Những bất cập tại hệ thống hồ, đập do địa phương quản lý

(Baonghean) - Nghệ An là địa bàn có số lượng hồ chứa nhiều thứ 2 trên cả nước, gồm 625 hồ, trong đó có 528 hồ chứa do các địa phương huyện, xã quản lý. Tuy nhiên, trong công tác quản lý hồ đập của các địa phương, còn nhiều bất cập đáng lo ngại.

Hồ chứa Ba Trâu ở xóm 2, xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ) tưới cho trên 40 ha lúa, tuy nhiên, hiện nền và chân đập bị rò rỉ, không có khả năng tích trữ nước nên ngay trong mùa mưa hồ vẫn hết nước.

Xã Kỳ Tân có 12 hồ chứa lớn nhỏ, phục vụ nước tưới cho 120 ha lúa, hiện cả 12 hồ chứa đều xuống cấp trầm trọng. Từ năm 2017, UBND xã Kỳ Tân đã giao 12 hồ chứa cho HTX dịch vụ nông nghiệp Kỳ Tân quản lý, vận hành. Tuy nhiên, cán bộ thủy lợi vận hành hồ chứa không được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp, chủ yếu vận hành bằng kinh nghiệm. Vì vậy đã xảy ra các vấn đề như, vào mùa khô hạn điều hành nước tưới chưa hợp lý, nhiều diện tích còn thiếu nước. Vào mùa mưa lũ điều hành lúng túng, nguy cơ vỡ đập là rất lớn; trong năm 2018 đã xảy ra tình trạng vỡ tràn hồ chứa Ba Chính.

Ông Nguyễn Đình Tâm - công chức địa chính xã Kỳ Tân

Hồ chứa Ba Trâu ở Kỳ Tân, Tân Kỳ xuống cấp, hệ thống cống tiêu bi hư hỏng. Ảnh: V. Trường
Hồ chứa Ba Trâu ở Kỳ Tân, Tân Kỳ xuống cấp, hệ thống cống tiêu bị hư hỏng. Ảnh: V. Trường

Còn tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc) có 10 hồ chứa, tưới tiêu cho trên 300 ha lúa, trong đó có 6 hồ chứa xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, công tác quản lý hồ chứa ở đây đang gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù các hồ chứa do địa phương quản lý đã giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Văn quản lý. Tuy nhiên, vào các đợt cao điểm nắng nóng, hoặc mùa mưa lũ thì vẫn thiếu lực lượng vận hành hồ chứa, buộc xã phải huy động thêm các xóm trưởng, lực lượng dân quân tự vệ cùng phối hợp với hợp tác xã để vận hành hồ chứa. Như năm 2017, đập Trại Gà có nguy cơ bị vỡ, xã đã phải huy động lực lượng trên 200 người cùng máy xúc để ứng cứu.

Ông Trần Văn Sao - Chủ tịch UBND xã Nghi Văn

Các hồ, đập do địa phương quản lý xây dựng từ lâu và ít được duy tu, sửa chữa nên đa số xuống cấp, rò rỉ, tổn thất nước lớn.
Nhiều địa phương quản lý nhưng không có hồ sơ tài liệu, khảo sát thiết kế; không có quy trình kỹ thuật quản lý, công tác đo đạc, quan trắc (quan trắc mức nước lũ, quan trắc lún, xê dịch) thực hiện không đầy đủ.
Thân đê hồ chứa Hòa Sơn, Đô Lương xuất hiện nhiều tổ mối và cầu tràn bị hư hỏng. Ảnh: Văn Trường
Thân đê hồ chứa Hòa Sơn, Đô Lương xuất hiện nhiều tổ mối và cầu tràn bị hư hỏng. Ảnh: Văn Trường

Hầu hết các hồ chứa nhỏ đều thiếu cao trình và mặt cắt, tràn xả lũ nhiều công trình còn là tràn tạm, chưa đủ chiều rộng thoát lũ. Các bộ phận cửa van, ti cống khớp nối của cống lấy nước hư hỏng. Nhiều hồ chứa không có đường quản lý, hoặc chất lượng kém không đáp ứng được yêu cầu khi có sự cố xảy ra. Phần thân đập chủ yếu đắp bằng thủ công, đầm nén kém, nhiều hồ không được xử lý móng ở lòng khe.

Đặc biệt, mối trong thân đập chưa được thăm dò, đánh giá và xử lý đầy đủ, hệ thống vật tư, vật liệu dự phòng phục vụ xử lý sự cố còn thiếu. Do còn nhiều bất cập, yếu kém nên nguy cơ vỡ hồ chứa trong mùa lũ ở Nghệ An là rất lớn.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An mới sửa chữa được 107 hồ chứa. Số hồ chứa còn lại gần 400 hồ vừa và nhỏ, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố khi mùa mưa, bão về.

Hồ chứa nước Khe Khế ở Kỳ Tân (Tân Kỳ) thân đập sạt lở, rò rỉ. Ảnh: Văn Trường
Hồ chứa nước Khe Khế ở Kỳ Tân (Tân Kỳ) thân đập sạt lở, rò rỉ. Ảnh: Văn Trường

Theo quy định, đối với các hồ, đập có dung tích từ 500.000m3 trở lên phải được cán bộ có chuyên môn, được đào tạo bài bản, chính quy về thủy lợi vận hành; phải được lập và quản lý về hồ sơ thiết kế xây dựng công trình, hồ sơ trình cấp bù tiền thủy lợi phí, cũng như hồ sơ phương án vận hành, trong đó có phương án quan trọng trong công tác vận hành an toàn là bảo vệ thân đập và tiêu, thoát nước vùng hạ du...

Tuy nhiên, đối với các công trình hồ chứa địa phương đều “trắng” các điều kiện này. Riêng về việc lập hồ sơ trình phương án cấp bù giá thủy lợi phí, gần như các địa phương chưa thực hiện, trong khi đó đây là cơ sở để được cấp kinh phí vận hành công trình hồ, đập. Bởi vậy, nhiều công trình chỉ có người quản lý làm nhiệm vụ đóng, mở cống khi cần thiết, thậm chí có công trình không hoạt động.

Hồ chứa nước Tây Thành, Yên Thành người dân tự do lội ra hồ để vận hành tháo nước. Ảnh: Văn Trường
Hồ chứa nước Tây Thành, Yên Thành người dân tự do lội ra hồ để vận hành tháo nước. Ảnh: Văn Trường

Năng lực của cán bộ quản lý, vận hành công trình, nhất là các hồ, đập không đáp ứng quy định và không có trình độ chuyên môn phù hợp quy định. Hàng năm Chi cục Thủy lợi tỉnh có gửi công văn, thông báo mời các địa phương cử cán bộ vận hành hồ chứa để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ ở các cơ sở, trung tâm thủy lợi, tuy nhiên, các xã không cử người đi tập huấn đào tạo...

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh

Tin mới