Những dòng thương trong mùa dịch

Hà Nội những ngày này mang lại cảm giác hoang vắng, bảng lảng thật khác lạ. Những cơn mưa giông mùa hạ mịt mù khiến trời sầu đất thảm. 6 rưỡi sáng mở cửa trông ra, xung quanh lặng phắc như tờ. Ngoài phố, từng dòng xe, từng đoàn người lô xô khẩu trang bịt kín mít, nín lặng nối nhau trên những con đường ướt nhẹp phía dưới, mù mịt phía trên, phần phật vải mưa bay khúc giữa…

Công nhận thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm, mà nguyên nhân gần như tất cả đều do con người. Bản thân con người ngày càng trở nên ích kỷ, lười nhác và yếu ớt. Những căn phòng máy lạnh duy trì mức nhiệt 25 độ suốt ngày, những tiện ích công năng phục vụ nhu cầu đến tận răng tóc góc cạnh ngõ ngách… đã dần dần triệt tiêu bản năng hoang dã cùng sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh của giống loài động vật bậc cao hiện đông nhất, nhiều nhất trên địa cầu với quân số đã hơn 7 tỷ.

Nhớ hồi xưa, bố mẹ tôi là công nhân viên chức tăng gia kiếm thêm thu nhập để co kéo mong nuôi đủ lũ con 5 đứa bằng mọi cách, trong đó có nuôi gà và lợn. Hơn một lần, sáng mai thức dậy đi học, đang quệt mắt ngáp ngược thêm mấy cái thì nhìn thấy mẹ đầu tóc rối bù, mắt rân rấn nước lôi từ chuồng gà ra những con gà lớn bé trống mái choai già… đủ loại đã chết cứng, có con còn ngả màu xanh lè, do rù. Hồi đó chỉ biết đến từ “rù” chứ đâu nghe thấy cúm A, cúm H hay lấy đâu vaccine tiêm chủng. Và trái ngược với nỗi lòng như xát muối của song thân phụ mẫu, đó sẽ là ngày hội của chị em tôi, vì cả năm may ra chúng tôi được ăn thịt gà đâu vài ba lần: Tết, ngày lễ trọng và khi… gà chết do rù! Chứ nếu chúng khỏe mạnh thì sẽ được quy ra trứng hay ra tiền để còn đong gạo mua áo sắm dép cho lũ nheo nhóc nhà bố mẹ tôi…

Và sẽ là xôn xao nấu nước vặt lông mổ bụng làm lòng. Con gà có rù đến mấy khi làm xong xuôi đặt lên chạn cũng giống… con gà khỏe. Tí mỡ lợn đông, vài củ hành già bóc vỏ phi lên cháy xèo xèo, tô thịt gà rù ròng ròng nước đổ vào rang lên vẫn thơm nhức mũi, khiến cho nước mắt nước mũi và nước dãi của chúng tôi tứa tong tỏng không ngừng nghỉ. Cho lũ con ăn một bữa thịt gà rù thoải mái, bố mẹ tôi còn bắt chị cả chị hai đem một vài con vào ngoại sang nội… đi biếu để lấy thảo.

Mẹ tôi tần tảo nên nuôi được cả lợn sề. Cứ mỗi lứa như thế, mấy con đực đến tuổi là gọi cái ông hay đi quanh làng rao: “Ai… hoạn lợn đêêê!!!” vô để “làm thủ thuật”. Vẫn nhớ cái cảm giác sung sướng vỡ òa khi một buổi trưa chân đất đi học về, ngồi vô mâm cơm thấy được… ăn thịt lợn. Lợn non nên chị em tôi nhai được cả xương, có cả lòng và thủ. Hỏi ra mới biết, có chú đực bất hạnh, thiến bị hỏng, sau vài hôm lăn ra chết nên chúng tôi mới được xơi món đặc sản lợn sữa từ thuở đó.

Những câu chuyện của thuở khổ nghèo nhớ ra thì kể, cứ miên man không dứt. Cũng do bố mẹ chủ quan và thiếu thông tin nên thành “lãng tai không nghe ra đại bác”. Nhưng cũng do lũ chúng tôi uống nước giếng khơi, hít không khí sạch, khoai lang rau dại quả chín cây… nhai rau ráu sau khi đã vã mồ hôi vì chạy chân trần mà thành sức đề kháng không coi virus, vi khuẩn hay vài ba cái cúm kiếc linh tinh ra gì.

Kể nốt chuyện ăn khoẻ của dân mình. Nhớ những mùa Đông năm xưa xa ngái, làng tôi rét lắm, rét đến nỗi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, dù đã được săn sóc chăm nom cẩn thận và kéo cày khoẻ mạnh đến thế mà cứ lăn ra chết dần mòn. Nghe đồn, phụ nữ sau khi sinh không được ăn thịt trâu vì dễ bị “hậu sản”. Giáp hạt sát Tết chẳng có gì ăn nên kiêng cho mẹ chứ vẫn phải nuôi con, thằng cu bé nhà bên mới sinh được bố đút cho chút nước xáo trâu vẫn chép miệng tòm tọp. Giờ nhớ lại nồi thịt trâu đủ cả gân gầu thịt, mỗi miếng bằng nửa bao diêm mẹ đun sôi cứ rung rung trên cái kiềng bếp đen xì lửa củi vờn quanh y như khi đó bọn tôi đang liếm mép thèm thuồng mà nước miếng vẫn kịp tứa ra, dào dạt.

Thế giới cứ khen Việt Nam phòng/diệt dịch giỏi, nhưng nền Y tế bao nhiêu năm phục vụ chiến tranh, gì mà chả kinh qua. Xưa chống Mỹ mấy ông bác sỹ chiến trường còn có lúc cưa chân sống, mấy miếng vải quân y bẩn nhàu còn cứu chữa được bao thương binh kiêm, ăn bụi nằm bờ nhai mì gặm khoai chui địa đạo… đã trui rèn một dân tộc với mã gene khỏe mạnh hơn nhiều hàng xóm.

Rốt cuộc, không cứ gì dịch bệnh, điều cốt tử vẫn là chính bản thân mình: nâng cao sức đề kháng, cẩn thận phòng bệnh theo đúng chỉ dẫn phác đồ… là dịp Quốc khánh tới lại cờ hoa rợp trời, hàng quán lại xôn xao và tiếng hát tiếng đàn lại tưng bừng như bao năm vẫn thế.

| Tác giả: Lê Hồng Lam
| Ảnh minh họa: Tư liệu