Những cô giáo 9X lên rẫy tìm học sinh

(Baonghean.vn) – Họ là những người trẻ vượt hàng trăm km đường rừng đến các điểm bản khó khăn nhất vùng cao Nghệ An để dạy học.

Cuộc sống nơi “3 không”

Từ thị trấn Hòa Bình, vượt qua khoảng 50 km đường đồi núi mới đến được điểm bản Minh Thành và Chăm Puông thuộc Trường Tiểu học Xá Lượng (Tương Dương). Mữa lũ đã gây thêm nhiều điểm sạt lở trên chặng đường đó, nếu trời mưa lớn chắc chẳng ai dám qua đây bởi bùn và trơn trượt.

Điểm trường Minh Thành có 4 lớp với 36 học sinh nhưng chỉ có 4 giáo viên nữ phụ trách. Họ đều là những người tuổi đời còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất sinh năm 1990, người ít tuổi nhất sinh 1995. Cuộc sống nơi bản “ba không” (không đường, không điện, không sóng điện thoại) này vất vả trăm bề.

Giáo viên bản Minh Thành đón học sinh qua suối đến trường. Ảnh: Đào Thọ
Giáo viên bản Minh Thành đón học sinh qua suối đến trường. Ảnh: Đào Thọ

Mỗi ngày, các cô giáo nơi đây phải thức dậy lúc sáng sớm ra suối đón học sinh. Con suối Mạt ngăn cách 34 em học sinh bên kia khiến mỗi lần nước dâng cao các em không thể nào đến trường được.

Còn ngày bình thường những học sinh nhỏ phải được các cô cõng qua suối để sang điểm trường. Cô Vi Thị Thủy Mơ – một giáo viên hợp đồng nơi đây cho hay, vì sự an toàn của các cháu nên hàng ngày giáo viên đều phải túc trực, để đón các em tới lớp an toàn.

Hướng dẫn học sinh học bài miễn phí ban đêm. Ảnh: Đào Thọ
Các cô hướng dẫn học sinh học bài ban đêm. Ảnh: Đào Thọ

Bữa ăn đạm bạc chỉ có rau rừng và một ít cá mặn được các cô tích trữ từ đầu tuần nhưng thật ngon lành, bởi theo họ cuộc sống của những hộ dân nơi đây còn khổ cực hơn nhiều.

Ăn vội bữa cơm chiều, các cô lại chuẩn bị thắp đèn ra suối đón học sinh tới lớp. Trong phòng học mỗi cô phụ trách một lớp, hướng dẫn tỉ mỉ từ cách đánh vần đến viết chữ, tính toán.

Mặc mùi dầu cháy khét rẹt bốc lên từ ngọn đèn dầu nhưng những mái đầu vẫn miệt mài làm việc bên những trang vở. Cô Kha Thị Thư, một giáo viên sinh năm 1990, vượt đường 50 km từ xã Tam Thái lên đây cắm bản tâm sự: “Ban đêm không có điện, các cô khi thì mua nến, hết nến thì nhờ phụ huynh góp dầu để các cháu được đến trường học. Nếu các em ở nhà, cha mẹ không bày dạy được... từ đó, chất lượng học tập của các em được nâng cao”.

Không có điện nên sau mỗi buôi dạy học, các giáo viên lại miệt mài làm việc bên ngọn đèn dầu. Ảnh: Đào Thọ
Hàng đêm, các giáo viên cắm bản miệt mài làm việc bên ngọn đèn dầu. Ảnh: Đào Thọ

Sau tiếng trống tan trường, các cô quy tụ trong căn phòng nhỏ. 4 người chen nhau ngồi làm hồ sơ bên ngọn đèn dầu. Cô Trần Thị Quỳnh Trang, mới ra trường được phân công về đây cho hay, lúc đầu nhận nhiệm vụ vượt đường rừng một mình đến trường người cứ run bần bật. Điện không, sóng điện thoại lúc có lúc mất, 4 chị em chen chúc nhau trong một căn phòng nhỏ...

Vào rừng tìm học trò

Tại điểm trường Chăm Puông, cuộc sống có khá hơn nhưng lại là điểm trường xa xôi hơn cả. Điện lưới vẫn còn là ước mơ quá xa vời đối với người dân và thầy cô giáo nơi đây. Điểm bản này có số lượng học sinh đông nhất của xã Xá Lượng với 98 cháu, nhưng các phòng học vẫn còn tạm bợ. Nhà trường phải dùng một phòng ở của giáo viên để làm nơi dạy học cho các em.

Điểm trường tiểu học Xá Lượng bản Chăm Puông. Ảnh: Đào Thọ
Điểm trường tiểu học Xá Lượng ở bản Chăm Puông. Ảnh: Đào Thọ

Bên ngọn đèn dầu, cô giáo trẻ Vi Thị Miền sinh năm 1991 kể rằng, cô ra trường đã lâu nhưng hiện vẫn đang nằm trong diện hợp đồng của trường. Bám trụ với nghề và làm nhiệm vụ gieo chữ nhưng nhiều lần các cô phải đi tìm học sinh.

Nhất là vào mùa thu hoạch lúa, học sinh đi theo bố mẹ lên rẫy ở hàng tuần. Những lúc như vậy, cô lại phải băng rừng vượt suối đi tìm để đưa các em trở lại trường.

Đánh trống báo học sinh tới trường. Ảnh: Đào Thọ
Các cô cũng chính là người đánh trống trường. Ảnh: Đào Thọ

Theo lời cô giáo Miền, chỉ mới hôm qua đây thôi vừa dạy xong buổi, cô vội vàng mang theo ít cơm đùm trong lá chuối vào rừng vận động học sinh. Em Lữ Thị Như đã vắng học từ 4 hôm nay khiến cô rất lo lắng bởi nếu không đến trường, Như sẽ không theo kịp các bạn.

Định bụng chỉ đi trong buổi trưa để còn kịp về lo công việc buổi chiều nhưng con đường đồi núi càng đi càng xa, càng thấy mệt. Hơn 2 giờ đồng hồ băng rừng vượt suối, mồ hôi ướt đẫm cô Miền mới tới được khu chòi nhỏ nơi gia đình học sinh ở thu hoạch lúa.

Sau một hồi vận động, thuyết phục, bố mẹ Như đã đồng ý để cô giáo dắt con mình về trường. Lại hơn 2 tiếng nữa cô trò mới về tới bản lúc trời vừa chập tối. “Về đến trường chỉ muốn nằm dài, cơm cũng không muốn ăn nữa nhưng nghĩ đến cảnh đưa được học sinh trở lại trường lại thấy vui” – cô Miền tươi cười nói.

Cô giáo Vi Thị Miền lên rẫy đưa học sinh về trường. Ảnh: Đào Thọ
Cô giáo Vi Thị Miền lên rẫy đưa học sinh về trường. Ảnh: Đào Thọ

Cô Đinh Thị Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xá Lượng cũng chia sẻ: “Không chỉ có giáo viên cắm bản, mà nhiều giáo viên điểm chính của trường cũng thường xuyên vào rừng vận động học sinh trở lại lớp. Có lúc còn đi cả ngày mới đưa được các em về trường, tiếp tục việc học...”.

Còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ những giáo viên cắm bản ở miền Tây xứ Nghệ vẫn ngày đêm miệt mài với học sinh và con chữ. Vượt qua tất cả, họ luôn nuôi dưỡng niềm hạnh phúc khi đứng trên bục giảng.

 » Cuộc sống tạm bợ của cô giáo 15 năm 'cắm bản'

 » Giáo viên cắm bản có được cộng dồn năm công tác ở vùng khó khăn để hưởng trợ cấp?
 

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới