Những cổ phiếu nào tăng khi U23 Việt Nam thăng hoa?

Hai ngày sau khi U23 Việt Nam thăng hoa tại giải bóng đá châu Á, một số mã cổ phiếu có dây mơ, rễ má trên thị trường chứng khoán cũng đang có... bão. Tuy nhiên, dường như chỉ có bầu Hiển là đang cười, còn lại thì đang khóc “không ra nước mắt”.

Trong phiên giao dịch ngày 29/1, 2 ngày sau khi U23 thăng hoa tại giải châu Á, cổ phiếu SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội) của bầu Hiển vẫn tiếp tục tăng mạnh lên 13.300 đồng/CP (tăng 900 đồng, +7,3%) với khối lượng khớp lệnh kỷ lục đạt 30.781.700 cổ phiếu. Đây cũng là phiên giao dịch tăng điểm thứ 8 liên tiếp của cổ phiếu SHB.

Đặc biệt, nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2017 thì cổ phiếu SHB trong vài tuần trở lại đây đang gây ấn tượng mạnh trên thị trường chứng khoán khi tăng từ vùng giá 8.650 đồng/CP lên mức giá 13.300 đồng/CP (tăng 53,7%).

Việc cổ phiếu SHB tăng mạnh trong thời gian gần đây được nhiều nhà đầu tư nói vui rằng do hiệu ứng thành công từ đội U23 Việt Nam. Theo đó, một loạt các cái tên ấn tượng trong giải đấu vừa qua như: Hà Đức Chinh, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu… đều đến từ các câu lạc bộ của Bầu Hiển như CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng.

Tuy nhiên, có lẽ đây cũng chỉ là một phần nhỏ của lý do khiến cổ phiếu SHB tăng mạnh thời gian qua, còn lại thì theo ý kiến của giới đầu tư chứng khoán, SHB khởi sắc thời gian gần đây có thể đến từ kỳ vọng về KQKD khả quan trong năm 2017 của ngành ngân hàng nói chung, cũng như kỳ vọng về việc xử lý nợ xấu có nhiều tiến triển tích cực. Ngoài ra, mới đây SHB cũng quyết định chia cổ tức và điều này cũng mang đến những tác động tích cực tới giá cổ phiếu.

Trong khi đó, cũng có được sự chú ý mạnh từ giới truyền thông với vai trò ươm mầm những tài năng của U23 hiện tại với những cái tên như: Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Phong Hồng Duy, Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh... Đặc biệt, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư kêu gọi ủng hộ mạnh mẽ cho cổ phiếu bầu Đức (mã HAG và HNG) nhưng trong phiên giao dịch hôm nay 29.1, cả 2 mã cổ phiếu này đều... đỏ sàn.

Cụ thể, HAG giảm 100 đồng/CP (-1,2%), về mức 8.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh khoảng gần 10,8 triệu cổ phiếu. Đây cũng là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu HAG. Tương tự, cổ phiếu HNG của bầu Đức cũng giảm 230 đồng/CP (-2,5%), về mức giá 8.920 đồng/CP so với phiên trước với khối lượng gần 4 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Đây cũng là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của HNG.

Còn với mã cổ phiếu VJC (VietJet) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, trong phiên giao dịch hôm nay, VJC đã có phiên “nhảy múa” bởi sự cố bikini hôm 27.1. Cụ thể, trong phiên giao dịch buổi sáng nay (29.1), có những thời điểm cổ phiếu VJC đã có lúc tăng lên mức 198.000 đồng/CP.

Thế nhưng càng về cuối phiên sáng, đà lao dốc càng mạnh. Và đến đầu giờ chiều thì xu hướng giảm điểm của cổ phiếu "bikini" càng trở nên mạnh mẽ. Bằng chứng là, lúc 14h30 chiều nay, giá mỗi cổ phiếu VJC chỉ còn ở mức 189.000 đồng/CP, giảm giá 1.000 đồng xuống so với giá đóng cửa phiên buổi sáng nay.

Tuy nhiên, đóng cửa phiên giao dịch, VJC quay về mức giá 189.500 đồng/CP, giảm nhẹ 500 đồng/CP so với phiên trước với khoảng gần 1,9 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Đây cũng là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu VJC “đỏ sàn” khi trước đó, phiên giao dịch ngày 26.1, VJC giảm mạnh 9.500 đồng, từ 199.500 đồng/CP xuống 190.000 đồng/CP với gần 2,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu VJC “đỏ sàn” có thể đến từ áp lực chốt lời, hoặc cũng có thể từ nguồn thông tin Vietjet có thể đối mặt với mức án phạt nghiêm từ Cục Hàng không Việt Nam.

Mặc dù, cổ phiếu Vietjet lao dốc song nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn không bị tụt hạng. Theo công bố mới nhất của Forbes, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện vẫn sở hữu khối tài sản 3,3 tỷ USD, đứng thứ 728 trong bảng danh sách người giàu nhất thế giới.

Tin mới