Những “cột mốc sống” trên biển

Cứ mỗi năm đến mùa huấn luyện, thành viên của các Trung đội dân quân biển lại tạm buông lưới cá, gác tay chèo đến thao trường, hăng say luyện tập như những người lính biển thực thụ…

__________________

gười ta vẫn ví lực lượng dân quân tự vệ biển như những “cột mốc sống” kiên cường giữ gìn chủ quyền biển đảo. Hành trang của họ là những con tàu ra khơi phấp phới lá cờ Tổ quốc và tình yêu đất nước, khát vọng hòa bình.

Trung đội dân quân biển phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) và Trung đội dân quân biển xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).

Anh Phùng Bá Thu – Trung đội trưởng Trung đội dân quân biển phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày. Là thuyền trưởng trên chiếc tàu lớn có công suất 820CV, mỗi lần ra khơi của anh và các thuyền viên thường kéo dài hàng chục ngày. Sinh ra là người con của biển, trải qua hàng chục năm gắn với cái nghề lênh đênh trên những con tàu giữa trùng khơi, anh luôn biết ơn những gì mà ngàn đời nay biển cả quê hương đã mang đến cho cái làng chài ven biển này. Nhưng anh cũng thấm thía cả những nhọc nhằn, vất vả mà ngư dân như anh phải đối mặt, thiên tai bão gió, rồi những va chạm do tàu nước ngoài cố tình tạo ra…

Trung đội dân quân tự vệ biển phường Nghi Thủy được thành lập năm 2016, anh Thu được phân công làm trung đội trưởng. Hiện toàn trung đội có 31 đồng chí, chủ yếu là ngư dân trong phường, được biên chế thành 3 tiểu đội, hoạt động trên 4 tàu, trong đó có 2 tàu 420CV, 2 tàu 820CV. Tất bật với những chuyến ra khơi để lo kế sinh nhai cho cả gia đình, nhưng những ngư dân trong đội dân quân tự vệ biển vẫn không quên nhiệm vụ, nắm chắc tình hình an ninh chính trị của địa phương. Cứ mỗi năm đến mùa huấn luyện, họ lại tạm buông lưới cá, gác tay chèo đến thao trường, hăng say luyện tập như những người lính biển thực thụ.

Cũng có vai trò quan trọng như ở Nghi Thủy, Trung đội dân quân tự vệ biển xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) thành lập sớm hơn và được xây dựng làm điểm của Bộ Quốc phòng vào năm 2010. Từ khi ra đời, Trung đội đã phát huy tích cực vai trò, nhiệm vụ của mình, trong năm 2010 đã 3 lần phát hiện kịp thời 3 tàu lạ xâm nhập hải phận, báo cáo cho Bộ đội Biên phòng, hải quân xử lý. Ngoài việc bám biển sản xuất, tăng cường công tác tuần tra cảnh giới trên biển, mùa mưa bão năm đó trung đội đã 2 lần làm nhiệm vụ cứu hộ thành công 2 tàu bị chìm khi vào cửa lạch tránh trú bão. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuấn – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Diễn Ngọc chia sẻ: “Là đơn vị được chọn làm điểm của Bộ Quốc phòng, lại có bề dày truyền thống nên anh em chiến sỹ trong trung đội luôn ý thức được trọng trách của mình, khi có kế hoạch huấn luyện đều tham gia rất tích cực”.

Trung đội Dân quân các xã, phường ven biển luyện tập bắn súng, phòng chống thiên tai.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được 12 trung đội, 11 tiểu đội dân quân tự vệ biển. Quá trình khai thác, đánh bắt hải sản, lực lượng dân quân biển thường xuyên theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình xảy ra trên ngư trường khai thác, cung cấp hàng trăm nguồn tin phục vụ công tác nghiệp vụ, phối hợp với lực lượng biên phòng, công an để tuần tra, canh gác. Nhờ đó mà nhiều năm qua, trên địa bàn không để xảy ra những tình huống bất ngờ, bị động về tình hình quốc phòng, an ninh. Không những vậy, lực lượng này còn trực tiếp tham gia cứu hộ, lai dắt nhiều phương tiện tàu thuyền gặp nạn vào bờ an toàn; trở thành chỗ dựa tin cậy của ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi, bám biển.

Dân quân tự vệ biển là thành phần quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân, vừa trực tiếp sản xuất trên biển, vừa tham gia giữ gìn an ninh, trật tự và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khai xây dựng tổ chức và chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển vẫn còn nhiều vướng mắc về tổ chức và điều kiện hoạt động. Việc tổ chức sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển còn nhiều bất cập nên chưa phát huy hết tính hiệu quả toàn diện.

Trước hết, góc nhìn từ chính sách, tàu thuyền được biên chế dân quân biển chủ yếu là tàu thuyền của cá nhân, có công suất nhỏ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, lại chưa có quy định của Nhà nước về việc gắn với trách nhiệm xây dựng lực lượng dân quân biển trong cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ. Tàu vỏ sắt là loại tàu lớn có khả năng vươn khơi xa, đồng nghĩa với việc sẽ tham gia bảo vệ vùng biển ngoài khơi tốt hơn, nếu có được cơ sở pháp lý này thì địa phương dễ dàng vận động chủ tàu tham gia xây dựng lực lượng dân quân biển ở địa phương. Trung tá Trần Võ Việt – Trưởng Ban dân quân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho rằng, khi Chính phủ có đề án hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn, biên chế cho dân quân biển sẽ tạo thuận lợi rất nhiều trong công tác huấn luyện, quản lý và hoạt động có hiệu quả khi tham gia sản xuất, làm nhiệm vụ trên biển.

Vá lưới chuẩn bị vươn khơi

Mặt khác, thu nhập của ngư dân khi đi biển so với chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước theo Luật Dân quân tự vệ hiện nay là quá chênh lệch. Khi đi biển, người dân thu tối thiểu  500 -700 nghìn đồng/người/ngày, có ngày lên tới 2-3 triệu đồng; trong khi đó, huấn luyện dân quân chỉ được hỗ trợ 0,15% mức lương cơ sở và ngày chế độ ăn cơ bản. Việc bảo đảm chế độ, chính sách cho hoạt động của ngư dân khi tham gia bảo vệ trật tự trị an trên biển còn bất cập, chưa có chính sách, chế tài quy định gắn trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như khuyến khích, động viên ngư dân tham gia.

Do điều kiện kinh tế nên hiện nay hệ thống thông tin liên lạc trên tàu thuyền còn lạc hậu và thiếu đồng bộ; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng dân quân biển trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Chia sẻ cụ thể về khó khăn này, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng – Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) cho biết: “Tháng 6/2016, lực lượng dân quân biển phường Nghi Thủy được huy động tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn phi công và máy bay Su 30 MK2 bị nạn trên vùng biển tỉnh Nghệ An, lúc đó mọi thông tin liên lạc truyền về bờ rất khó do thiết bị liên lạc không có, ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm. Khi tàu về gần đến đảo Mắt thì mới kết nối thông tin được”.

Lực lượng dân quân biển tìm kiếm máy bay Su30 MK2 (năm 2016) và tìm kiếm thuyền viên tàu VTB-26 sau bão số 2 (năm 2017)

Bên cạnh đó, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển còn gặp nhiều khó khăn khác như ngư dân trong độ tuổi dân quân làm nghề biển không ổn định tại một địa bàn, ngư trường đánh bắt thường không phổ biến rộng rãi, ảnh hưởng đến việc xây dựng lực lượng, quản lý hoạt động; hay như việc một số hợp tác xã, hộ gia đình ngư dân do làm ăn thua lỗ, giải thể, bán phương tiện, chuyển đổi sang ngành nghề khác,… cũng khiến cho tính ổn định của lực lượng này không cao.

Thực tiễn cho thấy dân quân biển có vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng nòng cốt của thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển đang là đòi hỏi bức thiết. Do đó, khắc phục những bất cập, khó khăn, tạo điều kiện để phát huy tính hiệu quả toàn diện của lực lượng này là yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành và các địa phương.