Những điều ít biết về gói cơm trong lễ gọi vía của người Thái Nghệ An

(Baonghean) - Một gói cơm nhỏ giấu kín sau những lớp áo là lễ vật mang theo của thầy mo khi đi gọi vía. Người ta tin rằng, hồn vía đi lạc cũng cần ăn lấy sức để trở về nhà. Đó là ý nghĩa của một lễ vật tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong phong tục tâm linh của người Thái ở Nghệ An.
Về bản Thái 'hóng' chuyện gọi vía

Về bản Thái 'hóng' chuyện gọi vía

(Baonghean.vn) - Tục làm vía là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thể hiện quan niệm về thế giới tấm linh của cộng đồng dân tộc Thái. Hiện phong tục này vẫn được đồng bào Thái miền Tây Nghệ An lưu giữ.

Lễ vật không thể thiếu

Đi gọi vía mà thiếu cái gói cơm là không được đâu. Tôi tình cờ nghe được điều này trong một ngày gần đây khi chuẩn bị những lễ vật đem theo đi gọi vía cho người thân. Với người Thái, trong đó có làng bản của tôi thì gọi vía là một nghi lễ thường gặp nhất, mỗi năm không biết phải chứng kiến bao nhiêu lần?

Lễ gọi vía của người Thái
Lễ vật trong lễ gọi vía không cần quá cầu kỳ, nhưng nhất thiết phải có bát cơm/ gói cơm, cùng với đó là một ít đồ dùng, vật dụng của người được gọi vía. Ảnh: Hữu Vi

Và nguyên cớ của cái lễ này cũng nhiều lắm. Một người sắp đến ngày sinh nở, gọi vía. Sản phụ mời từ bệnh viện sinh con trở về, gọi vía. Khi làm lễ đặt tên, gọi vía. Một đứa trẻ hay bất kỳ ai bị ốm lâu ngày, gọi vía… Người ta cũng làm lễ này cho người chuẩn bị đi xa hoặc lâu ngày mới trở về nhà. Hết năm thì gọi vía trẻ con về nhà ăn Tết. Lễ gọi vía còn cho những người già yếu mà cảm thấy họ không thể qua khỏi hay trường hợp có người thân vừa mất.

Những ai quan tâm đến văn hóa người Thái cũng như các cộng đồng thiểu số chắc biết rõ rằng trong lễ gọi vía người Thái ở lưu vực sông Lam và các sông suối lớn ở miền Tây Nghệ An thường không thể thiếu những chiếc áo. Người Thái nhìn chung đều quan niệm ai cũng có nhiều hồn vía khác nhau và chiếc áo là nơi trú ngụ của hồn vía.

Một buổi lễ
Quang cảnh một buổi lễ gọi vía. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Hồn vía không mất đi. Nó từ cõi trời xuống với người từ khi sinh ra và được tiễn đưa về trời khi người ta chết đi. Trong suốt cuộc đời, vía có nhiệm vụ ở bên người để bảo vệ thân thể tránh ốm đau, hoạn nạn. Chỉ còn vía rời xa cơ thể hay gặp một vấn đề nào đó thì người sẽ gặp bất trắc. Quan niệm này phổ biến với nhiều cộng đồng làng bản có người Thái sinh sống.

Trong quan niệm lâu nay thì hồn vía cũng có cuộc sống như con người vậy. Nghĩa là hồn vía cũng có lúc vui buồn, giận hờn, khi khỏe yếu. Đôi khi vía còn đi lạc hoặc bị bắt giam, bắt làm nô lệ nữa. Trong trường hợp vía đi lạc hay đang lang thang rong chơi đâu đó, hẳn rằng sẽ đang đói bụng; nếu không đói thì cũng cần lấy sức để trở về nhà. Muốn vậy thì phải ăn no bụng đã. Đó là lý do người ta cầm theo một gói cơm khi đi gọi vía.

Cơm nóng hay cơm nguội đều được

Người ta chuẩn bị gói cơm đi gọi vía thật đơn giản, ngắt lấy hai mảnh lá chuối đem hơ lửa cho mềm. Nếu không dùng lá chuối thì lá dong cũng được. Cơm cũng tùy. Nếu kịp nấu thì múc lấy một ít, còn không thì cơm nguội cũng chẳng sao. Đang trong cơn đói nên hồn vía cũng chẳng còn thời gian kiểm tra xem cơm nóng hay nguội. Một cách quan niệm vừa tâm linh và rất thực tế, song cũng không kém phần hồn nhiên.

Gói cơm sau đó được gói kỹ trong những chiếc áo và đem đến nhà thầy mo, người được gia chủ nhờ làm lễ. Chiếc gói khá nhỏ, được buộc bằng lạt chuối, lại giấu kín trong những lớp áo nên chẳng mấy ai để ý.  

Thế nhưng, trong bài cúng gọi vía, chẳng thấy thầy mo nhắc đến gói cơm. Kể cũng lạ. Điều này cho thấy nhiều khi những quan niệm tâm linh chẳng có một logic nào. Song xét cho cùng thì cơm, xôi là một lễ vật quen thuộc với nhiều cộng đồng dân tộc. Vì thế khi nó có mặt trong lễ gọi vía cũng là điều dễ hiểu.

Còn với riêng các làng bản người Thái, cơm và xôi về mặt nào đó đã vô tình len vào quan niệm tâm linh. Có lẽ những quan niệm đặt nặng tầm quan trọng của cơm gạo cũng xuất phát từ một quá khứ nghèo đói, khi cái ăn, cái mặc còn là mối lo lớn nhất của mỗi người. Sau mỗi bữa tối, những người mẹ đang nuôi con nhỏ thường để lại một ít cơm ở đáy nồi. Có người cho rằng để dành cho vía của bọn trẻ. Lỡ nửa đêm, chúng đói mà thức dậy lục nồi. Khi hồn vía đói, người có biết đâu. Cứ để dành cho chắc ăn.

Có những lễ vật trong các nghi lễ dân gian tưởng chẳng có gì to tát, nhưng chúng đều được gửi gắm vào đó những tâm niệm.

Tin mới