Những cái khó của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

(Baonghean) - Việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp tinh gọn bộ máy… Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn những khó khăn cần phải tháo gỡ.
Học sinh có việc làm ngay sau tốt nghiệp
Trong số 12 địa phương đã sáp nhập thì Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Diễn Châu được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu về hiệu quả hoạt động. Hiện trung tâm có 23 lớp dành cho đối tượng học sinh hệ GDTX, nhiều hơn 2 lớp so với những năm trước. Bên cạnh đó, phát huy cơ sở của trung tâm đào tạo nghề cũ, trung tâm đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề. Vì vậy, số lượng học viên học nghề tăng nhanh từ 500 lên đến gần 1.000 học viên. Sau khi học xong, đa phần học viên đều được doanh nghiệp đến trực tiếp tuyển dụng tại đơn vị.

“Sau khi sáp nhập, chúng tôi được bổ sung cả về đội ngũ và cơ sở vật chất. Vì vậy, quy mô hoạt động trung tâm lớn và đa dạng hơn và chúng tôi cũng có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo để tạo được sự tin tưởng từ các học viên”.

Ông Phan Lam Giang - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu  

Tiết thực hành nghề hàn của học viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Tiết thực hành nghề hàn của học viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Cuối năm 2016, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quỳ Châu cũng đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Hiện, trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Quỳ Châu, đồng thời chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sau hơn 2 năm thành lập, thời điểm này Trung tâm đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động cơ bản, đảm bảo thực hiện đúng các chức năng nhiệm vụ được giao. Việc hoạt động cũng thuận lợi hơn khi đơn vị có cơ sở vật chất khang trang, có đủ các trang thiết bị cơ bản đảm bảo yêu cầu dạy nghề sơ cấp và tổ chức các hoạt động giáo dục thường xuyên cũng như các hoạt động dịch vụ khác.

Việc sáp nhập Trung tâm GDNN và Trung tâm GDTX đã nhằm giảm bớt các đầu mối, tiết kiệm cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trung tâm. Bên cạnh đó, phù hợp với xu thế phát triển là đào tạo lao động vừa có trình độ kiến thức THPT, vừa có kỹ năng trung cấp nghề, góp phần nâng cao chất lượng thị trường lao động phổ thông”.

Ông Bùi Hoàng Báu - Giám đốc Trung tâm GDNN và Trung tâm GDTX

Lại giải bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ
Trước đây, toàn tỉnh có 19 trung tâm GDTX cấp huyện, thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTB&XH-BGD&ĐT-BNV của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, các trung tâm GDTX, dạy nghề, kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp được sáp nhập thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, do UBND cấp huyện quản lý. Hiện, toàn tỉnh đã có 12 trung tâm đã sáp nhập. 
Giáo viên Trung tâm GDTX TP.Vinh tham gia đào tạo nghề nấu ăn ở cơ sở. Ảnh: Mỹ Hà
Giáo viên Trung tâm GDTX TP.Vinh tham gia đào tạo nghề nấu ăn ở cơ sở. Ảnh: Mỹ Hà
Sau sáp nhập, những hiệu quả ban đầu của các đơn vị đã được thấy rõ, như được tăng cường về đội ngũ, cơ sở vật chất, giúp tinh gọn bộ máy và có thêm nhiều lựa chọn cho người học. Nhưng, do việc sáp nhập đang trong giai đoạn đầu nên vẫn còn những khó khăn, dễ nhận thấy nhất là công tác quản lý, điều hành tại các trung tâm cũng chồng chéo. Mỗi trung tâm đều chịu sự quản lý, chỉ đạo của 3 đơn vị ở 2 cấp khác nhau. Sở LĐ,TB&XH chỉ đạo chuyên môn dạy nghề, Sở GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn về GDTX, UBND huyện quản lý về tài chính, nhân sự... Đơn cử, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm do Sở LĐ,TB&XH tổ chức và kêu gọi đối tượng tham gia là học sinh lớp 12. Song, với quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT, năm cuối cấp tập trung ôn luyện. Thực tế cho thấy, đặc thù của mỗi địa phương khác nhau, trong quá trình sáp nhập, nếu không có sự phối hợp của các ngành liên quan thì các trung tâm GDNN - GDTX khó phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, sau sáp nhập, một số trung tâm thừa thiếu cục bộ đội ngũ giáo viên trầm trọng. Như Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên, về giáo viên văn hóa đang thiếu 4 giáo viên dạy môn Toán, Vật lý, Lịch sử, Địa lý nhưng lại thừa đến 3 giáo viên Ngữ văn, Tiếng Anh, Thể dục; dạy nghề cũng thiếu 2 giáo viên là May và Nấu ăn. Vì thế, dù ngân sách không nhiều nhưng trung tâm vẫn phải hợp đồng giảng dạy và bù lương ngân sách, không có chi để đầu tư và phát triển. 

Lớp học văn hóa được đầu tư khá khang trang ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu. Ảnh: Mỹ HÀ
Lớp học văn hóa được đầu tư khá khang trang ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ huyện Hưng Nguyên mà các trung tâm khác sau sáp nhập cũng đang rơi vào những khó khăn tương tự. Cụ thể, thời điểm này do chưa có hệ thống văn bản thống nhất cho mô hình của đơn vị mới, mà chỉ là sự ghép cơ học 2 văn bản của GDTX và Hướng nghiệp dạy nghề nên trong quá trình triển khai có những vướng mắc, như công tác thi đua, bộ phận giáo dục thường xuyên vẫn thực hiện theo năm học, còn bộ phận dạy nghề thì lại thực hiện theo năm tài chính.
Chính sự chênh lệch thời gian dẫn đến việc xem xét đánh giá kết quả thi đua chưa tạo công bằng, khách quan. Với những vướng mắc trên không chỉ khiến cho các trung tâm đã sáp nhập gặp khó khăn, mà 7 trung tâm còn lại đang trong quá trình sáp nhập cũng lo lắng, khi chính sách chưa rõ ràng.

“Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương sáp nhập các đơn vị nhằm giảm đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị. Song, cần nghiên cứu kỹ các phương án sáp nhập sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, như cần thống nhất đồng bộ việc quản lý các trung tâm GDTX trên toàn tỉnh”.

Bà Đặng Thị Tú Linh - Giám đốc Trung tâm GDTX thành phố Vinh

Tin mới