Nhức nhối nạn mua bán người: Hám tiền bán cả người thân

(Baonghean) - Lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều kẻ mờ mắt, sẵn sàng bán cả lương tâm để làm giàu trên thân xác đồng loại. Đau lòng hơn, có người đang tâm bán cả người thân của mình.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Bán cả người thân 

15 tuổi, Lương Thị Pê, trú xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn đã lấy chồng, nhưng cuộc hôn nhân sớm đổ vỡ vì cả Pê và chồng còn quá ít tuổi. Sau khi bỏ về nhà bố mẹ đẻ được một thời gian, Pê bị chính người chị gái là Lương Thị Khăm (20 tuổi) bán cho một nhóm đối tượng đưa sang Trung Quốc với giá 80 triệu đồng.

a
Nhóm đối tượng tổ chức đưa em Lương Thị Pê sang Trung Quốc bị Công an huyện Kỳ Sơn bắt giữ vào tháng 5/2016. Ảnh: Lữ Phú

Điều đáng nói là khi ứng trước số tiền 10 triệu đồng, bố của Pê chỉ nghĩ rằng, con gái mình được lấy chồng người nước ngoài và đó là số tiền “chạm ngõ” mà không nghĩ rằng, con gái mình có thể bị bán cho một động mại dâm hoặc bị bắt lao động cực nhọc. Rất may là trước khi bị đưa sang Trung Quốc, Pê được cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Kỳ Sơn giải cứu. 

Việc bán người thân cho các đối tượng mua bán người để đưa đi Trung Quốc như trường hợp gia đình Lương Thị Khăm không phải là chuyện hiếm ở các huyện miền núi cao. Trong 5 - 6 năm trở lại đây, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các huyện miền núi cao có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Huyện Tương Dương hiện có hơn 2.300 người lao động ở nước ngoài bất hợp pháp, trong đó có hơn 1.200 phụ nữ. Công an huyện Tương Dương cho biết trong thời gian qua đã phá nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng nhưng tình trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều người bị bán sang Trung Quốc, sau đó trốn thoát trở về thì gia đình mới biết.

Mánh khóe thường được các đối tượng thực hiện là tuyển dụng công nhân làm việc tại các công ty, đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao để lừa phỉnh phụ nữ nhẹ dạ. Để củng cố lòng tin người bị hại và gia đình, các đối tượng một mặt dùng thư từ, ảnh giới thiệu những người đã đi làm ăn và trở nên giàu có. Mặt khác, bọn chúng sẵn sàng hào phóng ứng trước tiền tàu xe hay tiền lương cho nạn nhân… 

Thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh - Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết: Với mỗi nạn nhân bị bán qua biên giới, sau khi trừ hết các chi phí đi lại, ăn ở và tiền “tạm ứng” cho các nạn nhân thì các đối tượng lãi 100 - 200 triệu đồng. Lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều đối tượng mờ mắt, bán luôn cả lương tâm của mình để làm giàu trên thân xác đồng loại.  

Cần giải pháp đồng bộ

Qua các vụ mua bán người được các cơ quan chức năng phát hiện cho thấy, đối tượng bị nhắm đến chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 - 30 tuổi hoặc những phụ nữ "quá lứa lỡ thì", những người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhiều nhất vẫn là các em gái mới lớn có tư tưởng thoát ly khỏi địa phương, mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao. 

Tại huyện Tương Dương, 2 xã Nga My và Tam Quang là điểm nóng của tình trạng mua bán người. Nguyên nhân sâu xa là do thiếu việc làm, nhận thức thấp. Bên cạnh đó, do sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, tư tưởng thích hưởng thụ, lười lao động của một bộ phận đã vô tình tiếp tay cho nạn buôn người.

Mặc dù tình trạng mua bán người gây ra nhiều hệ lụy phức tạp nhưng để đấu tranh với loại tội phạm này còn rất nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng cho biết, phần lớn các trường hợp sau khi đối tượng đưa người ra khỏi địa phương một thời gian khá lâu thì gia đình mới trình báo nên việc điều tra không kịp thời.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, thời gian qua, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng có nhiều biện pháp phối, kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, kết hợp với đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, BĐBP Nghệ An phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đấu tranh, bắt giữ đối tượng phạm tội mua bán người. Ảnh: Nguyên Hưng
Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, BĐBP Nghệ An phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đấu tranh, bắt giữ đối tượng phạm tội mua bán người. Ảnh: Phương Linh

Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn nhức nhối về tệ nạn mua bán người, tập trung khảo sát tình hình tội phạm mua bán người, qua đó, lập danh sách các nạn nhân bị bán và những đối tượng có tiền án về tội mua bán người, đồng thời dựng lên các đường dây, ổ nhóm có biểu hiện nghi vấn phạm tội mua bán người để có kế hoạch đấu tranh, triệt xoá.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã giải cứu, tiếp cận hơn 100 nạn nhân bị mua bán trở về. Những nạn nhân này đã được hỗ trợ các điều kiện ban đầu như tiền tàu xe đi về, tư vấn tâm lý, y tế và các đoàn thể đã tiến hành hỏi thăm, động viên, trợ giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng ngay khi nạn nhân trở về địa phương.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể đã tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền đến tận bà con dân bản về những hệ lụy của việc mua bán người thông qua các hình thức như sân khấu hóa, tiểu phẩm kết hợp phát động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, tại một số “điểm nóng”, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các tổ chức hội khác đã có những mô hình tuyên truyền, vận động hiệu quả.

Tại xã Đôn Phục (Con Cuông), từ tháng 7/2013, Câu lạc bộ (CLB) “Lá chắn” của bản Hồng Điện đã được thành lập nhằm tuyên truyền, vận động bà con, nhất là chị em và các cô gái mới lớn trong bản tránh xa sự dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu.

Hay như CLB “Phòng chống buôn bán người”, do Hội Phụ nữ và Ban Công an xã Tam Quang (Tương Dương) phối hợp với Hội Phụ nữ Công an tỉnh Nghệ An thành lập từ cuối năm 2014 đã trở thành địa chỉ tin cậy, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng... 

Song, giải pháp căn cơ để ngăn chặn được tình trạng này, chính là việc nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân ở các huyện miền núi cao. 

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới