Những công trình tạo động lực mới

(Baonghean) - Đúng vào dịp Kỷ niệm 71 năm Ngày quốc khánh 2/9 năm nay, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phấn khởi với việc khánh thành, đưa vào sử dụng 8 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Sự kiện này diễn ra đầu mùa thu mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu - đường tăng cường kết nối các vùng miền

Người dân háo hức với lễ thông xe chính thức cầu đường bộ Yên Xuân.
Người dân háo hức với lễ thông xe chính thức cầu đường bộ Yên Xuân.

Sáng thu nay, anh Nguyễn Văn Tình cùng đông đảo bà con nhân dân thị xã Thái Hòa có một trải nghiệm vui sướng khi thực hiện hành trình trên con đường mới từ xã Nghĩa Mỹ tại QL48 (Km 30 + 609) ra Quốc lộ 1A (địa phận TX. Hoàng Mai). Trên chặng đường 29 km vừa mới hoàn thành, anh Tình và các “bạn làng” chỉ mất chừng 30 phút để ra QL1A, từ đây, mọi người có thể đi khắp các vùng miền một cách thuận tiện hơn.

Tuyến đường nối QL 1A với QL 48 được đầu tư xây dựng mới với 2 làn xe. Tổng mức đầu tư tuyến đường này trên 855 tỷ đồng, đi qua thị xã Hoàng Mai (9 km), huyện Quỳnh Lưu (9 km), huyện Nghĩa Đàn (9,5 km) và thị xã Thái Hoà (1,5 km). Điểm đầu Km0 giao với QL1A tại Km387+500. Điểm cuối Km28+990 đấu nối với QL48 tại Km30+609. 

Tại lễ thông xe tuyến đường sáng 3/9, đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tuyến đường nối QL 1A với QL 48 hoàn thành mở ra nhiều cơ hội phát triển mới đối với các địa phương dọc hai bên tuyến, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân vùng Tây Bắc Nghệ An và kết nối với vùng kinh tế Bắc Nghệ An, Nam Thanh Hóa. Đặc biệt kết nối, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng trọng điểm và các khu công nghiệp, nhà máy như: Nhà máy chế biến gỗ thanh và gỗ MDF; Khu Công nghiệp Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa); Xi măng Tân Thắng, Hoàng Mai II, Sữa TH… 

Chiều cùng ngày, hàng nghìn người dân và chính quyền các xã “Năm Nam” của huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và các xã của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thực sự vui mừng đón chào lễ thông xe cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam.

Cầu Yên Xuân mới
Cầu Yên Xuân mới. ảnh P.V

Công trình này đúng nghĩa kết nối “những bờ vui” bởi lẽ giúp nhân dân các xã nói trên xóa bỏ được sự cô lập như ốc đảo trong mùa mưa lũ, giải quyết vấn đề mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông khu vực cầu đường sắt Yên Xuân, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên Quốc lộ 1A, tuyến tránh TP. Vinh, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 8, thúc đẩy việc thông thương để người dân vùng Nam Nghệ - Bắc Hà phát triển kinh tế. 

Có mặt trong buổi lễ trọng, ông Trần Văn Bạt, ở xóm 2, Hưng Xá Hưng Nguyên, xúc động chia sẻ: “Bao đời nay, người dân chúng tôi chờ đợi sự kiện này. Trong buổi lễ hôm nay, nhiều cụ nay đã 80 – 90 tuổi nhờ con cháu chở ra xem và đi trên cây cầu với niềm vui không thể nói hết thành lời”. Còn ông Nguyễn Nhân Sỹ, xóm 10, xã Nam Trung, Nam Đàn, hồ hởi cho biết: “Hôm nay cả nhà tôi và hầu hết người dân vùng lân cận ra đây dự lễ. Biết rằng cây cầu sẽ phục vụ người dân lâu dài nhưng lần đầu tiên được đi trên cầu này luôn thôi  thúc chúng tôi ra đây…”. 

Cầu đường bộ Yên Xuân đi vuông góc với sông Lam và cách cầu đường sắt Yên Xuân hiện tại khoảng 2,5 km về phía thượng lưu. Cầu dài 3,6 km, có tổng giá trị 900 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào ngày 2/10/2015.

Nhà máy thúc đẩy kinh tế phát triển

Nếu như các tuyến đường, cây cầu mở ra nhiều cơ hội kết nối, giao lưu phát triển thì những nhà máy khánh thành vào đầu tháng 9 trên địa bàn Nghệ An có ý nghĩa lan tỏa lớn thúc đẩy kinh tế các vùng miền khởi sắc, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp vào ngân sách tỉnh. Đó là Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An với công nghệ hiện đại, tầm cỡ khu vực và Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai. 

Dự án Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF thuộc Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm được khởi công xây dựng từ tháng 2/2013 trên diện tích 40 ha tại Khu công nghiệp Nghĩa Đàn, có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD (chưa bao gồm vốn đầu tư cho vùng phát triển nguyên liệu bền vững) được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD gồm dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000 m3/năm. Giai đoạn 2 sẽ nâng tổng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000 m3/năm và nhà máy gỗ MDF: 400.000 m3/năm với tổng mức đầu tư 200 triệu USD.

Nhà máy chính thức khánh thành, đi vào hoạt động mở ra cơ hội lớn cho nghề trồng rừng cho nhân dân miền Tây của tỉnh Nghệ An, bởi để đáp ứng nguyên liệu chế biến, cần trên 50.000 ha rừng. Ngoài 2 công ty trực thuộc chuyên nghiệp chăm lo phát triển vùng nguyên liệu, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cũng đã thực hiện phối hợp với các Ban quản lý RPH, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông (Tương Dương)... làm đầu mối thu mua nguyên liệu từ rừng trồng. 

Cùng đó, Dự án Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai được xây dựng tại xã Quỳnh Vinh - thị xã Hoàng Mai cũng chính thức đi vào hoạt động. Công trình được đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất và các công trình phụ trợ trên khu đất hơn 32.000 m2, với 24 chuyền may, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 900 lao động. Nhà máy này là một trong những “động lực” quan trọng kết nối với nhiều công trình khác tạo cho đô thị trẻ Hoàng Mai chuyển mình phát triển mạnh mẽ, sớm trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An, gắn với các dự án lớn của vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Khách sạn 4 sao 15 tầng, Mường Thanh Grand Hoàng Mai được khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 2/9 như một điểm nhấn của đô thị. Với  161 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách trong và ngoài nước; hệ thống 3 phòng hội nghị lớn hiện đại có sức chứa tối đa 1.000 khách. Đi kèm cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ là các dịch vụ tiệc hội thảo, hội nghị chuyên nghiệp, khách sạn mở hướng kết nối tiềm năng du lịch Hoàng Mai với các bãi biển đẹp Quỳnh Lập, Quỳnh Phương và di tích đền Cờn - ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ, các sông, hồ đập, các di tích và lễ hội văn hóa, ẩm thực độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương ven biển…

Dây chuyền sản xuất Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai.
Dây chuyền sản xuất Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai.

Cũng tại thị xã Hoàng Mai, công trình nhà làm việc của Thị ủy, HĐND, UBND và một số trụ sở của các ngành trong khu vực hành chính thị xã được khánh thành, đưa vào sử dụng góp phần quan trọng giải quyết tình trạng cán bộ công chức phải thuê trụ sở.

Một trong những công trình trọng điểm được khánh thành vào dịp này là tòa nhà Đài PT-TH Nghệ An. Tòa nhà cao 12 tầng, tổng diện tích sàn 9.302 m2 với nhiều hạng mục quan trọng như: Trường quay lớn hơn 300 chỗ ngồi; Hệ thống các studio có diện tích từ 100 - 180m2 gắn liền với khối biên tập viên, kỹ thuật viên, PTV tác nghiệp trong không gian mở sẽ là điều kiện tối ưu cho đài thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trong thời kỳ mới. 

Những công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác trên địa bàn Nghệ An vào dịp kỷ niệm 71 năm Ngày quốc khánh đất nước 2/9, Kỷ niệm 86 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-2016) là động lực mới thúc dục cán bộ, nhân dân quê Bác vươn lên góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới