Những dấu hiệu của bệnh lý hẹp hậu môn ở trẻ, phụ huynh không nên chủ quan

(Baonghean.vn) - Hẹp hậu môn ở trẻ em là một dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa với tỉ lệ 1/5.000 trẻ. Vừa qua, bé N.Q.B, 9 tháng tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An được gia đình đưa đến Bệnh viện Quốc tế Vinh khám với những biểu hiện thường gặp của bệnh lý này, mà các bậc phụ huynh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác.

Bé N.Q.B, 9 tháng tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An được gia đình đưa đến Bệnh viện Quốc tế Vinh trong tình trạng không đại tiện kéo dài, bụng chướng và quấy khóc.

Mẹ của bé B cho biết, tình trạng đại tiện trong 3 tháng đầu của bé B hoàn toàn bình thường. Từ tháng thứ 4, khi gia đình bắt đầu tập ăn dặm thì mỗi lần đi đại tiện của bé trở nên khó khăn hơn, phân khuôn nhỏ như sợi bún.Tưởng bé bị táo bón nên ba mẹ luôn tìm cách cải thiện ăn uống cho bé nhưng không hiệu quả.

Bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật. Ảnh: Kim Chung
Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện phẫu thuật tạo hình hậu môn Y-V cho bệnh nhi N.Q.B. Ảnh: Kim Chung

Sau khi được Bác sĩ Ngoại nhi thăm khám, kiểm tra dạ dày của bé có dấu hiệu chướng bụng, kiểm tra hậu môn bệnh nhi chỉ có 1 lỗ nhỏ ở trung tâm hậu môn; Thực hiện siêu âm bụng, chụp X - Quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) thấy trực tràng và một phần đại tràng sigma giãn to do chất thải không được đẩy ra hết. Bác sĩ chẩn đoán bé B bị hẹp hậu môn (2R ~ 3mm).

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, chuyên khoa Ngoại nhi cho biết: Hẹp hậu môn ở trẻ em là một dị tật bẩm sinh phát triển khi trẻ chưa được sinh ra, thường xảy ra từ tuần 5 đến tuần 7 của thai kỳ. Đây là một dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa với tỉ lệ 1/5000, tỉ lệ 3/1 xảy ra ở bé trai so với bé gái. Trẻ sơ sinh bị hẹp hậu môn còn có thể mặc phải các dị tật khác như: Di tật thận hoặc đường tiết niệu, cột sống bất thường, dị tật khí quản, dị tật thực quản, dị tật tay và chân, hội chứng Down, bệnh Hirschsprung (phình đại tràng bẩm sinh), hẹp tá tràng, dị tật tim bẩm sinh”.

Hầu hết các trường hợp được điều trị phẫu thuật để mở lỗ hậu môn bị tắc. Tùy thuộc vào các yếu tố như mức độ, tình trạng, vị trí và nguyên nhân hẹp của hậu môn, bác sĩ phẫu thuật sẽ chọn phương pháp phù hợp.

Bé B được chỉ định phẫu thuật tạo hình hậu môn Y-V; Rạch đường chữ Y ngược, chân chữ Y nằm trong trực tràng, 2 cành chữ Y từ mép da hậu môn, cắt hết các tổ chức dưới da đến hết vòng xơ thắt. Khâu tạo hình đỉnh 2 cành chữ Y vào đáy chân chữ Y thành hình V ngược.

Hình ảnh chụp X - Quang hẹp ống hậu môn. Ảnh: Kim Chung
Hình ảnh chụp X - Quang của bệnh nhi bị hẹp ống hậu môn. Ảnh: Kim Chung

Sau phẫu thuật 2 tuần, bé B đã có thể sinh hoạt và đại tiện bình thường. Tuy nhiên, để tình trạng hẹp hậu môn không bị tái hẹp do sẹo phẫu thuật, bệnh nhi cần được nong hậu môn bằng bộ dụng cụ chuyên dụng và được thực hiện sau phẫu thuật từ 7 - 14 ngày với tần suất và độ sâu theo số từ bé đến lớn ghi trên dụng cụ tùy theo độ tuổi.

Hẹp hậu môn là bệnh lý gây ra những dấu hiệu khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Vì vậy các bậc cha mẹ cần chú ý tới vấn đề vệ sinh của trẻ, nếu có dấu hiệu bất thường như: táo bón, chướng bụng, ói mửa, đại tiện khó khăn…, cần đưa bé đến ngay các trung tâm y tế uy tín có chuyên khoa để được điều trị sớm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra; xóa bỏ những nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ./.

Tin mới