Những dấu ấn đáng tự hào

(Baonghean) - Trong hệ thống các trường THPT trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Nghi Lộc 5 là một trong 4 trường THPT trẻ tuổi nhất. Tuy nhhiên, 10 năm qua, bằng sức trẻ, bằng sự quyết tâm và bằng  trách nhiệm, các thế hệ lãnh đạo, giáo viên và học sinh nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công, tạo nên một “kỳ tích” ở vùng miền Tây Nghi Lộc. 

Trường THPT Nghi Lộc 5 nằm ngay cạnh con đường N5, nối từ cảng biển Cửa Hiền lên miền Tây Bắc Nghệ An. Ngôi trường mới hình thành mười năm tuổi nhưng đã có cơ ngơi khang trang với bốn dãy nhà cao tầng hiện đại, khuôn viên với những hàng cây xanh ngát. Nhìn vào ngôi trường hiện nay, nhiều người vẫn chưa quên được ngày “khởi nghiệp” vào năm 2006.

Khi đó, gọi là trường cấp III có đến 20 lớp học với gần 900 học sinh nhưng toàn trường chỉ có 10 phòng học cấp 4, học sinh phải học hai ca. Quá trình từ khi có quyết định thành lập đến khi đi vào hoạt động cũng chỉ “vỏn vẹn” một tháng chuẩn bị.

Quang cảnh nhà trường
Quang cảnh nhà trường.

Trường THPT Nghi Lộc 5 là ngôi trường thứ 5 của huyện Nghi Lộc trên cơ sở nâng cấp Phân hiệu 2 của Trường THPT Nghi Lộc 2. “Sinh sau đẻ muộn”, lại đóng ở vùng đất “khó”, giáp với các xã nghèo của huyện Yên Thành và Đô Lương nên từ khi thành lập trường đến khi đi vào hoạt động trường gặp muôn vàn khó khăn.

Trong đó, khó về cơ sở vật chất là một lẽ, nhưng hơn cả là yếu tố con người khi mà trường mới, lớp mới và thầy cô giáo cũng chỉ là những người trẻ mới ra trường, còn non nớt kinh nghiệm.

Là hiệu trưởng đầu tiên của trường, thầy giáo Nguyễn Khắc Đạt nhớ mãi hình ảnh “những ngày trời mưa, thầy trò phải xắn quần, lội bùn để vào lớp. Lớp học chỉ có mỗi bàn ghế, bảng viết còn trang thiết bị, nội thất không có gì. Một lọ hóa chất để làm thí nghiệm cũng không có”.

Trao quà cho học sinh vượt khó học giỏi.
Trao quà cho học sinh vượt khó học giỏi.

Tuy nhiên, theo thầy “cái gian khó ấy đã tôi luyện con người trở nên vững vàng hơn, quyết đoán hơn. Cũng chính cái gian khó ấy đã nhắc nhở mọi người phải làm gì để nhà trường ổn định, đứng vững và phát triển được”...Để làm được điều đó, điều đầu tiên mà Ban giám hiệu nhà trường xác định đó là phải xây dựng được một tập thể đoàn kết, cùng nỗ lực. Qua đó, tạo tiền đề để đậy mạnh phong trào “Dạy tốt – học tốt”.

Trường cũng đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn nề nếp kỷ cương, xây dựng các phong trào thiết thực như phong trào “Chống điểm 0, điểm 1; Dạy miễn phí cho học sinh yếu; Hòm thư bạn giúp bạn; Thử sức mùa thi; Câu lạc bộ học tập; Thi trên Viettel study”...

Tin vui cũng đến sớm đến với trường khi ngay trong năm học thứ 2 tòa nhà ba tầng đầu tiên được hoàn thành. Đây còn là năm đầu tiên nhà trường có học sinh thi tốt nghiệp, đại học. Kết quả Nghi Lộc 5 dẫn đầu 4 trường cùng thành lập năm 2006 và xếp ngang vai với nhiều trường có bề dày vài ba chục năm...

Giờ học Tin học.
Giờ học Tin học.

Quá trình hoạt động nhà trường cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm giúp đỡ của ngành giáo dục và chính quyền địa phương. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn nhà trường đã được đầu tư để xây thêm các dãy nhà cao tầng, đáp ứng đủ phòng học, phòng chức năng với các phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu Projector, máy tính kết nối mạng internet, phòng học ngoại ngữ, đồ dùng, trang thiết bị dạy học hiện đại...và đủ điều kiện để công nhận Trường chuẩn quốc gia.

Về phía đội ngũ giáo viên, từ chỗ toàn trường chỉ có 29 giáo viên đến nay đã phát triển đến hơn 70 người. Chất lượng đội ngũ cũng được chú trọng và phát triển nhanh chóng. Hiện, trường có 18 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 35 giáo viên giỏi cấp trường trình độ giáo viên 100% chuẩn và trên chuẩn. Trong đó, có 1 tiến sĩ, 18 thạc sĩ. Phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm diễn ra sôi nổi. Hàng năm, nhà trường có từ ba đến bốn sáng kiến kinh nghiệm được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Ngoài ra còn có 1 giải Ba, 2 giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp Tỉnh, 2 giải Nhì thi giáo án tích hợp và kiến thức liên môn cấp Bộ.

Cùng với việc từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên thì một trong những vấn đề được Trường THPT Nghi Lộc 5 đặc biệt quan tâm, đó là nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục. Trên thực tế, để thực hiện điều này không dễ bởi “xuất phát điểm” của học sinh trường THPT Nghi Lộc 5 thấp hơn các trường khác trong vùng. Nhiều năm, để đủ học sinh, trường chấp nhận lấy đến hơn 90% số lượng học sinh đăng ký vào trường. Gần 50% học sinh của trường là con em của các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Lớp đào tạo nghề may cho học sinh phân luồng.
Lớp đào tạo nghề may cho học sinh phân luồng.

Chia sẻ về điều này, thầy giáo Đặng Văn Hải. Hiệu trưởng nhà trường cũng nói rằng: Do đầu vào thấp nên ban giám hiệu nhà trường chú trọng không “tô hồng” thành tích. Ngược lại, nhà trường chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả đào tạo và đầu ra của học sinh sau khi ra trường. Muốn vậy, điều đầu tiên cần phải thực hiện đó là tập trung rèn luyện nề nếp, đạo đức cho học sinh, đưa các em vào khuôn khổ, kỷ cương của nhà trường.

Bên cạnh đó, để học sinh và phụ huynh tin tưởng, nhà trường phát huy tinh thần gương mẫu của giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ để xây dựng chất lượng giáo dục của Nhà trường. Giáo viên trẻ của trường “không ngại khó, không ngại khổ”, xây dựng một môi trường giáo dục kỷ luật, nghiêm minh nhưng đầy sáng tạo.

Trên lĩnh vực chuyên môn, với tinh thần của những người trẻ, nhà trường không ngại đổi mới và tạo điều kiện để các giáo viên phát huy năng lực của mình. 10 năm qua, ban chuyên môn nhà trường liên tục triển khai các hoạt động nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng chuyên môn như: đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên đề, dạy học theo chủ đề… Đều đặn hàng kì, các tổ nhóm luôn tổ chức các buổi báo cáo, tiết dạy thể nghiệm ứng dụng các nội dung của các chuyên đề một cách hiệu quả.

Giải thể thao của Trường THPT Nghi Lộc 5.
Giải thể thao của Trường THPT Nghi Lộc 5.

Ngoài ra, để giúp học sinh có điều kiện phát huy, vận dụng toàn diện kỹ năng, kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, nhiều buổi ngoại khóa với các chủ đề khác nhau đã được tổ chức phối hợp bởi các tổ chuyên môn, Đoàn trường, Công đoàn. Hai năm trở lại đây, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phân luồng cho học sinh và Trường THPT Nghi Lộc 5 là ngôi trường THPT công lập đầu tiên trong toàn tỉnh áp dụng mô hình dạy nghề trong trường học dành cho những học sinh phân luồng hoặc học sinh có nhu cầu học nghề.

Những nỗ lực này, cũng sớm đem đến kết quả khi từ năm học 2010 – 2011 đến nay, học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa của trường luôn nằm trong tốp đầu của huyện. Riêng hai năm học 2014-2015, 2015-2016 đứng đầu huyện và xếp thứ 6, thứ 4 toàn tỉnh.

Nhà trường đã có 6 giải Nhất, 23 giải Nhì, 45 giải Ba, 38 giải Khuyến khích học sinh giỏi tỉnh các môn văn hóa; tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT hàng năm từ 99% đến 100%; Học sinh đậu Đại học các trường tốp trên ngày càng nhiều và đã có 6 em được Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương vì có thành tích cao trong thi Đại học.

Bên cạnh đó, trường cũng đã làm tốt công tác phân luồng, góp phần định hướng quan trọng cho học sinh chọn trường, chọn nghề theo đúng sở trường, năng lực và hoàn cảnh của các em. Cũng từ từ mái trường THPT Nghi Lộc 5 đã có rất nhiều em học sinh trưởng thành vượt bậc. Trong đó, có những em nay đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ, thạc sỹ hoặc trở thành những kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo, cô giáo.

Từ những kết quả trên, ngày 21 tháng 10 năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã công nhận trường THPT Nghi Lộc 5 đạt chuẩn Quốc gia. Đây là phần thưởng quý báu cho sự nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi của các thế hệ thầy và trò trong chặng đường vừa qua. Vinh dự, tự hào hơn niềm vui đó lại đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập trường.

Chương trình văn nghệ chào mừng ngày 83 của nhà trường.
Chương trình văn nghệ chào mừng ngày 83 của nhà trường.

Sự đỗ đạt và trưởng thành của học sinh còn là phần thưởng quý giá cho các thế hệ giáo viên của nhà trường sau 10 năm đi vào hoạt động. Để từ đây, nhìn lại chặng đường đã qua họ tin vào sự lựa chọn của mình, tin vào con đường mà tập thể nhà trường đang hướng tới.

Kỷ niệm 10 năm thành lập, còn là dịp để nhà trường ôn lại những thăng trầm trong chặng đường đã đi qua; chia vui với những thàng tích đã đạt được, tôn vinh và tri ân sâu sắc sự đóng góp của giáo viên, nhân viên và học sinh qua các thế hệ. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay tiếp tục nỗ lực cố gắng để hoàn thành sứ mệnh “ trồng người” đầy thiêng liêng và cao cả.

Song Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới