Những điểm du lịch cực nổi tiếng nhờ những câu chuyện... đồn thổi

Khách du lịch thường chịu tâm lý đám đông và tin vào những giai thoại đồn thổi nên có nhiều danh thắng thiếu tính xác thực về lịch sử vẫn quá tải người tham quan.

Dưới đây là 8 điểm du lịch đông khách chỉ nhờ thông tin truyền khẩu mà không có dữ liệu đáng tin. Nếu bạn là người tò mò, hãy cứ tìm đến. Nếu bạn đang có lựa chọn khá hơn có thể bỏ qua. 

Ban công Juliet ở Verona, Italia

 

Mỗi năm, hàng chục ngàn người hâm mộ bị quyến rũ bởi câu chuyện tình huyền thoại của Shakespeare. Du khách đổ xô đến ngắm ban công tỏ tình của Romeo và Juliet . Trong thực tế, chiếc ban công không tồn tại ở thế kỷ 15, thời đại của Shakespeare. Tận thế kỷ 17 ban công này mới được xây bởi những người ghé thăm Verona để tô hồng chuyện tình theo ý của họ. Chẳng ai để ý đến chi tiết bịa thêm này, các cặp đôi vẫn mê mải dùng kẹo cao su gắn giấy nhắn viết tên mình lồng trong trái tim.

Nhà của Đức mẹ đồng trinh Maria ở Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ)

 

Nếu bạn hỏi những người hành hương thường xuyên đến Mount Koressos (còn gọi là Nightingale Mountain) sẽ được giải thích rằng căn nhà đá nhỏ này là nơi linh thiêng Đức mẹ đồng trinh Maria đã sống những năm cuối cùng cuộc đời. Ngay cả Giáo Hội Công giáo cũng chưa bao giờ xác nhận thông tin trên. Một phần của vấn đề là ngôi nhà được phát hiện vào năm 1881, qua sự huyên thuyên mơ hồ của một nữ tu người Đức. Tòa thánh Vatican vẫn cho phép ngôi nhà được thiết kế như một "thánh địa".

Bảo tàng Sherlock Holmes, Đường 221B Baker( London)

 

Về lý thuyết, bảo tàng này tọa lạc tại một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất trong văn học - 221B Baker Street. Nhưng sự thật là địa chỉ đó không tồn tại khi Sherlock Holmes và John Watson được cho là sống ở đó, từ năm 1881 đến năm 1904. Và ngày nay nó vẫn không hợp lý với dãy số nhà kế tiếp. Dù sao thì đã có một nhân vật hư cấu tại thì sao không thể có một địa chỉ hư cấu?

Tượng chú bé Hans Brinker ( Hà Lan)

 

Hans Brinker, nhân vật hư cấu của tác giả người Mỹ Mary Mapes Dodge trong cuốn sách cùng tên năm 1865. Trong sách, Dodge đã viết về một đứa trẻ người Hà Lan bị mắc kẹt ngón tay trong một con đê bị rò rỉ để cứu thị trấn của mình khỏi trận lũ phá hủy. Độc giả Mỹ nườm nượp sang Hà Lan tìm tung tích cậu bé dũng cảm nhưng không thấy đâu. Để xoa dịu khách du lịch tò mò, bức tượng Hans được dựng lên ở các thành phố như Spaarndam và Harlingen. Tại Amsterdam còn có tấm bảng đánh dấu nơi cậu bé thần thoại được sinh ra, họ còn nghĩ cho cậu một ngày sinh “ 27/ 8 /1799”.

Trạm kiểm soát Charlie, Berlin (Đức)

 

Đường biên giới nổi tiếng giữa Đông và Tây Đức bị đập bỏ vào năm 1990 sau thống nhất nước Đức. Trước đó, nó được biết như nơi in dấu những khoảnh khắc đen tối của lịch sử. Nhiều người Đông Đức bị bắn chết khi cố gắng vượt tường để thoát khỏi chế độ cộng sản, sang Tây Đức. Đó là vị trí duy nhất mà quân đội Hoa Kỳ và Liên Xô đối mặt trong thời Chiến tranh Lạnh năm 1961. Bức tường Berlin đã được dỡ bỏ, dọn dẹp từ lâu tuy nhiên nơi đây vẫn bày bán những mảnh tường tự chế như đồ lưu niệm cho du khách.

Phiến đá Plymouth, Massachusetts (Mỹ)

 

Chuyện kể rằng những người hành hương đã đổ bộ lên Plymouth Rock, tiến vào vùng đất mới vào năm 1620. Giai thoại thiếu dữ kiện cho đến 121 năm sau, khi một người địa phương tìm ra một tảng đá 10 tấn và tự tuyên bố đó là chỗ đặt đầu tiên của người hành hương Mayflower. Bốn thế kỷ sau, hậu duệ vẫn đinh ninh về độ thiêng liêng của tảng đá được khắc “1620” mà không có thêm bất cứ chứng cứ xác thực nào.

Cầu sông Kwai, Kanchanaburi (Thái Lan)

 

Bộ phim của đạo diễn David Lean “Cầu qua sông Kwai” ra mắt vào năm 1957 khiến cộng đồng địa phương nơi này phân vân vì sông Kwai không hề có cầu. Đó là phim viễn tưởng. Một cây cầu khác được xây dựng bởi các tù binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng bắc qua sông Mae Khlaung. Không muốn làm khách du lịch thất vọng, họ đã đổi tên cầu này thành KwaeYai để hút khách. 

Bức tường thời tiền sử , Mural de la Prehistoria (Cuba)

 

Bức tường này là điểm dừng phổ biến cho xe buýt tham quan trong ngày ở vùng núi Viñales. Du khách phải trả khoản phí khoảng 15 USD để xem các bức tranh tường sặc sỡ. Trớ trêu ở chỗ nó được vẽ vào năm 1961 vì vậy không có gì liên quan đến tiền sử.

Theo Tiền Phong

TIN LIÊN QUAN

Tin mới