Những cụ ông thu tiền trăm triệu mỗi năm từ sản phẩm mây tre đan

(Baonghean.vn) - Nhờ vào kinh nghiệm lâu năm, kết hợp với sự chăm chỉ sáng tạo, những người thợ lành nghề ở 2 xã Tam Quang, Tam Đình, huyện Tương Dương đã làm nên những bộ bàn ghế bằng mây tre vừa độc đáo, mang tính thẩm mỹ và bán rất được giá.

Gia đình ông Trần Duy Thành, ông Quang Mạnh Tuân ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình; ông Kha Văn Thương, bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương) là những hộ dân nổi tiếng với nghề sản xuất bàn ghế bằng mây tre được nhiều người biết đến.

Ông Trần Duy Thành được xem là nghệ nhân nổi tiếng bậc nhất về nghề đan mây tre ở huyện Tương Dương chia sẻ: “Nét độc đáo của những bộ bàn ghế được làm từ mây tre chính là những đường mây đan cầu kỳ, tỉ mỉ, những vòng song được uốn cong tạo thành những hình tròn và những thanh tre tạo nên độ chắc cho sản phẩm”.

sản phẩm bàn ghế đan bằng mây tre của ông Trần Duy Thành ở Bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh: Nguyễn Hạnh
Sản phẩm bàn ghế đan bằng mây tre của ông Trần Duy Thành ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh: Nguyễn Hạnh
Tính đến nay, ông Thành đã làm nghề được hơn 20 năm. Từ khi bắt tay vào làm nghề cho đến giờ sản phẩm bàn ghế mây tre của ông làm ra đến đâu bán hết đến đó, chưa bao giờ bị ế hàng. Hiện ghế ngồi cao có giá 180.000 đồng/cái, ghế ngồi thấp 150.000 đồng/cái. Ngày bình thường ít nhất cũng đan được 2 cái, ngày nhiều thì 3 - 4 cái. Với bộ bàn ghế đan thông thường có giá 1.500.000 đồng/bộ. Bộ bàn ghế có mâm đan hoa văn thổ cẩm 2.500.000 đồng/bộ...
 Trung bình mỗi tháng ông Thành xuất bán 3 - 4 bộ bàn ghế, tháng làm nhiều thì xuất ra 5-6 bộ; thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng từ nghề đan bàn ghế bằng mây tre.

Hiện nay ông Thành làm sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách là chủ yếu. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho dân bản địa mà còn xuất đi nhiều nơi như TP.Vinh, Hà Nội, Sài Gòn, … Nhiều lần phải kéo dài thời gian hẹn khách vì số lượng nhiều một mình ông làm không xuể phải thuê thêm người làm phụ.

Được biết, ông từng được Viện nghiên cứu Phát triển nông thôn ở Hà Nội mời đi dạy nghề cho người dân. Không chỉ làm giàu cho chính mình ông Thành còn mở 3 khóa dạy cho bà con dân bản để phát triển kinh tế thoát nghèo.

Để tạo ra được một bộ bàn ghế thủ công đẹp, tinh xảo, có độ bền lâu dài thì người đan phải là người khéo tay, có sự tư duy, sáng tạo và con mắt thẩm mỹ tốt. Ảnh: Nguyễn Hạnh
Để tạo ra được một bộ bàn ghế thủ công đẹp, tinh xảo, có độ bền lâu dài người đan khéo tay, có sự tư duy, sáng tạo và con mắt thẩm mỹ tốt. Ảnh: Nguyễn Hạnh
Ông Kha Văn Thương, bản Tam Bông, xã Tam Quang cũng là một trong những hộ có thu nhập lớn từ nghề sản xuất bàn ghế thủ công bằng mây tre.
Theo ông Thương, để đan được một bộ bàn ghế mây tre phải trải qua rất nhiều công đoạn, như chẻ tre, vót mây, ép thân cây song thành vòng tròn...
Nguyên liệu làm ra sản phẩm gồm 3 nguyên liệu chính là mây nếp, tre và song. Việc thu mua nguyên liệu phải tuyển chọn kỹ càng, ngâm nguyên liệu vào nước một thời gian để tránh mối mọt. Công đoạn đan mây phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và cầu kỳ.

Trong khâu sản xuất sản phẩm thì khâu khó nhất là đan mặt mâm thổ cẩm, vì hình dáng thổ cẩm phải đi theo những đường nét nhất định; những sợi thổ cẩm phải được nhuộm màu từ vỏ cây sang vị nấu lên.

Hiện nay, mỗi bộ bàn ghế ông Kha Văn Thương bán ra thị trường có giá khác nhau tùy theo kích cỡ; bộ bàn ghế lớn nhất có giá 6.000.000 đồng/bộ; bộ cỡ vừa giá từ 2.300.000 - 2.700.000 đồng; bộ nhỏ giá dao động từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng. Còn mâm thổ cẩm và mâm thường tính giá tùy theo kích cỡ... Mỗi tháng ông Thương làm ra khoảng 50 cái ghế to nhỏ, 7 - 8 chiếc bàn; trừ chi phí thu nhập từ 80 -100 triệu đồng/năm.

sản phẩm mây tre thổ cẩm của Ông Kha Văn Thương ở Bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương
Trong khâu sản xuất thì khâu khó nhất là đan thổ cẩm, vì hình dáng phải đi theo những đường nét nhất định. Trong ảnh: Sản phẩm mây tre thổ cẩm của Ông Kha Văn Thương ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Nguyễn Hạnh
Những sản phẩm thủ công của những người thợ làm ra ở đây luôn bán đắt hàng, thường không đủ cung cấp theo nhu cầu của người dân. Không cần quảng bá tên tuổi, sản phẩm của họ được người dân truyền tai nhau và tạo ra sức hút lớn đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện tại, những hộ sản xuất sản phẩm mây tre đang gặp một số khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào; do lượng mây và song giảm nhiều so với mấy năm trước nên người khai thác phải vào tận rừng sâu mới có./.

Tin mới