Những cái tát của sự thất bại

(Baonghean.vn) - Dư luận vô cùng bất bình, phẫn nộ và đau xót trước vụ việc một học sinh lớp 6 ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phải nhập viện vì bị cô giáo phạt, phải nhận 230 cái tát của bạn và 1 cái tát của chính cô.

Vụ bạo hành học đường này thêm một lần nữa cho thấy những người làm giáo dục đã thất bại cả cái tâm và cái tình đối với học sinh - đối tượng cần được giáo dục và yêu thương để hoàn thiện nhân cách làm người.

Vì một chút tinh nghịch, cậu học sinh lớp 6 đã nhấn mạnh chữ Thanh trong từ Thanh Hóa để trêu bạn, vì tên của mẹ bạn là Thanh. Một trò đùa thường xảy ra ở trẻ mới lớn( trẻ con nông thôn như chúng tôi, ngày xưa cũng thế, hay kêu tên cả mẹ bạn ra để trêu đùa) đã bị thổi phồng thành “chửi mẹ của bạn”, thành lỗi “ nói tục” (mà thực ra chưa đến mức “tục tĩu” như lời cô giáo nói).

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy trong giờ dạy. Ảnh: Internet
Cô Nguyễn Thị Phương Thủy trong giờ dạy. Ảnh: Internet
Thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm chưa rõ đầu đuôi câu chuyện đã vội áp dụng hình phạt mà cô đã đặt ra trước đó, bắt các bạn cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào mặt cậu học sinh được cho là “vi phạm”.

Hậu quả là em đã nhận 230 cái tát của bạn và thêm một cái tát nảy lửa của chính cô giáo chủ nhiệm. Đau nhất và cũng đáng suy nghĩ nhất là 10 cái tát đẫm nước mắt của một người em họ dành cho em. Cũng như các bạn, cậu em họ này vừa tát anh, vừa khóc, nhưng vẫn phải tát. Vì “nếu không tát đủ, hoặc tát không đủ mạnh thì sẽ bị cô cho tát ngược trở lại”.

Sau “đòn tra tấn” này, cậu học sinh lớp 6 bé bỏng phải nhập viện trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. 

Hcoj sinh lớp 6 phải nhập viện sau khi nhận đủ 230 cái tát. Ảnh: Internet
Học sinh lớp 6 phải nhập viện sau khi nhận đủ 230 cái tát. Ảnh: Internet
Đây thực sự là một câu chuyện vô cùng xót xa với những người yêu trẻ!  

Đã từng có quá nhiều vụ giáo viên xử phạt học sinh theo kiểu hành hạ cho bõ ghét này phải nhận kỷ luật, có người phải bị đuổi ra khỏi ngành. Gần đây nhất là vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo, trong đó để chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.

Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần khẳng định kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo… Những quy định như vậy, lẽ nào cô giáo này không biết. Là cô giáo, cô cũng là mẹ của những đứa con, sao cô vẫn bất chấp cả lý lẽ lẫn tình người để đưa ra kiểu trừng phạt học sinh dã man như vậy?

Điều đáng nói là cách phạt gián tiếp này của cô, vô hình trung cô đã biến những đứa trẻ non nớt vốn là bè bạn thân tình hằng ngày trở thành người xa lạ, vô cảm, nhẫn tâm với bạn học. Có lẽ không đâu trên thế gian này lại có cảnh 23 học sinh sắp hàng, lần lượt bước tới, mỗi em tát vào mặt bạn mình 10 cái, mà phải tát đủ, tát mạnh mới đúng ý cô.

Hình ảnh này thực sự là nỗi ám ảnh không chỉ cho cậu học trò đáng thương kia mà còn là nỗi ám ảnh cho môi trường giáo dục.

Ám ảnh vì không hề có lấy một học sinh nào dám có ý kiến với cô giáo để không phải tát bạn. Thậm chí có cả trường hợp học sinh tát bạn là họ hàng với nhau, vừa tát người anh của mình vừa khóc. Rõ ràng ở đây, nỗi sợ hãi cô giáo đã lớn hơn tình bạn, tình người. Dù có được biện hộ bằng cách nào thì phương pháp giáo dục bằng tình thương đã thất bại, thay vào đó là cách giáo dục bằng bạo lực.

Có thể nói 231 cái tát vào mặt cậu học trò bé nhỏ ấy đã làm em đau đớn, ám ảnh. Nhưng càng đau hơn vì đó là minh chứng cho sự thất bại của giáo dục. Xin đừng dùng những lời đao to búa lớn để nói về một hành động không đáng có của một người làm nghề dạy học - nghề lấy tình thương, sự cảm hóa làm đầu.

Cũng xin đừng dùng những lời lẽ quá hàn lâm - vốn chỉ dành cho các nhà khoa học để chất vấn các em rằng: “Tinh thần phản biện của các em ở đâu”? Chỉ cần đơn giản là các em biết cái gì đúng - cái gì sai, biết cái gì nên làm là đủ. Dư luận phẫn nộ vì cách hành xử của cô giáo và cũng rất xót lòng khi 23 học sinh không em nào dám phản ứng lại, mà cứ răm rắp tuân lệnh cô, dù có em cũng nhận ra kiểu trừng phạt ấy là vô lý và nhẫn tâm.

Phải chăng, cách dạy học hiện nay biến học sinh thành những cái máy chỉ biết răm rắp cúi đầu nghe lời cô mà không dám nói lên chính kiến của mình. Học sinh không dám trái lệnh thầy cô dù cảm thấy vô lý, còn thầy cô thì không dám trái lệnh nhà trường vì thành tích; phụ huynh không dám phản ứng với giáo viên vì sợ con mình bị trù dập?...

Giáo dục kiểu rập khuôn, “đồng phục” như vậy sẽ gây hậu quả vô cùng lớn, tiêu diệt tư duy, tính độc lập suy nghĩ, tinh thần phản kháng và đấu tranh, "mũ ni che tai" trước mọi sự việc. Đó mới chính là những "cái tát" đau đớn cho mọi người và ngành giáo dục.

Lời giải thích của cô giáo cho thấy áp lực thành tích là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc phản giáo dục, đầy tính bạo lực, thậm chí là chà đạp lên những chuẩn mực đạo đức tối thiểu của xã hội (bắt em con cậu ruột phải tát anh họ). Lớn lên trong cách dạy dỗ quái gở như thế, bảo sao những hành vi bạo lực không lan tràn trong học đường.

Nực cười hơn, khi sự việc đau lòng xảy ra, thay vì nghiêm khắc kỷ luật cô giáo này, cả ban giám hiệu và chính quyền địa phương lại chỉ lo nài nỉ gia đình “bỏ qua, không làm lớn chuyện vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của địa phương, vì trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2”!

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình xử lý nghiêm minh vụ việc. Ngày 26/11, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án, chắc chắn pháp luật sẽ dành cho cô giáo này một bản án xứng đáng với hành vi phản giáo dục do mình gây ra.

Nhưng nỗi ám ảnh trong cuộc đời cậu học trò bị cô giáo và bạn bè trừng phạt liệu có dễ phôi phai. Liệu những vụ việc tương tự có còn xảy ra, một khi áp lực của căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục dù nói đã nhiều, hô hào chấn chỉnh cũng nhiều nhưng xem ra, vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện được bao nhiêu./.                                                              

Tin mới