Những cựu binh đi qua nỗi đau, tỏa sáng giữa cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đi ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, cùng mang trên mình thương tật và gánh chịu “nỗi đau da cam”, các ông Nguyễn Đình Thắng và Phan Thanh Lơn lại gượng lên để làm trụ cột của gia đình và trở thành những tấm gương giàu nghị lực, vượt lên hoàn cảnh, tích cực đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Sẻ chia, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ

83 tuổi, là thương binh với tỷ lệ thương tật 31%, lại nhiễm chất độc hóa học, nhưng hàng ngày ông Nguyễn Đình Thắng ở xóm 5, xã Nghi Kim (thành phố Vinh) vẫn giúp đỡ con cháu trong công việc làm ăn, sản xuất. Ông chia sẻ: “Tuổi này cũng nghỉ ngơi được rồi, nhưng các con đang còn vất vả nên khi còn sức lực mình giúp được chừng nào hay chừng đó…”.

Ông Nguyễn Đình Thắng (trái) giới thiệu những kỷ vật chiến trường. Ảnh: Công Khang
Ông Nguyễn Đình Thắng (trái) giới thiệu những kỷ vật chiến trường. Ảnh: Công Khang

Lặng đi một lúc, ông Thắng kể về cuộc đời mình: Đầu năm 1965, cuộc chiến tranh chống Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt, ông đăng ký nhập ngũ. Được biên chế vào Trung đoàn 33, Sư đoàn 325A, ông Thắng cùng đồng đội vượt núi rừng Trường Sơn vào hoạt động và chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Trong khoảng 10 năm ở Tây Nguyên, ông không thể nhớ hết đã tham gia bao nhiêu trận đánh, bao lần hành quân qua những cánh rừng trụi lá và dùng nước suối nấu ăn. Sau mỗi cuộc hành quân là người ngứa ran, khắp người lở loét, tóc rụng dần, phải dùng thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số để chữa trị.

Năm 1974, sau khi bị thương khá nặng được ra miền Bắc an dưỡng, ông Nguyễn Đình Thắng được chuyển công tác về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, rồi sang ngành Kiểm lâm. Sau khi lập gia đình, vợ ông Thắng - bà Phạm Thị Ngọc sinh liên tục 4 người con (2 trai, 2 gái), trong đó, 2 người mang di chứng nhiễm chất độc hóa học.

Ông Nguyễn Đình Thắng giới thiệu những tấm huân, huy chương thời quân ngũ. Ảnh: Công Khang

Ông Nguyễn Đình Thắng giới thiệu những tấm huân, huy chương thời quân ngũ. Ảnh: Công Khang

Tuy trí não của họ bình thường, nhưng người thì tay chân bị nứt nẻ, người bị lở loét, rụng tóc, dù đi khắp nơi chữa trị nhưng tất cả đều “bó tay”. Lúc ấy, ông Thắng chợt nhớ lại những năm tháng ở chiến trường, đi qua những cánh rừng bị quân Mỹ rải chất độc hóa học. Đến hai cháu của ông cũng bị di chứng, nghĩa là chất độc da cam đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba.

Đối mặt với bao khó khăn, muộn phiền của cuộc sống, có lúc cựu binh Nguyễn Đình Thắng tưởng như không đủ sức chống chọi. Nhưng với bản lĩnh của người từng kinh qua trận mạc, ông đã luôn gắng sức để vượt qua, làm chỗ dựa cho cả gia đình.

Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh tặng ông Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Công Khang

Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh tặng ông Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Công Khang

Khi còn nhiều sức khỏe, ông Thắng đảm nhận công việc Chủ tịch Hội Người cao tuổi, rồi Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Nghi Kim và luôn được tổ chức hội cấp trên đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Ông từng vận động các tổ chức, xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ tu sửa nhà cho 4 gia đình nạn nhân chất độc da cam và hỗ trợ xe lăn, xe đẩy hàng, máy ép nước mía, máy chế biến thức ăn gia súc và hỗ trợ vật nuôi, tiền điều trị cho các gia đình hội viên gặp khó khăn với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Bởi lẽ, nạn nhân chất độc da cam là những người cùng cảnh ngộ, ông Thắng luôn bày tỏ sự quan tâm, giúp đỡ và sẻ chia…

Nghị lực vượt khó và tinh thần, trách nhiệm của ông Nguyễn Đình Thắng đã được bà con nhân dân và các cấp, ngành ghi nhận. Đặc biệt, mới đây ông được UBND tỉnh tuyên dương là người có công tiêu biểu toàn tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Lan tỏa tấm gương làm ăn giỏi

So với ông Nguyễn Đình Thắng thì ông Phan Thanh Lơn (SN 1955), ở xóm Mỹ Thiện, xã Nam Cát (Nam Đàn) có phần may mắn hơn. Ông Lơn là thương binh với tỷ lệ thương tật 71%, bệnh binh tỷ lệ mất sức 65% và bị nhiễm chất độc hóa học.

Vợ chồng ông có 3 con trai, người con trai đầu bị di chứng chất độc da cam nên trí tuệ phát triển không bình thường, hiện đã lấy vợ, sinh con nhưng điều kiện kinh tế khó khăn. Còn hai người em, một người đang đi xuất khẩu lao động ở Đức có mức thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm; một người làm trang trại và dịch vụ ăn uống có thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm.

Ông Phan Thanh Lơn kể chuyện những năm tháng ở chiến trường. Ảnh: Công Khang

Ông Phan Thanh Lơn kể chuyện những năm tháng ở chiến trường. Ảnh: Công Khang

Gia đình ông Lơn từng nhận thầu 5 ha đất hoang để cải tạo, trồng giống lúa mới, vay vốn phát triển chăn nuôi với tổng đàn lợn lên tới 300 con, hàng năm thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng.

Ông Lơn kể: “Năm 1972, vừa tròn 17 tuổi, tôi đăng ký nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 341, huấn luyện xong là thẳng tiến vào chiến trường miền Nam, cụ thể là miền Đông Nam Bộ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ đánh vào Biên Hòa và tiến lên phá vỡ “cửa ngõ” Xuân Lộc. Trong thế giằng co, địch đã dùng máy bay ném bom khiến chúng tôi bị ho sặc và ngạt thở, không kịp thực hiện các biện pháp chống độc…”.

Ông Phan Thanh Lơn bên kỷ vật chiến trường. Ảnh: Công Khang

Ông Phan Thanh Lơn bên kỷ vật chiến trường. Ảnh: Công Khang

Trở về cuộc sống đời thường với bao khó khăn, vất vả khi mang trong mình thương tật và di chứng của chiến tranh, vợ sức khỏe yếu nhưng là người từng trải qua bao gian khổ, hiểm nguy, ông Phan Thanh Lơn quyết tâm không lùi bước trước hoàn cảnh.

Ông đã tập trung phát triển kinh tế, tận dụng ưu thế vốn đất để làm trang trại, nhờ đó, cuộc sống ngày càng ổn định và khởi sắc, hiệu quả kinh tế và nguồn thu nhập ngày càng cao. Khi chính quyền địa phương phát động xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Lơn đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.

Theo ông Lơn, có được kết quả hôm nay ngoài sự nỗ lực của bản thân, gia đình còn phải kể đến sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho nhận thầu đất hoang để cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trang trại.

Ông Phan Thanh Lơn được xem là tấm gương trong phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Công Khang

Ông Phan Thanh Lơn được xem là tấm gương trong phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Công Khang

Gia đình ông Phan Thanh Lơn nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở vùng quê Nam Cát.

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), ông Lơn vinh dự được tham dự Hội nghị Tuyên dương người có công tiêu biểu toàn tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

Tin mới