Những cuộc họp bất thường vì sự phát triển ổn định của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Khi bàn về đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng ví von: “Quốc hội không bắc nước sôi chờ gạo người” để nói về tinh thần chủ động của Quốc hội trong việc thực thi trách nhiệm là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Việc tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề cấp bách của quốc gia như Kỳ họp bất thường thứ 2, khai mạc ngày 5/1 chính là minh chứng sinh động cho tinh thần ấy, nhằm phản ứng kịp thời trước những yêu cầu đặt ra của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng, niềm tin yêu của đồng bào, cử tri cả nước.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

"Bất thường" để trở nên bình thường

Kỳ họp bất thường lần thứ Hai của Quốc hội khóa XV diễn ra sau thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất hồi đầu năm 2022. Tại kỳ họp ấy, Quốc hội đã quyết định 4 vấn đề quan trọng. Trong đó có Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025.

Thực tiễn đã chứng minh rằng, những nội dung được thảo luận, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt cho năm 2022, năm 2023, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Những quyết sách kịp thời, đúng và trúng được thông qua tại phiên họp bất thường của Quốc hội đã góp phần quan trọng để "biến nguy thành cơ", đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức do 2 năm cả nước dốc toàn lực phòng chống dịch Covid-19, đưa đất nước tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong năm 2022.

Theo chương trình, tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai này, Quốc hội xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng, đều là những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, cần có những quyết sách để điều chỉnh kịp thời, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước và thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đặc biệt Quốc hội đã tiến hành các thủ tục liên quan đến việc thay đổi nhân sự của Chính phủ. Gồm bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, đồng thời phê chuẩn Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường và ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng giữ chức Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026, thay hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng 2 tân Phó Thủ tướng Chính phủ 2021 - 2026: Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng 2 tân Phó Thủ tướng Chính phủ 2021 - 2026: Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang. Ảnh: Quang Khánh

Dư luận xã hội thường tỏ ra nghi ngờ, thậm chí là suy đoán tiêu cực mỗi khi các cơ quan lãnh đạo của Đảng - Nhà nước tổ chức những kỳ họp bất thường. Bởi, là một quốc gia tương đối ổn định về chế độ chính trị, có một Đảng cầm quyền duy nhất lãnh đạo, chúng ta thường quen với những gì đã được định sẵn, kiểu như “xuân thu nhị kỳ” Quốc hội, HĐND tổ chức các cuộc họp toàn thể. Vì vậy, khi nghe hai tiếng “bất thường” là dư luận lại nghĩ ngay đến một điều gì đó không bình thường, là "có vấn đề”.

Thế giới luôn vận động, phát triển không ngừng. Là quốc gia trên đường phát triển, hội nhập, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Những diễn biến trong quá trình phát triển nhiều khi không theo quy luật. Từ chiến lược phát triển KT-XH dài hạn đến những kế hoạch phát triển trung hạn, ngắn hạn; Từ việc xây dựng pháp luật, điều chỉnh chính sách đến những thay đổi mang tính cấp bách về nhân sự lãnh đạo quốc gia… đều cần sự phản ứng tức thời, hiệu quả trên tinh thần chủ động, tích cực từ các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng - Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu giữ vững sự ổn định, không để gián đoạn hoạt động, thậm chí là khủng hoảng hệ thống.

Vì vậy, không chỉ Quốc hội, mà các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của đất nước, những cuộc họp bất thường nếu được tổ chức, cũng nên xem là chuyện rất bình thường.

Giải quyết nhanh các vấn đề cấp bách, ứng phó linh hoạt với thực tiễn

Ngay trước thềm kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV lần này, ngày 30/12/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã tổ chức Hội nghị bất thường để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ. Đây cũng là hội nghị bất thường thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị trước đó diễn ra hồi tháng 6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật đối với 2 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm là Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) và Nguyễn Thành Long ( Bộ trưởng Bộ Y tế) vì vi phạm pháp luật.

Các phiên họp bất thường của Đảng, Quốc hội, Chính phủ hay các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, chính là để giải quyết những việc cần thiết, cấp bách, nhằm phản ứng nhanh, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Việc tổ chức các phiên họp bất thường như vậy thể hiện sự chủ động, tích cực, sự đổi mới trong tư duy, hành động đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các cuộc họp bất thường, suy cho cùng, không ngoài mục tiêu cao nhất là giải quyết những vấn đề bình thường, phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân./.

Tin mới