Những cái chắp tay

(Baonghean) - Những ngày đầu năm này, không có gì đáng ngạc nhiên trước dòng người ào ạt đổ về các đền chùa, miếu mạo. Cầu bình an, cầu sức khoẻ, cầu công danh, tài lộc, cầu con cái,… hầu như ai ai khi tìm đến những chốn linh thiêng này cũng mang theo những ước nguyện riêng. Lại cũng có những người đơn giản là đi vãn cảnh ngày xuân, hoà mình vào không khí lễ hội mùa xuân nô nức.

Nhiều đền, chùa đầu năm rơi vào tình trạng quá tải (Ảnh: EVN)
Nhiều đền, chùa đầu năm rơi vào tình trạng quá tải (Ảnh:Internet)

Bàn chuyện đi lễ đầu năm bao giờ cũng là một câu chuyện dài và… nhạy cảm, bởi “động chạm” đến vấn đề tín ngưỡng, đức tin, đến những đấng thánh, thần đại diện cho quyền lực siêu nhiên vượt lên trên thế giới trần tục mà chúng ta đang sống. Tôn giáo và tín ngưỡng luôn luôn là một câu hỏi khó mà đến nay ngay cả khoa học cũng chưa lý giải, phân định được. Cũng chính vì vậy, khi bàn cãi về đúng - sai, ít - nhiều trong lĩnh vực này, người ta thường e dè và khó đi đến một quan điểm đồng thuận.

 Bản thân mình khi đi đền, chùa thường chỉ thắp hương và khấn vái, bởi mình tâm niệm thành kính cốt ở tâm chứ không nhất thiết phải mâm cao, lễ đầy mới thể hiện được sự mong mỏi, hướng về các đấng thần, Phật. Lại cũng có những người kỳ công chuẩn bị lễ để cung tiến, để cầu an, giải hạn mỗi dịp đầu xuân - đó là cách để bản thân họ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, là “cây gậy tinh thần” để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Âu cũng tuỳ ở quan điểm của từng người.

Thế nhưng thời gian gần đây, chúng ta bắt đầu nghe bình bàn, phân định nhiều về cách thức thể hiện tín ngưỡng, đức tin của mình, đối chiếu với một quy chuẩn bất thành văn mà xã hội cho là văn minh, hài hoà được cả các giá trị tâm linh và tính khoa học.

Người dân làm lễ giải hạn ở đền ông Hoàng Mười
Người dân làm lễ giải hạn ở đền ông Hoàng Mười.

Tại các đền chùa, miếu mạo, đã có những nơi treo biển đề nghị quan khách chỉ thắp hương vào các lư hương thay vì cắm tràn lan tại các gốc cây hay thậm chí là một góc cột, góc sân, mỗi người không nên thắp quá nhiều hương để tránh tình trạng khói nghi ngút, vừa ô nhiễm vừa gây bất tiện cho những quan khách đến sau,… Các hiện tượng có dấu hiệu lợi dụng thần thánh để trục lợi như bói toán, hầu đồng bị truyền thông phê phán và bị các nhà quản lý “thẳng tay” giải quyết…

 Trên mạng xã hội những ngày qua chia sẻ khá nhiều một bài viết nói về việc đạo Phật không dạy và không yêu cầu cúng giải hạn, mình cho rằng đó là một trong những tín hiệu cho thấy đã có sự “chuyển động” đáng kể trong nhận thức về tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Thay vì mù quáng chạy theo một đám đông cúi đầu khấn vái, khói hương nghi ngút mà đôi khi người ta còn không rõ mình đang khấn vái ai, cái gì, điều gì, chúng ta đã biết đặt ra câu hỏi về cội nguồn, nguyên do của những nghi lễ, những khái niệm thuộc về tâm linh. Để rồi từ đó có cách thể hiện đức tin và lòng thành kính một cách đúng mực nhất và chân thành nhất.

 Đó mới chính là sự quay trở về với cội nguồn nguyên thuỷ của tâm linh, tín ngưỡng, bởi suy cho cùng, đó là những “cây gậy tinh thần” dẫn lối cho con người ta tìm ra con đường thanh thản, nhẹ nhàng. Có bao giờ chúng ta tự hỏi mình đang cúi đầu chắp tay trước điều gì, pho tượng ở trên cao kia đại diện cho những giá trị tốt đẹp gì để mình hướng đến? Hay đơn giản là chúng ta đang chắp tay trước một khối kim loại vô tri, vô giác, để rồi chính bản thân mình cũng trở nên vô tri, vô giác lúc nào không hay?

 Hải Triều

TIN LIÊN QUAN