Quý trong làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn). Trường này do tổ chức Kỳ bộ Hội Thanh niên Trung Kỳ thành lập tháng 7/1927, vừa để có chỗ cho con em nhà nghèo học hành, vừa làm nơi liên lạc của Hội.

Vào một sáng mùa Thu năm 1929, tri huyện Nam Đàn đưa lính đến lục soát trường học ở làng Sen, chúng tịch thu một số sách báo tiến bộ và bắt thầy Kỷ giải về Vinh, nộp cho mật thám Pháp. Sau mấy đợt tra khảo vẫn không tìm ra manh mối gì cụ thể, bọn mật thám Pháp giao vụ này cho bọn quan lại Nam triều xét xử. Vì không có chứng cứ cụ thể và không moi được lời khai của đương sự nên tòa án Nam triều Nghệ An không thể bỏ tù Đặng Chánh Kỷ. Chúng giao cho hào lý địa phương quản thúc ông. 

Đầu năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ khi trở thành đảng viên cộng sản, Đặng Chánh Kỷ càng hoạt động xông xáo, hết in phát truyền đơn lại đi diễn thuyết, cổ động, tuyên truyền. Ông có tài hùng biện và thường thu hút được lớp trẻ tham gia phong trào chung.

Ngày 30/8/1930, Đặng Chánh Kỷ cùng các đảng viên, cán bộ trong huyện vận động hàng nghìn quần chúng kéo lên huyện lỵ biểu tình đòi giải quyết các yêu sách của nhân dân. Tri huyện Lê Khắc Tưởng đã phải ký vào bản yêu sách, trong đó có câu cam đoan: “Nam Đàn tri huyện huyện quan, tự tư dĩ hậu bất đắc nhũng nhiễu nhân dân” (Tri huyện Nam Đàn từ nay về sau không nhũng nhiễu nhân dân nữa).

Những hoạt động không biết mệt mỏi của Đặng Chánh Kỷ đã gây được uy tín đối với Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Sau Đại hội Đảng bộ Nghệ An lần thứ nhất (10/1930), Đảng bộ Nam Đàn đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ chính thức gồm 7 ủy viên, và Đặng Chánh Kỷ được bầu làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Nam Đàn. Với trọng trách đó, Đặng Chánh Kỷ ngày đêm cùng Ban chấp hành, vừa đối phó với sự đàn áp của địch, vừa ra sức bám sát cơ sở xây dựng các Xã bộ nông (Chính quyền Xô Viết ở thôn xã) với các đội tự vệ đỏ gan dạ.

Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn) vinh dự mang tên người chiến sỹ cách mạng, người cán bộ tuyên giáo thế hệ đầu tiên. Ảnh tư liệu
Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn) vinh dự mang tên người chiến sỹ cách mạng, người cán bộ tuyên giáo thế hệ đầu tiên. Ảnh tư liệu

Lúc bấy giờ (khoảng tháng 10, 11/1930), phong trào cách mạng toàn tỉnh chưa thật đều. Trong khi phong trào các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Hưng Nguyên đã lên rất cao thì phong trào ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu chưa thật sự mạnh. Vì vậy, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An có chủ trương đầu tư cán bộ giỏi cho các huyện ấy. Đặng Chánh Kỷ được Tỉnh ủy Nghệ An điều lên phụ trách ban Tuyên truyền cổ động (Ban Tuyên giáo ngày nay) của Tỉnh ủy và biệt phái về vùng Yên Thành, Diễn Châu.

Ông là người có tài hùng biện và nhất là sáng tác văn thơ cổ động, tuyên truyền cách mạng. Chủ trương, nghị quyết, đường lối cách mạng rất khô cứng nhưng khi được truyền qua những vần thơ của ông lại rất hào hùng, uyển chuyển, say đắm lòng người. Đọc thơ ông sẽ thấy một tinh thần xông pha, một nghị lực phi thường, một lời hiệu triệu tuyệt vời, một tiếng kêu gọi thống thiết, hào hùng và hơn hết là một tinh thần sôi nổi, bất diệt của con người ông cũng như của cao trào cách mạng lúc ấy. Đọc thơ ông, ta như muốn hòa mình ngay vào phong trào, dòng máu nóng lên từ từ, chân bước, tay giơ, miệng hô khẩu hiệu.

Bài thơ "Bài ca cách mạng" được Đặng Chánh Kỷ sáng tác vào khoảng tháng 10/1931, nếu được bình chọn có lẽ sẽ là bài ca tuyên truyền hay nhất mọi thời đại, là những vần thơ không thể ai quên được khi nói về phong trào cách mạng 1930-1931, mà nhất là cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh:

“…Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước, 

Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.

Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,

Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi.

Không có lẽ ta ngồi chịu chết? 

Phải cùng nhau cương quyết một phen.

Tổng này, xã nọ kết liên, 

Ta hò, ta hét, thét lên mau nào !

Trên gió cả cờ đào phất thẳng, 

Dưới đất bằng giấy trắng tung ra;

 Giữa thành một trận xông pha,

Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng..”

Nhân kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2018), nhớ về ông, nhớ về một người yêu nước, một chiến sỹ cách mạng xuất sắc trong mọi công tác được giao, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, cổ động và lãnh đạo phong trào.

Xin được thắp nén hương lòng, thành kính dâng lên ông, một người con của đất Hồng-Lam!.

Tin mới