Như Thuật - tài năng cũ, hy vọng mới của Sông Lam Nghệ An

(Baonghean.vn) - Trên sân cỏ, Như Thuật được xem là “tài năng không chịu lớn” nhưng trên băng ghế huấn luyện, anh lại thổi được làn gió mới cho các tuyển trẻ của Sông Lam Nghệ An.

Vòng chung kết giải bóng đá U13 toàn quốc năm 1998, SLNA xuất sắc giành ngôi Vô địch khi hạ U13 Khánh Hòa, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao Cúp, phần thưởng và đặc biệt được ông bắt tay, khen ngợi toàn đội. 

Trong đó có 2 cái tên nổi bật là Phan Như Thuật và Phạm Văn Quyến.

Thời điểm đó, kỳ lạ là Thuật chơi hay hơn Quyến trong toàn giải, ghi được nhiều bàn thắng hơn Quyến nhưng tại trận chung kết thì Quyến vụt sáng với 2 trong số 4 bàn thắng không gỡ của U13 SLNA, báo hiệu một trang mới  rộng mở cho lứa cầu thủ này.

Quả nhiên, chưa đầy 2 năm sau trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), tại VCK Giải U16 Châu Á-2000 dưới tay HLV Nguyễn Văn Thịnh, U16 VN mà thực chất là U16 SLNA cộng thêm Ánh Cường (Hà Tĩnh), những ngôi sao mới của bóng đá Việt và SLNA bắt đầu tỏa sáng. Như Thuật chơi ở vị trí tiền vệ tổ chức vô cùng sáng nước, luôn có những đường chuyền thông minh, bất ngờ cho đồng đội dứt điểm, ăn bàn.

Trước khi làm trợ lý đội 1, Như Thuật và Văn Quyến khá thành công khi dẫn dắt đội trẻ. Ảnh tư liệu
Trước khi làm trợ lý đội 1, Như Thuật và Văn Quyến khá thành công khi dẫn dắt đội trẻ. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, Văn Quyến trình diễn một lối chơi giàu kỹ thuật, kỹ năng ghi bàn hiếm thấy từ các tình huống phối hợp cũng như cố định, chưa kể khả năng sút phạt thần sầu. Kể từ đó, người hâm mộ luôn luôn thấy rõ mối liên kết trên sân không cần nhìn bằng mắt thường của Thuật - Quyến, trong các giải trẻ cũng như khi lên đội 1 SLNA sau này.

Chỉ có một điều khác biệt dần hiện ra, Quyến “lớn nhanh như thổi” khi ở SLNA, lên U23 VN rồi lên ĐTVN, đoạt Quả Bóng Vàng Việt Nam 2003. Còn Như Thuật, dù vẫn còn đó sự tinh tế, đầy thông minh trong lối chơi, khả năng giữ và chuyền bóng. Thế nhưng, nhưng thể lực yếu, người mỏng cơm khiến tiền vệ tài hoa này chỉ mãi là “tài năng không chịu lớn” và đương nhiên, mọi việc dần đi ra ngoài tầm với khi vai trò cầu thủ trụ cột trong đội bóng ngày một đòi hỏi cao hơn, khắc nghiệt hơn.

Tuy nhiên “gia đình” SLNA không bao giờ bỏ rơi một đứa con ngoan, một học trò chăm chỉ, cần mẫn, một nhân cách tốt trong và ngoài sân cỏ như Như Thuật. Anh được tạo điều kiện để trưởng thành như bao cầu thủ đầu tàu, trụ cột khác của SLNA, nghĩa là tiếp tục với “nghiệp” bóng đá, với công tác đào tạo trẻ khi hội đủ các điều kiện đặt ra.

Với tư chất sẵn có, với lòng yêu nghề, Như Thuật nhanh chóng gặt hái thành công khi bên cạnh luôn có những người đàn anh kinh nghiệm dìu dắt, những đồng đội ngày nào hỗ trợ, trong đó có Văn Quyến. Không khó để Như Thuật nhanh chóng được gọi lên làm trợ lý đội 1 thời HLV Quang Trường và nay, thời tái cấu trúc cùng đội trưởng - HLV trưởng Huy Hoàng.

Năm đầu tiên lên làm HLV phó tại đội 1 SLNA, cựu tiền vệ Phan Như Thuật cũng được kỳ vọng sẽ giúp tuyến giữa và khả năng tấn công của đội bóng xứ Nghệ trở nên mềm mại hơn. Ảnh tư liệu: Xuân Thủy
Năm đầu tiên lên làm HLV phó tại đội 1 SLNA, cựu tiền vệ Phan Như Thuật cũng được kỳ vọng sẽ giúp tuyến giữa và khả năng tấn công của đội bóng xứ Nghệ trở nên mềm mại hơn. Ảnh tư liệu: Xuân Thủy

SLNA xưa nay vận hành lối chơi giàu thể lực nhưng luôn có những cầu thủ đậm đà chất kỹ thuật như Vũ Quang Bảo, Phan Thanh Tuấn, Văn Sỹ Hùng hay chính Phan Như Thuật, Hồ Khắc Ngọc… Đó là những cầu thủ “làm bóng”, linh hồn của một đội bóng, là cầu thủ chia bài, bóng luôn qua chân họ mỗi khi khai triển các bài đánh. Đó cũng là cầu thủ có đường chuyền cuối cùng dọn cỗ để đồng đội ghi bàn quyết định thế cuộc.

Tiếc thay SLNA đang bét bảng ở V.League. Ngoài nhiều nguyên nhân cơ bản khác, có một nguyên nhân quan trọng là đội bóng thiếu hẳn một nhà tổ chức trên sân, tức mẫu cầu thủ mà Như Thuật từng sắm vai rất thành công thời trẻ.

Thật không dễ để Như Thuật “nặn” ra ngay lập tức một người để trám vào chỗ thiếu vắng đó nhưng chắc chắn việc giao cho anh vai trò trợ lý là để quản lý, xây dựng, rèn dũa tốt nhất các vị trí trước hết thuộc tuyến giữa của SLNA. Có thể tìm từ nguồn trẻ, như cách Huy Hoàng mạnh dạn đưa tài năng trẻ Đinh Xuân Tiến từ U17 lên, hoặc tìm nguồn khác như lãnh đạo mới tuyên bố, nghĩa là phải bắt tay vào làm ngay, trong bối cảnh không đốt cháy giai đoạn nhưng cũng không chậm trễ, mất thời cơ.

Như Thuật và Văn Quyến trong lần tham gia nhận Cup tại lễ trao giải vòng chung kết giải bóng đá Vô địch quốc gia. Ảnh tư liệu.
Như Thuật và Văn Quyến trong lần tham gia nhận Cup tại lễ trao giải vòng chung kết giải bóng đá Vô địch quốc gia. Ảnh tư liệu.

Nhìn tổng thể, SLNA đang có dàn HLV rất cân bằng, có chiều sâu với sự quyết liệt, mạo hiểm đầy bản năng của Huy Hoàng; sự uyển chuyển, tài hoa của Văn Quyến và sự toan tính, chừng mực có thừa của Như Thuật.

Về lâu dài, hẳn là Như Thuật phải phát huy khả năng thông minh, sáng dạ sẵn có. Phải không ngừng tìm hiểu, học tập và vận dụng kiến thức mới nhất về đào tạo và huấn luyện; phải là người đi đầu trong lĩnh vực này của đội bóng để phục vụ mục tiêu “tìm lại hào quang chưa xa” của đội bóng, kể cả tính tới việc được giao làm HLV trưởng trong tương lai.

Người hâm mộ và giới chuyên môn vẫn biết, nếu “đấu sức” thì có thể thua thiệt, nhưng với khả năng “đấu trí” trên sa bàn, phần thắng chắn chắn thuộc về Như Thuật... Đây cũng chính là niềm hi vọng mới của chàng tiền vệ tài hoa một thuở mang lại cho đội bóng quê hương.     

Tin mới