Những chiến sỹ Vị Xuyên trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Chúng tôi về Anh Sơn vào một ngày đầy nắng. Khắp các đường làng ngõ xóm đã treo nhiều khẩu hiệu chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện, kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ. Ít ai biết được rằng, trong cuộc sống nhộn nhịp đời thường hôm nay, những người lính Vị Xuyên năm ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm về một thời đau thương anh dũng.

Người trở về.

Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng những người lính Vị Xuyên ngày ấy vẫn không thể nào quên được những địa danh như “đồi xay thịt”, “lò vôi thế kỷ”…trên mảnh đất Hà Tuyên ngày ấy (nay là Hà Giang). Một thời đạn bom ác liệt là thế, đầy bi thương và anh dũng là thế nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường họ lại bình dị với  cuốc, cày trên những thửa ruộng, mảnh vườn quê hương.

Ông Lê Văn Sơn kể lại những năm tháng ở mặt trận Vị Xuyên.
Ông Lê Văn Sơn kể lại những năm tháng ở mặt trận Vị Xuyên.

Ông Lê Văn Sơn ở xóm 15, xã Đức Sơn (Anh Sơn) đón chúng tôi khi vừa tất tả ngoài đồng về. Trong căn nhà nhỏ, ông Sơn kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày lịch sử tại Vị Xuyên với một niềm tự hào khôn xiết.

Tháng 9 năm 1983 chàng trai trẻ Lê Văn Sơn được đứng vào hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh Sơn được bổ sung vào Sư đoàn 306, Quân đoàn 2 chiến đấu ở khu vực “4 hầm”. Đây chính mặt trận Vị Xuyên nơi ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Những cao điểm khốc liệt nhất có thể kể đến như: 1509, 1030, 772. Ông Lê Văn Sơn kể lại, sáng sớm ngày 12/01/1986, ông cùng hai chiến sĩ được phân công trực chốt. Điểm chốt chỉ cách vị trí đóng quân của quân địch mấy chục mét, hai bên có thể nghe tiếng nói của nhau một cách rõ ràng. Bỗng chốc pháo kích xé toang không gian yên tĩnh, ngay lập tức quân ta tiến lên dành cao điểm đồi Cô Ích. Một quả pháo bắn trúng ngay chỗ ông Sơn và 2 đồng đội chốt. Khi ông tỉnh dậy cũng là lúc biết rằng đồng đội của mình đã hy sinh.

Sau trận chiến ấy, ông Sơn được đưa về tuyến sau và xuất ngũ. Vết thương cũ khi trở trời nhức buốt, vậy nhưng ông vẫn cười hào sảng, kể về những ngày gian khổ: “Ngoài kia pháo bắn đùng đoàng/ Trong hang ta vẫn đàng hoàng đón xuân”.

Lá thư chưa kịp gửi

Về mảnh đất Tào Sơn, chúng tôi tìm đến vào gia đình bà Phan Thị Tùng thân nhân liệt sỹ Trần Văn Sơn. Trong không gian trầm ấm của ngôi nhà nhỏ, chúng tôi được bà Tùng cho xem những kỷ vật còn lại của chồng. Và câu chuyện về liệt sỹ Trần Văn Sơn cùng lần dở theo ký ức.

Bà Phan Thị Tùng bên di ảnh chồng.
Bà Phan Thị Tùng bên di ảnh chồng.

Ông Trần Văn Sơn nhập ngũ ngày 15/8/1976, chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Sau khi Chính quyền Bắc Kinh cố tình tạo ra sự kiện biên giới phía bắc nước ta, cùng với nhiều đồng chí, đồng đội ông Sơn được điều động về biên giới phía Bắc. Và trong một trận giao tranh ác liệt ngày 02/12/1985 ông đã hy sinh, khi đó ông đang giữ cương vị Đại đội trưởng. Điều đáng trân quý nhất của liệt sỹ Trần Văn Sơn là trước khi ngã xuống, trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng vẫn thư từ đều đặn cho vợ và các con ở quê nhà. Những lá thư của ông được xem như “nhật ký chiến trường” vì đã kể lại những ký ức không thể nào quên. Liệt sỹ cũng đã dồn tất cả tình thương yêu cho vợ con, gia đình qua những nét chữ thấm đẫm cảm xúc. Lá thư cuối cùng của ông đề ngày 18/11/1985 tức là chỉ hai tuần trước lúc ông hy sinh. Lá thư này được đồng đội đưa về cho bà Tùng kèm theo giấy báo tử của ông. Như một linh cảm, trong thư ông dặn dò vợ con rất chu đáo, đồng thời kể lại: “Hiện nay chúng anh đã giáp mặt với quân thù với khoảng cách không dài, chỉ 50 mét thôi. Ngày đêm pháo địch bắn như trút nước không một tiếng đồng hồ ngớt tiếng pháo...”

Lá thư chưa kịp gửi của liệt sỹ Trần Văn Sơn.
Lá thư chưa kịp gửi của liệt sỹ Trần Văn Sơn.

Những dòng chữ viết vội ở chiến trường của liệt sỹ Trần Văn Sơn chưa kịp gửi về cho gia đình ở nhà thì ông đã hy sinh trong một trận chiến ngày 02/12/1985. Hôm đó, mới 3 giờ sáng, pháo địch băm nát cả một vùng, Đại đội trưởng Trần Văn Sơn dẫn quân lên chiếm lại khu vực sườn núi, nhưng lên đến lưng chừng bị pháo địch bắn rát. Đại đội trưởng Sơn bảo: “Để tôi lên trước xem chúng nó như thế nào?” Nhưng một viên đạn đã găm ngay giữa ngực làm ông gục xuống. Mấy ngày sau đồng đội mới lấy được thi thể ông về mai tang, chôn cất. Mộ ông đã được chuyển từ Hà Giang về cách đây hơn 2 năm trên nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào.

Thắp hương lên di ảnh liệt sĩ Trần Văn Sơn bà Tùng ngậm ngùi: “Ngày đó anh ấy có một cuốn nhật ký nữa gửi về nhưng bây giờ đã bị thất lạc. Hiện nay, gia đình cũng đang củng cố hồ sơ để làm lại các chế độ gia đình liệt sỹ”. Ánh mắt người vợ hơn 30 năm ở vậy thờ chồng đỏ hoe trong nắng chiều. Trong ánh mắt ấy vẫn sáng một niềm tự hào vì có một người chồng anh hùng đã để lại xương thịt mình trên mảnh đất Hà Tuyên.

                                                                   Đào Thọ - Hữu Vi

Tin mới